
Ảnh minh họa công cụ AI do Google phát triển - Ảnh: Reuters
Hệ thống trợ lý ảo vừa được Google công bố ngày 19-2, hứa hẹn đưa giới học thuật bước vào thời kỳ con người và máy móc có thể song hành trên con đường tìm chân lý mới.
Bạn đồng hành của giới học thuật
Trong tài liệu công bố công cụ mới, Google không đưa ra cái tên cụ thể cho hệ thống này nhưng tự tin gắn cho nó danh xưng "nhà khoa học đồng hành" (co-scientist). Hãng công nghệ tỉ USD phát triển "nhà khoa học đồng hành" với tầm nhìn biến nó thành công cụ hợp tác dành riêng cho giới nghiên cứu.
"Được thúc đẩy bởi những nhu cầu chưa được đáp ứng trong quá trình khám phá khoa học hiện đại và tận dụng những tiến bộ AI gần đây, chúng tôi đã phát triển một hệ thống AI khoa học đồng hành", tài liệu khẳng định. AI khoa học đồng hành không chỉ tổng hợp tài liệu, tóm tắt hay cung cấp công cụ nghiên cứu chuyên sâu mà còn hướng đến việc khám phá tri thức mới và đề xuất các giả thuyết đột phá.
Google xây dựng AI khoa học đồng hành theo hướng hệ thống AI đa tác nhân, gồm nhiều AI đơn lẻ thực hiện song song các tác vụ chuyên biệt. Mỗi AI được tích hợp đảm nhiệm một nhiệm vụ cụ thể trong quá trình nghiên cứu, từ tạo sinh giả thuyết mới đến đánh giá, cải thiện và mở rộng giả thuyết. Các AI này hoạt động trên nền tảng mô hình Gemini 2.0 mới nhất của Google, tự động giao tiếp với nhau để tạo sinh, đánh giá và hoàn thiện các giả thuyết khoa học.
Ông Alan Karthikesalingam, nhà khoa học cơ hữu cấp cao tại Google, chia sẻ: "Với dự án này chúng tôi đang cố gắng xem liệu công nghệ như AI khoa học đồng hành có thể mang lại siêu năng lực cho các nhà nghiên cứu hay không".
Các nhà khoa học có thể tương tác với hệ thống bằng cách nhập dữ liệu nghiên cứu và phản hồi với kết quả được AI đưa ra. Quá trình "chuyện trò" này được ví như việc trao đổi từ xa với một nhà nghiên cứu thực thụ.
Google đã gửi công cụ này đến các chuyên gia tại ĐH Stanford, ĐH Imperial College London và Bệnh viện Houston Methodist để kiểm nghiệm. Tại Imperial, hệ thống chỉ mất hai ngày để hoàn thành một nghiên cứu về kháng kháng sinh với kết luận tương tự như của đội ngũ khoa học tại trường - vốn mất 10 năm để hoàn thiện. Giáo sư José Penadés tại khoa bệnh truyền nhiễm của ĐH Imperial nhận định: "Chúng tôi tin rằng đây sẽ là công cụ có thể thay đổi cách chúng ta tiếp cận khoa học".
Tại Stanford, công cụ AI đã giúp nhận dạng các loại thuốc có thể điều chỉnh để trị bệnh xơ gan. Hai loại thuốc được AI đề xuất đã được các nhà nghiên cứu xác nhận thật sự có ích trong quá trình điều trị bệnh này.
AI tốt không thay nhà nghiên cứu giỏi
Công cụ mới của Google được giới thiệu trong bối cảnh nhiều "ông lớn" như OpenAI, Perplexity và BioNTech cũng công bố công cụ AI hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu của riêng mình.
Giới học thuật nhìn chung phản hồi tích cực với các công cụ AI hỗ trợ nghiên cứu. Giáo sư Kevin Bryan (ĐH Toronto) cho rằng có thể xuất bản nghiên cứu trên các tạp chí hạng B chỉ trong một ngày với sự giúp đỡ của các công cụ này.
Giáo sư Tyler Cowen (ĐH George Mason) đánh giá chất lượng tương đương với việc có một trợ lý nghiên cứu giỏi với trình độ tiến sĩ và giao người đó một nhiệm vụ trong một hoặc hai tuần.
Giáo sư Aidan Toner-Rodgers (MIT) khẳng định việc sử dụng AI hỗ trợ nghiên cứu vật liệu mới có thể tăng gần gấp đôi năng suất của các nhà nghiên cứu hàng đầu. AI hỗ trợ nghiên cứu cho phép các nhà khoa học xác định đặc tính mong muốn, sau đó tạo ra các vật liệu tiềm năng có thể sở hữu những đặc tính đó.
Tuy nhiên ông Toner-Rodgers nhấn mạnh trình độ của các nhà nghiên cứu vẫn đóng vai trò quyết định. Các nhà khoa học hàng đầu, với chuyên môn sâu rộng, có thể nhận diện gợi ý hứa hẹn và loại bỏ phương án kém hiệu quả, trong khi các nhà nghiên cứu kém hơn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc lọc gợi ý từ AI.
Tác hại từ lạm dụng AI
Bất chấp những hứa hẹn, một bộ phận giới học thuật vẫn ngờ vực khả năng thúc đẩy khoa học của công nghệ này. Tạp chí Economist chỉ ra ba vấn đề từ việc lạm dụng công cụ AI trong nghiên cứu.
Thứ nhất, các công cụ AI vẫn chưa thể hiện tốt trong việc sáng tạo với dữ liệu cho sẵn. Chúng có thể thực hiện tác vụ phân tích và xử lý dữ liệu đơn giản nhưng chưa làm tốt việc tổng hợp và phối hợp dữ liệu phức tạp hơn.
Thứ hai, AI chưa thể độc lập đánh giá độ uy tín của dữ liệu, thường ưu tiên thông tin phổ biến trên Internet bất kể tính chính xác. Điều này dẫn đến việc AI có thể đưa ra kết luận dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng.
Cuối cùng, lạm dụng AI trong nghiên cứu có thể dẫn đến sự suy giảm trình độ chuyên môn của các nhà nghiên cứu, ảnh hưởng đến chất lượng khoa học nói chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận