Theo báo cáo của Momentum Works, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2024 được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua mức 1,4 tỉ USD của năm trước. Nhưng để khai thác thành công "mỏ vàng" này không phải là điều dễ dàng.
Cuộc rượt đuổi khốc liệt
Cuộc chiến trong ngành giao đồ ăn đã trở nên ngày càng khốc liệt giữa các app xe công nghệ. Để thu hút người dùng, các ứng dụng đã chi hàng triệu USD cho giảm giá và khuyến mãi, tạo ra một thị trường sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Thực tế điều này đã dẫn đến tổn thất nghiêm trọng cho những "kỳ lân" đến từ Indonesia và Hàn Quốc như Gojek và Baemin.
Gojek, dù đã đầu tư lớn vào công nghệ và quảng cáo tại Việt Nam, đã không thể vượt qua các khoản chi phí khổng lồ để duy trì hoạt động. Ngày 16-9, Gojek sẽ rời khỏi Việt Nam.
Tương tự, đầu năm nay, Baemin cũng rút lui sau khi "đốt" hàng trăm tỉ đồng cho các chương trình khuyến mãi và đã phải chịu khoản lỗ lớn.
Ông Nguyễn Tuấn, từng làm việc tại một app giao thức ăn tại Việt Nam, phân tích rằng trong cuộc đua hiện nay, các app giao đồ ăn phải đối mặt với thách thức lớn về giá cả: Một món ăn trị giá 50.000 đồng nhưng cộng tiền phí, tiền ship có thể lên tới 70.000 - 80.000 đồng, nhiều người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận.
Để hút khách, các ứng dụng phải cạnh tranh bằng khuyến mãi, giảm giá.
Có thời điểm ngay cả hãng xe công nghệ chiếm thị phần lớn nhất là Grab cũng phải ra sức ưu đãi giảm giá mạnh để giữ chân khách. Ví dụ combo thức ăn trị giá 250.000 đồng nhưng được giảm đến 100.000 đồng.
Đây được xem là cuộc chơi dài hạn cho các hãng còn đủ tiền để "đốt" và giành giật khách hàng. Hãng nào trụ lại được sẽ thành công.
Cơ hội cho các app Việt
Theo ông Nguyễn Tuấn, sự ra đi của Gojek và Baemin đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội địa như BeFood và Loship.
Theo ghi nhận, BeFood (thuộc nền tảng Be) vẫn chưa thể vượt qua đối thủ GrabFood và ShopeeFood, nhưng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ VPBankS, Be không chỉ tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như giao hàng và mua sắm trực tuyến.
Trong khi đó, ứng dụng giao hàng Loship, với nền tảng thuần Việt, đang tạo ra lợi thế cạnh tranh trong mảng giao đồ ăn, giao hàng và bán lẻ trực tuyến.
Tuy nhiên, việc lấp đầy khoảng trống mà Gojek và Baemin để lại không đơn giản. BeFood và Loship phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về tài chính, công nghệ và khả năng quản lý hệ sinh thái phức tạp.
Chị Linh, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chia sẻ lo lắng về sự giảm đi của các chương trình khuyến mãi và không còn sự đa dạng của app giao đồ ăn. "Tôi sợ rằng dịch vụ của Grab và ShopeeFood sẽ không còn tốt như trước. Khi các đối thủ lớn rút lui, giá cả có thể tăng và chất lượng dịch vụ giảm sút".
Bên cạnh vấn đề về giá cả và chất lượng dịch vụ, người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với vấn đề phí chồng phí khi đặt hàng qua app. Hơn nữa, tài xế cũng chỉ nhận được một phần nhỏ từ phí giao hàng, trong khi ứng dụng "ăn" ít nhất hai đầu (khách hàng và tài xế), trong nhiều trường hợp còn thu thêm từ phía quán.
Vì vậy, nhiều người tiêu dùng kỳ vọng các app Việt sẽ vươn lên nhanh để tăng sự cạnh tranh. Chị Hương (quận 1, TP.HCM) cho hay không chỉ cài 1 app mà cài 2 - 3 app để không tạo thói quen chỉ vào Grab. "Tôi tìm giá tối ưu nhưng cũng để ủng hộ thị trường cạnh tranh mạnh".
Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh F&B, cũng cho rằng thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn đầy tiềm năng. Dù Gojek và Baemin đã rút lui, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.
Từ bài học hai "ông lớn" phải ra đi, để có hướng đi bền vững, các công ty cần phải phát triển hệ sinh thái toàn diện hơn, bao gồm các dịch vụ như đi chợ giùm, giao thuốc hoặc thậm chí là giao hàng từ siêu thị... Điều này giúp mở rộng nguồn thu và tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Luận, các app cần tập trung vào việc cung cấp dịch vụ đáng tin cậy, tạo giá trị thực sự cho khách hàng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác.
Các app không "bỏ trứng một giỏ"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một app công nghệ tại Việt Nam cho biết bài học từ thị trường đầy cạnh tranh và biến động như ngành giao đồ ăn, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tạo ra giá trị thực sự cho người dùng và đối tác thay vì chỉ dựa vào việc chiếm lĩnh thị phần bằng cách "đốt tiền" hoặc trông đợi quá nhiều vào một mô hình kinh doanh, bỏ trứng vào một giỏ.
Theo ghi nhận, Grab, Be, ShopeeFood... liên tục mở ra nhiều dịch vụ trên app chứ không đơn thuần các ứng dụng gọi xe máy, ô tô, giao hàng hóa và thức ăn. Các dịch vụ mở rộng như nhà hàng, khách sạn, vé máy bay, vé xe...
Ngoài ra, các app liên kết quảng cáo, tăng dịch vụ mới lạ trong từng mảng dịch vụ để đa dạng doanh thu.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện một ứng dụng cho biết sẽ hướng đến một siêu app, bao gồm tất cả các dịch vụ cần thiết với khách hàng, chỉ cần vào app là được đáp ứng hết, kể cả shipper đi mua thuốc, đi chợ...
Không dễ vượt qua Grab
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt, với Grab tiếp tục dẫn đầu, trong khi các đối thủ nội địa như Be và Xanh SM đang nổi lên.
Xanh SM, thuộc Tập đoàn GSM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, đã nhanh chóng phát triển nhờ mô hình xe điện thân thiện với môi trường và đạt doanh thu hơn 20.163 tỉ đồng trong năm 2023.
Be cũng được hậu thuẫn mạnh mẽ từ VPBankS với khoản đầu tư 739,5 tỉ đồng, giúp Be không chỉ tập trung vào dịch vụ gọi xe mà còn phát triển nhiều tiện ích khác nhằm tạo nên một hệ sinh thái toàn diện.
Dù có sự phát triển nhanh chóng, cả Be và Xanh SM vẫn phải đối mặt với thách thức lớn từ Grab. Grab tiếp tục duy trì vị thế bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ và mở rộng dịch vụ từ gọi xe, giao đồ ăn đến giải pháp tài chính.
Theo các chuyên gia, cuộc đua không chỉ về giá mà còn về việc cung cấp dịch vụ tiện lợi, an toàn và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cần có chiến lược bền vững và liên tục đổi mới để giành chiến thắng trong thị trường ngày càng cạnh tranh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận