28/07/2021 10:43 GMT+7

Gửi những ngày mình thương, rất thương

TÔ THỊ MAI ĐÀO
TÔ THỊ MAI ĐÀO

TTO - Tôi thương hình ảnh bốn mẹ con nề nà nhau trên chiếc xe đạp đã cũ. Họ định mỗi ngày cùng nhau đạp một ít, hơn 1.300km là sẽ về đến quê nhà.

Gửi những ngày mình thương, rất thương - Ảnh 1.

Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Tôi thương người đàn ông trạc tuổi bố mình, dưới chân là đôi dép mòn nát, sau lưng là chiếc balô bộ đội trĩu nặng xuống quá tận lưng quần. Chắc hẳn, bác đã gom toàn bộ đồ đạc và tài sản đáng giá để bắt đầu một hành trình dài hơn mà chưa biết ngày trở lại.

Tôi thương giọt nước mắt chứa chan của người đàn ông 35 tuổi mừng mừng tủi tủi khi lần đầu tiên cầm trên tay được 7 triệu đồng từ những người giúp đỡ. Đó là món tiền nhiều nhất mà cả cuộc đời này chưa bao giờ anh ấy có được. Đó cũng là tình yêu lớn nhất mà có thể trong hai tháng nằm tại chỗ vì tai nạn và mất việc, anh chưa từng nghĩ mình sẽ có.

Hay như câu chuyện của 30 con người cũng về quê bằng đôi chân trần vì không có tiền. Họ - những người lao động xa xứ - đã rời xa gia đình, hàng xóm thân quen để chọn một vùng đất mới và lập nghiệp. Việc mất, tiền không có, các phương tiện di chuyển đều phải ngừng hoạt động hơn 2 tháng qua. Cực chẳng đã họ mới chọn con đường trở về quê hương thay vì bám trụ.

Tôi thương cho mảnh đất mà mình đang sinh sống. Chúng ta vẫn còn nhớ tiếng rao bánh mì mỗi sáng, tiếng còi xe inh ỏi giữa các ngã tư khi đèn xanh vừa chuyển, nhớ cả điệu cười huề và cái cúi đầu xin lỗi vì lỡ va vào nhau trên đường. Chúng ta còn từng cùng nhau kêu gọi và giúp đỡ giải cứu nông sản, hay cả cái chung tay cho quỹ vắc xin khi Bắc Giang - Bắc Ninh là tâm dịch.

Vậy mà...

Giờ đây miền Nam yên ắng. Mọi ngõ, mọi phường đều là những vết thương băng mình, ở đây cách ly, ở kia cách ly. Người dân không thể nghe được gì ngoài tiếng xe cứu thương chạy khắp ngõ, hết sáng đến tận đêm.

Tôi vẫn còn nhớ bản tin COVID-19 trong những ngày tháng 6 trên các trang tin tức với các khung giờ sáng - trưa - tối, mà mỗi lần ghi nhận thêm vài chục ca nhiễm mới ở TP.HCM. Bản tin đăng kèm theo thông tin chuỗi lây nhiễm liên quan đến khu vực nào, và có bao nhiêu người đang điều tra dịch tễ. 

Nhưng kể từ ngày 5-7, khi con số chạm ngưỡng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày, bản tin dần chỉ còn đăng hai khung giờ sáng và tối, mỗi ngày thêm hơn 5.000 ca nhiễm mới, nhưng chẳng còn thấy báo đăng tin truy vết, chẳng còn thấy bao nhiêu ca đang điều tra. Thay vào đó là lời kêu gọi toàn dân tham gia vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch, xe buýt được trưng dụng làm xe cứu thương, sân bóng cũng được trang bị lều trại để làm khu điều trị.

Tuy oằn mình thế, những điều phồn hậu vẫn ở mọi nơi - như thể chưa từng có gì đau thương có thể làm thay đổi được cái sự thương nhau của những người con nước Việt.

Gửi những ngày mình thương, rất thương - Ảnh 2.

Nhân viên y tế TP.HCM sau giờ làm việc - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi rưng rưng khi thấy người bán vé số già chậm rãi đẩy xe lăn, để chia lại thùng mì vừa nhận được cho người bạn hàng của mình.

Tôi xúc động khi nghe tin bà con ở các tỉnh thành gom từng trái bầu, trái bí để gửi tặng cho những đoàn xe cứu trợ, mặc dù cuộc sống của mọi người hẳn vẫn còn bữa đói, bữa no.

Và tôi hạnh phúc cùng với chuyến bay chở 724 người con xa xứ trở về với quê hương. Hay như hình ảnh đoàn xe mở đường của các chiến sĩ công an, giúp cho những người đi xe máy có thể thuận lợi trên hành trình trở về nhà.

Mấy nay Bình Dương mưa, Sài Gòn cũng mưa.

Mưa nhiều như trút đổ. Có những hôm tôi nằm trong nhà mà nghe tiếng gió rin rít ngoài sân. Mưa ban ngày đã lạnh, nói chi đến việc mưa đổ, gió xô vào lúc nửa đêm rạng sáng. Nghĩ đến các bác dân quân, các bạn tình nguyện, và những con người đang trực chiến vẫn còn đang ngoài kia làm công việc thầm lặng, tôi tự cảm thấy khó khăn của mình có là gì đâu.

Mùa hạ này thấm nghĩa sự chia ly.

Có những cái chào chẳng cùng nhau đi đến cuối.

Thật cảm ơn ngày gian khó đã làm chúng ta trân quý hơn những điều bình dị. Thật cảm ơn các cô chú, anh chị em và các bạn đang làm nhiệm vụ cao cả nơi tuyến đầu.

Thật cảm ơn vì chúng ta vẫn còn được ở nhà ngày hôm nay.

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí... Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và mã số thuế để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Y bác sĩ tình nguyện miền Trung kể Y bác sĩ tình nguyện miền Trung kể 'được bà con Sài Gòn thương lắm'

TTO - Các sinh viên và y bác sĩ miền Trung đang có những ngày căng mình cùng người dân TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh.

TÔ THỊ MAI ĐÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên