16/04/2020 14:34 GMT+7

GS Võ Tòng Xuân: Không nên thi THPT quốc gia, sát hạch sinh viên tốt nghiệp

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - GS.TS Võ Tòng Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ - cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020. Tuyển sinh đại học thay vì lo đầu vào cần thi chứng chỉ hành nghề cho sinh viên khi tốt nghiệp.

GS Võ Tòng Xuân: Không nên thi THPT quốc gia, sát hạch sinh viên tốt nghiệp - Ảnh 1.

GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất nên thi sát hạch nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp - Ảnh: V.T.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng kỳ thi THPT quốc gia các năm trước được tổ chức nghiêm túc nhưng cũng rất tốn kém kinh phí, thì giờ. 

Thời gian xét tuyển đại học nhiều đợt nhiêu khê kéo dài hơn tháng trời, buộc học sinh đăng ký theo ưu tiên trường học chứ không theo ưu tiên ngành học đúng với ước mơ của học sinh.

GS VÕ TÒNG XUÂN

Tốt nghiệp THPT: Để từng tỉnh giải quyết!

* Như thế theo ông, có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020?

- Theo tôi, nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 vì chương trình học lỡ dở. Kết quả cho dù phải tổ chức rầm rộ, tốn kém ngân sách và tốn thời gian quý giá của cả hệ thống như các năm trước vẫn khó bảo đảm được chất lượng mong muốn vì học sinh không học đầy đủ chương trình, cách học trực tuyến không bảo đảm toàn hảo vì cách biệt khả năng số trong học sinh các vùng miền, trong các môn học thi.

* Nếu bỏ, việc xét tốt nghiệp nên tổ chức thế nào, hình thức ra sao?

- Nên để sở giáo dục - đào tạo từng tỉnh giải quyết căn cứ trên học bạ các môn đã học thực sự. Trong học bạ có ghi các môn chưa học.

* Nhưng nhiều trường đại học quá phụ thuộc vào kỳ thi này để tuyển sinh?

- Dĩ nhiên trường nào cũng cần tuyển sinh viên đạt đủ điều kiện vào học đúng ngành mơ ước của sinh viên. Nhưng qua cách thi và quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường khó có thể tuyển đúng người học đúng ngành của trường. Trái lại, phần lớn các thí sinh không đạt điểm thi cao đều chọn ngành nào có tỉ lệ chọi thấp để đăng ký vào.

Trong khi đó các điều kiện quan trọng phải là: (1) học lực phổ thông từ khá đến giỏi (có thể qua kỳ thi "chứng chỉ đạt trình độ vào đại học" được tổ chức bởi chính trường đại học hoặc tốt hơn nữa là do một Trung tâm Khảo thí trình độ vào đại học cấp); (2) một bản tự luận của học sinh đăng ký vào học phản ánh được ước mơ sẽ làm gì với ngành nghề muốn học, qua đó nhà trường có thể đánh giá kỹ năng sống và tinh thần học hỏi của người học.

GS Võ Tòng Xuân: Không nên thi THPT quốc gia, sát hạch sinh viên tốt nghiệp - Ảnh 3.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM - Ảnh: THANH YẾN

 Trung tâm kiểm tra trình độ vào đại học, cao đẳng 

* Nếu bỏ thi THPT quốc gia, theo ông, tuyển sinh đại học nên như thế nào để đỡ tốn kém, thuận lợi cho người học và các trường?

- Để cải tiến phương pháp tuyển sinh Việt Nam, tôi nhất trí những đề nghị thành lập một số Trung tâm thi kiểm tra trình độ vào đại học, cao đẳng tại các vùng sinh thái của nước ta, tổ chức hai kỳ thi kiểm tra quốc gia mỗi năm. 

Thí sinh có thể nộp đơn xin nhập học vào nhiều trường đại học/cao đẳng cùng một lúc đúng theo ngành nghề mơ ước của mình. Các trường tổ chức tuyển sinh mỗi đầu học kỳ. Kết quả tuyển sinh sẽ được tất cả các trường công bố cùng một ngày.

Danh sách trúng tuyển sẽ có nhiều thí sinh ảo (đậu vào nhiều trường cùng lúc). Thí sinh trúng tuyển sẽ có một tuần lễ để quyết định vào học trường nào, và đúng ngày tựu trường, ai không có mặt là kể như thí sinh đó là thí sinh ảo (đã chọn học ở trường khác rồi).

Nhà trường sẽ loại thí sinh ảo đó ra và thay vào bằng cách cho đôn lên thí sinh có điểm cao kế tiếp. Theo phương pháp này, các trường sẽ chọn đúng đối tượng, xã hội ít tốn kém và giảm căng thẳng, không lãng phí thời gian như hiện nay.

Trường đại học nào đào tạo sinh viên kém chất lượng, không đạt chuẩn kiểm tra sát hạch chuyên môn, nhà trường phải tự cải tiến hoạt động đào tạo của mình nếu không muốn bị sạt nghiệp vì ít sinh viên đăng ký vào học.

GS Võ Tòng Xuân

 * Hiện nay các trường đã sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, thời gian kéo dài. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Mỗi quốc gia có quy chế riêng cho việc tuyển sinh đại học, từ việc tuyển sinh thí sinh tự do không cần hình thức thi tuyển nào cả như nhiều nước ở Âu châu đang áp dụng, đến quy trình tuyển sinh qua nhiều hình thức thi tuyển (như Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam).

Tuyển sinh tự do ở Âu châu (thí dụ như Hà Lan, Đức), mọi học sinh tốt nghiệp trung học đều có quyền vào học tại trường đại học nào có ngành học hợp theo nguyện vọng chuyên môn của mình. Với hình thức này đầu vào của đại học rất đông, nhưng sau năm thứ nhất số sinh viên bỏ học rất cao (thí dụ đại học Hà Lan 40,8%; Đức 33%) và số sinh viên không ra trường được cũng chỉ đạt dưới 40%.

Các loại thi SAT, SAT II, ACT, TOEFL rất hiệu quả trong đánh giá trình độ của học sinh mà lại rất ít tốn kém và rất thuận tiện vì học sinh có thể đăng ký thi nhiều lần trong năm, không làm căng thẳng xã hội. Cách thi tuyển sinh quốc gia thì rất tốn kém, toàn xã hội căng thẳng từ những ngày thi đến thời gian chấm thi và thời gian xét tuyển.

Quy trình xét tuyển theo Bộ GD-ĐT nhiều đợt rất tốn thời gian, nhà trường chỉ biết thí sinh qua điểm thi chứ không hiểu sâu về đối tượng mình chọn.

GS VÕ TÒNG XUÂN

GS Võ Tòng Xuân: Không nên thi THPT quốc gia, sát hạch sinh viên tốt nghiệp - Ảnh 7.

GS.TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: T.C.

Nhiều yếu tố tạo nên chất lượng đại học 

* Nhiều ý kiến cho rằng không ít trường vì số lượng mà tuyển đầu vào thấp. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo đại học thấp?

- Trình độ đầu vào của sinh viên không phải là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo của đại học. Nhiều yếu tố quan trọng hơn rất cần để làm nên chất lượng đào tạo nhân tài của trường đại học là: chất lượng và số lượng của đội ngũ giảng dạy - nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất như phòng học, phòng thực tập với đầy đủ máy móc thiết bị thí nghiệm, nhà thi đấu và sân bãi rèn luyện thể thao, phương tiện luyện tập văn nghệ...

* Trường đại học nào cũng công bố chuẩn đầu ra, sinh viên tốt nghiệp dĩ nhiên đã đạt chuẩn này nhưng vẫn bị người sử dụng lao động phàn nàn. Phải chăng việc siết đầu vào tuyển sinh không hiệu quả?

- Việt Nam thuộc nhóm quốc gia Á châu rất chú trọng vào tuyển sinh (quốc gia hoặc riêng của từng trường), rất gắt gao cho đầu vào các trường đại học chủ yếu vì dân số quá đông mà chỗ ngồi trong các trường đại học thì quá ít so với số học sinh có bằng tốt nghiệp trung học. Hệ thống quản lý đại học của các quốc gia này được chấm dứt khi sinh viên tốt nghiệp.

Mỗi trường tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra bằng "chuẩn đầu ra" do mình đưa ra. Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác hoặc hiệp hội nghề chuyên nghiệp không có tổ chức kỳ thi sát hạch nghề nghiệp để đánh giá chất lượng bằng cấp của các trường đại học.

Trường đại học kém chất lượng sẽ sạt nghiệp

Ở các nước tiên tiến người ta có luật lệ cho ngành chuyên môn đánh giá khả năng tay nghề của các sinh viên tốt nghiệp ngành luật, bác sĩ y khoa, kỹ sư cơ khí, kiến trúc sư, công trình sư… trước khi những người này được phép hành nghề.

Vì vậy các trường đại học nào đào tạo sinh viên kém chất lượng, không đạt chuẩn kiểm tra sát hạch chuyên môn, nhà trường phải tự cải tiến hoạt động đào tạo của mình nếu không muốn bị sạt nghiệp vì ít sinh viên đăng ký vào học.

Bộ Giáo dục không tốn công quản lý và kiểm tra. Ở nước ta tất cả các trường đều được Bộ GD-ĐT quản lý, kiểm tra, cho đến cái phôi bằng cấp cũng phải mua từ Bộ GD-ĐT, nên chất lượng đầu ra của chúng ta luôn luôn có vấn đề rất khó cải tiến.

Giáo sư Phạm Phụ: Giáo sư Phạm Phụ: 'Nên giao xét tốt nghiệp THPT cho địa phương'

TTO – Sáng 11-4, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trước đây nhiều năm ông đã đề nghị không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa.


MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên