Có đi trong vùng lũ những ngày này mới thấy cái tình của người dân mình. Trên đường đi đến xã Hà Linh, huyện Hương Khê, khi qua đò ra giữa dòng, nghe tôi trả lời điện thoại với lãnh đạo huyện Hương Khê nên bác lái đò biết tôi là nhà báo đang trên đường đi cứu trợ. Bác nói: “Tưởng ai chứ nhà báo đi cứu giúp dân vùng lũ, tôi không lấy tiền đâu”. Lên bờ, bác lái đò mượn xe máy chở tôi đi tiếp một chặng nữa để đến bến đò khác.
Qua đoạn ngập thứ hai, tôi hỏi một thanh niên đang dắt xe máy ngược chiều rằng có chở khách vượt đoạn ngập thứ ba không. Anh này nói: “Thấy anh mang balô, treo máy ảnh trước ngực tôi biết là nhà báo rồi. Xuống đây để tôi chở giúp anh đến chặng đò cuối cùng”. Hết chặng ngập thứ ba, tôi đang lếch thếch tìm xe thồ về huyện trước khi trời tối thì một người đàn ông đang ngồi trên xe máy hỏi: “Tôi chở được không?”.
Nói xong, anh bảo vợ ngồi chờ một lát rồi chở tôi qua 15km về huyện. Tới nơi tôi trả tiền nhưng anh ta xua tay: “Ai lại lấy tiền nhà báo khi đi cứu trợ dân nghèo chúng tôi”.
Câu chuyện giữa vùng lũ là thế, rồi nghe thêm chuyện các đồng nghiệp từ tòa soạn gọi ra kể về những bác chạy xe ôm ở TP.HCM vội vàng đến trao cho cơ quan vài chục ngàn đồng. Đó là những đồng tiền mang nặng nghĩa tình.
Trong lúc đầu óc tôi đang lâng lâng khi nghĩ về những tấm lòng của người dân mình dành cho nhau trong cơn hoạn nạn thì điện thoại reo. Đầu dây bên kia, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Trần Sáng nói với giọng rất gấp: “Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh câu chuyện trừ tiền cứu trợ để xây cổng làng, huyện đã triệu tập lãnh đạo xã, xóm lên để chấn chỉnh, khắc phục ngay. Nhưng bây giờ chưa thể thông tin gì nhiều hơn, vì chúng tôi lại đang tập trung giải quyết những trận lũ lớn khác đang ập về khiến 17 xã của Hương Khê ngập chìm trong biển nước”.
Đúng là một gáo nước lạnh tạt vào lòng! Bên cạnh những tấm lòng mênh mông của người dân, thật rầu lòng về những cán bộ một số xóm thuộc xã Hương Đô, huyện Hương Khê. Việc đi gom lại tiền của từng hộ dân vừa được cứu trợ để “chia nhỏ” cho những gia đình khác là một chuyện lạ. Nhưng càng lạ hơn nữa là sau khi “chia nhỏ”, họ còn trừ 50.000 đồng/hộ để xây cổng làng! Quả thực là sự kiện bi hài, gây bức xúc không chỉ cho người dân vùng lũ.
Tôi nhớ tác giả Đặng Phong đã kể lại những hình ảnh thật cảm động về tình thương của người dân dành cho những vị cán bộ biết thương dân: “Hôm tiễn bí thư Vĩnh Phú Kim Ngọc - cha đẻ của khoán hộ - từ văn phòng tỉnh ủy về nhà riêng (để nghỉ hưu), có rất đông nông dân trong tỉnh. Không ít người trong số họ vừa đi vừa kéo vạt áo lau nước mắt...”.
Hay có lần bà Ba Thi hồi làm giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM những năm trước khi đổi mới làm việc vất vả phải vào nằm viện. Không ít người dân thành phố biết tin bà nằm viện, họ tới thăm đông lắm bởi họ biết bà đã vất vả để cùng chính quyền thành phố lo có đủ gạo cho người dân.
Dù ở vị trí nào, cán bộ cũng là “đầy tớ” của dân, phải đặt việc phục vụ dân lên hàng đầu. Không rõ những cán bộ xã Hương Đô chủ trương lấy tiền cứu trợ của người vùng lũ đã làm gì cho dân. Hay họ cho rằng thứ mà người dân của họ đang cần là cổng làng hoành tráng chứ không phải cái ăn, chỗ ở - những thứ đã bị cơn lũ dữ cướp đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận