Phóng to |
GS Võ Tòng Xuân tham quan ruộng lúa được gieo trồng theo kỹ thuật cổ truyền ở Nigeria |
Bước vào tuổi 70 ông lại tiếp tục tôn vinh cây lúa Việt Nam lên tầm văn hóa trong vai trò “sứ giả” đã nhiều lần sang châu Phi đưa kỹ thuật của nền văn minh lúa nước Việt Nam giúp lục địa này vượt qua cơn thiếu đói lương thực một cách bền vững.
“Sứ giả" vạn dặm
Không chỉ chăm lo cây lúa-lương thực-nông dân, GS còn đẩy lên tầm văn hóa mà ông chính là “sứ giả” trong vai trò cố vấn “Chương trình an ninh lương thực cho châu Phi”. Chuyện bắt đầu vào năm 2006, Sahr Johnny, Đại sứ của Sierre Leone tại Bắc Kinh, qua giới thiệu của một công ty Đức, đã sang Việt Nam gặp GS Xuân và cho biết ông đã ký nhiều bản ghi nhớ với một số cơ quan Việt Nam ba năm rồi nhưng không thấy kết quả gì cả trong khi nông dân nước ông tiếp tục thiếu hụt lương thực.
Ông mời GS Xuân sang Sierra Leone để đánh giá tình hình và giúp quốc gia Tây Phi này thoát khỏi nạn thiếu lương thực sau nhiều năm nhận cả núi tiền từ nhiều quốc gia tài trợ mà vẫn chưa có sự chuyển biến căn cơ. GS Xuân đã xuất tiền túi để viếng Sierre Leone, với tư cách là một chuyên gia cây lúa Việt Nam. Chính phủ Sierra Leone từ Phó Tổng thống Solomon Berewa đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực - TS Sama Monde - đã tiếp đón GS Xuân một cách trọng thị và đưa đi xem các vùng lúa của nước này.
Phóng to |
Lúa là lương thực chính, nhưng hàng năm Sierra Leone nhập khẩu đến 60% nhu cầu |
Nhận thấy Sierra Leone đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với ĐBSCL… nhưng đa số người dân vẫn trong tình trạng thiếu đói do thiếu trình độ và kỹ thuật canh tác, đại bộ phận nông dân vẫn trồng giống lúa dài ngày (140-170 ngày) lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên năng suất rất thấp (2-3 tấn/ha)… nên nhà nông học Việt Nam nổi tiếng đã nhận lời giúp đỡ. “Cái chính là họ không được cho cần câu để có thể tự làm no bụng”, GS Xuân nhấn mạnh. “Đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của nông dân ĐBSCL vốn rất cần cù, sáng tạo và linh động”.
Theo ông, vấn đề là xác lập bước đi phù hợp để họ huấn luyện tay nghề một cách hữu hiệu nhất. Qua tính toán số liệu điền dã, ông đưa ra công thức: một nông dân Việt Nam sẽ “cầm tay, chỉ việc” từ kỹ thuật khoa học cho đến văn minh làm lúa nước cho bốn nông dân bản địa trên diện tích 5ha. Trong đó, nông dân bản địa được hưởng “tiền đi học” tương đương với ngày công lao động nên rất chuyên tâm học tập. Với đà này chỉ cần 2-3 vụ là những nông dân Sierra Leone sẽ trở thành “Hai lúa” chính hiệu. Nhưng lấy tiền đâu để giúp Sierra Leone đây?
Ông đã gửi đề nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và An toàn lương thực Sierra Leone nhưng chờ mãi vẫn không thấy kết quả gì. Đồng cảm với người nông dân ở đây, Công ty Long Vân 2 tại TP.HCM chia sẻ với ông phần kinh phí. Từ nguồn tài trợ quý báu này, ông đưa chuyên gia Việt Nam sang Sierra Leone trồng khảo nghiệm tính thích nghi của giống lúa cao sản từ ĐBSCL và thiết kế hệ thống thủy lợi trên một khu đất 100ha làm điểm trình diễn kỹ thuật sản xuất lúa ĐBSCL.
Phóng to |
Ruộng lúa do nhóm chuyên gia của GS Xuân trồng tại Sierra Leone đạt năng suất 4,9 tấn/ha |
Sau hai vụ, nhóm chuyên gia đã chọn giống OM2517 đạt 4,7 tấn/ha trong 95 ngày. Hiện đã nhân giống được 3 tấn, chờ sản xuất đại trà. “Thành công này là bước đầu không chỉ chứng minh Việt Nam là lá cờ đầu về kỹ thuật lúa nước, mà qua đó còn cung cấp cho thế giới phương pháp luận về hành động thiện nguyện: Không phải có tiền là quốc gia, tổ chức này có thể “vớt” quốc gia kia ra khỏi vũng lầy nghèo đói. Một nước không giàu như Việt Nam vẫn có thể giúp cả châu Phi tự lực vượt qua nạn đói nếu biết tính toán, vận dụng chất xám một cách hợp lý..., GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Giương cao cờ văn minh lúa nước
Phóng to |
GS. Võ Tòng Xuân khảo sát điều kiện thổ nhưỡng ở Sierra Leone |
“Kỳ tích” này đã lọt vào “mắt xanh” của Tiến sĩ Sample, Phó giám đốc Công ty T4M, kinh doanh đa lĩnh vực của Vương quốc Anh. Vốn là người con của đất nước Nigeria cũng đang trong tình trạng đói lương thực, nên TS Sample đã lên kế hoạch thực hiện dự án “đặt hàng” GS Võ Tòng Xuân đưa kỹ thuật trồng lúa Việt Nam sang giúp Nigeria như đã làm thành công tại Sierra Leone. Ý tưởng nhân đạo này cũng ngay lập tức được Bộ Đối ngoại của Vương quốc Anh đồng ý giới thiệu cho T4M vay vốn thực hiện dự án. Một công ty ở Việt Nam cũng nhanh chân hưởng ứng liên doanh chia sẻ trách nhiệm cộng đồng với T4M trong lĩnh vực này và kết quả là Công ty VN-UK ra đời.
Sau chuyến khảo sát thực địa quốc gia nằm ở Tây Phi vào tháng 6 năm nay, GS Xuân cho biết so với Sierra Leone, Nigeria có nhiều lợi thế để chương trình sẽ thành công và đạt hiệu quả cao. Bởi Nigeria là quốc gia lớn về diện tích đất đai (923.768km2), trong đó diện tích vùng đồng bằng lại lớn gấp đôi ĐBSCL của ta (70.000km2) và được con sông Niger có nguồn tài nguyên nước dồi dào thứ ba châu Phi và đứng hàng thứ 14 trên thế giới cung cấp nước. Ngoài ra, Nigeria có thuận lợi rất lớn về mặt tài chính... là điều kiện thuận lợi để tạo ra thực tế sinh động thuyết phục lục địa đen tham gia trồng lúa.
Phóng to |
Từ thành tựu đã đạt tại Sierra Leone, GS.TS Võ Tòng Xuân được dân làng IKPE, tỉnh Akwa Ibiom, Nigeria chào đón nồng nhiệt |
Ngoài việc cho thành lập Ủy ban Phát triển Đồng bằng sông Niger với kinh phí hàng năm lên đến trên 40 triệu USD, rất nhiều lãnh đạo Hội đồng Phát triển Đồng bằng sông Niger, đại diện chính quyền các tỉnh Rivers, Abia, Imo, Akwa Ibiom, Delta... đặc biệt là các vị già làng cũng rất nhiệt tình ủng hộ dự án. Hiện số mạ cấy lúa thực nghiệm đang phát triển tốt, sẵn sàng cho ngày mùa theo kỹ thuật và văn minh cây lúa Việt Nam trên quốc gia thứ hai ở châu Phi.
Đây là tiền đề vững chắc để tin rằng chương trình đưa cây lúa Việt Nam lên toàn lục địa đen sớm trở thành sự thật. Nhưng theo GS Xuân, đó chỉ mới là bước khởi đầu cho bản trường thiên về câu chuyện xuất khẩu “văn minh lúa nước”. Bởi trong bước đi của kế hoạch liên hoàn này, sẽ có hàng loạt hoạt động kéo theo như “xuất khẩu” máy xay lúa mi-ni lưu động do nông dân Việt Nam chế tạo, rồi thúng, mủng, lưỡi hái, máy sấy lúa, máy hút bùn, máy gặt đập liên hợp “Made by Vietnam”… sẽ lên đường thẳng tiến đến châu Phi. Và trong tương lai gần, từ châu Phi, hạt gạo Việt Nam sẽ xuất sang nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới.
Theo GS Võ Tòng Xuân, nhiều khả năng lao động nông nghiệp Việt Nam sẽ còn thu hoạch được rất nhiều thành quả khác ngoài khoản tiền lương được tính bằng đô-la. Cụ thể, tiếng Anh là ngôn ngữ chính ở nhiều quốc gia châu Phi, vì vậy dù muốn hay không các ông thầy “Hai lúa” cũng phải “bập bõm” để dạy nghề cho học trò. “Biết đâu, sau vài ba vụ lúa, mấy bác “Hai lúa” của chúng ta sẽ nói tiếng Anh như gió. Quả là một công đôi ba lợi”, GS Xuân hóm hỉnh. Ông nói khi đó, họ không chỉ dạy trồng lúa nước mà còn dạy cả trồng rau, màu, nuôi cá, nuôi tôm, gà vịt… thông qua việc sản xuất tự cung - tự cấp. Và khả năng hình thành làng Việt giữa châu Phi như một làng Nhật Bản được nông dân Nhật thực hiện ở đất nước Brazil cách đây một thế kỷ chỉ là vấn đề thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận