Người thân xúc động xem lại những hình ảnh của chiến sĩ Trương Văn Tú - Ảnh: Doãn HÒA |
Họ đã hi sinh tại vùng biên giới thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Hàng trăm đoàn của các cán bộ, quân đội, người dân tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã đến viếng và tiễn đưa các anh về quê mẹ, tại nhà tang lễ Quân khu 5 (TP Đà Nẵng).
Lặng lẽ gạt nước mắt
Tiếng quân nhạc trầm buồn trong một chiều đông tê tái nơi nhà tang lễ Quân khu 5. Năm chiếc quan tài sắp hàng dài chuẩn bị quàn thi thể các anh.
Đồng đội các anh không ai nói với nhau lời nào, họ lặng lẽ gạt nước mắt. Những chiếc balô, chăn, chiếu, những đôi giày, quân trang, quân dụng của các anh được đồng đội gói ghém cẩn thận đặt bên quan tài.
Vừa tiễn cháu đi đầu năm... Chiều tối 17-12, chúng tôi tìm về nhà bố mẹ của chiến sĩ Phạm Viết Sỹ ở thôn 5, xã Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Hàng xóm kể lại khoảng 8g cùng ngày, khi biết tin dữ về con, bà Đoàn Thị Lộc (57 tuổi, mẹ Sỹ) ngất lịm, nằm bất động trên giường. Còn ông Phạm Ngọc Hồ, bố của Sỹ, vứt cày ngoài đồng, chạy một mạch về nhà rồi như người mất hồn từ sáng đến tối. Ông hết ngồi tựa cửa lại đi ra ngõ ngóng tin con. Lâu lâu ông lại nói: “Sao thằng Sỹ lại gặp nạn. Tôi sống không có thằng Sỹ thì có ý nghĩa gì nữa ông trời ơi...”. Dì ruột của Sỹ là bà Đoàn Thị Thu cho biết vợ chồng ông Hồ và bà Lộc có hai con trai, Sỹ là con út. Sau khi học xong lớp 12, Sỹ ra TP Vinh (Nghệ An) học nghề, sau đó được gọi nhập ngũ. Sỹ về quê tổ chức liên hoan, tạm biệt bạn bè, người thân lên đường làm nghĩa vụ. “Đầu năm mới tiễn cháu lên đường làm nghĩa vụ thì nay lại không ngờ đón nhận tin cháu mất” - bà Thu nghẹn ngào nói. |
Sau khi khâm liệm, trên mỗi nắp quan tài, từng lá cờ Tổ quốc được phủ lên ôm kín các anh chờ tiễn đưa anh về đất mẹ.
Trước mỗi quan tài là một bàn thờ được dựng lên, chân dung năm chiến sĩ trong trang phục hải quân với ánh sao lấp lánh trên mũ.
Anh Trương Văn Tuấn, 24 tuổi, anh trai của chiến sĩ Trương Văn Tú vừa hi sinh, nấc nghẹn trên bậc thềm trước nhà tang lễ.
Nhìn đứa em trai duy nhất mắt nhắm nghiền trong chiếc quan tài, anh Tuấn gục đầu lau nước mắt rồi nghèn nghẹn kể: “Nhà có hai anh em, tôi thương nó lắm. Trước khi đi bộ đội nó đậu đại học xây dựng mà vẫn xung phong đi. Rồi những đêm nó gọi điện về bảo sau khi rời quân ngũ nó đi học lại cũng được. Nó yêu đời lính, thích hải quân”.
Anh Tuấn kể rằng ngay khi nhận được tin đứa em trai mất, mẹ của anh đã không chịu được cú sốc này và ngất xỉu.
Anh Tuấn và hai người thân từ Nghệ An lặn lội vào đây để cùng đưa thi thể em trai về. Ba của Tú nhận tin con mất khi đang làm việc ở tận Bắc Ninh.
Không kịp vào Đà Nẵng để nhận mặt con, ông quay về gia đình cùng xóm làng dựng rạp lo hậu sự đón thi thể đứa con yêu trở về.
Tai nạn trên đường làm nhiệm vụ
Vụ việc đau lòng xảy ra vào 17g ngày 16-12, chiếc xe tải thuộc đoàn 885, lữ đoàn 83 (Quân chủng Hải quân) chở chín cán bộ chiến sĩ trên đường đi làm nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới giáp ranh giữa VN và nước bạn Lào thì bị rơi xuống vực tại thôn 56B, xã Đăkpre (huyện Nam Giang).
Tai nạn khiến năm chiến sĩ hi sinh, bốn người còn lại gồm Trần Viết Tú (19 tuổi, quê Quảng Bình), Nguyễn Đức Nam (19 tuổi, quê Thái Bình), Lê Khắc Hiếu (y tá, 24 tuổi, quê Thanh Hóa) và Phan Huy Sơn (lái xe, 31 tuổi, quê Hà Tĩnh) bị thương.
Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết các cơ quan chức năng của quân đội đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
“Đồng chí Phó thủ tướng - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng huy động các điều kiện tốt nhất để cứu chữa những chiến sĩ bị thương. Tổ chức tang lễ cho các chiến sĩ hi sinh trang trọng theo đúng nghi thức quân đội. Đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Yêu cầu chủ đầu tư đơn vị thi công tuyến tuần tra biên giới tổ chức kiểm tra an toàn giao thông, các phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là phương tiện chuyên chở các chiến sĩ thi công trên công trường. Tổ chức rà soát an toàn giao thông trên toàn tuyến tuần tra biên giới” - ông Hùng nói.
Quê nhà quặn đau Nhận tin người con trai cả hi sinh từ tối 16-12, bà Nguyễn Thị Huệ (41 tuổi, mẹ của chiến sĩ Lưu Văn Cường) ngất lịm vì không chịu nổi cú sốc quá lớn này. Giữa những cơn mê man, mỗi lúc tỉnh bà Huệ lại ú ớ gọi tên con. Do bố mẹ Cường sức khỏe đều yếu nên sáng 17-12, một người bác cùng mấy người anh họ đã vào Đà Nẵng để làm các thủ tục nhận thi thể người thân. Ông Lưu Văn Liễu, xã đội trưởng xã Kim Chung (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ở cùng thôn với gia đình Cường), cho biết Cường là con cả trong gia đình có hai anh em. Gia đình đều làm nghề nông nên hoàn cảnh kinh tế thuộc diện khó khăn. Cường đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng không xin được việc làm nên đi làm công nhân cho một công ty may gần nhà. Tháng 9-2013, Cường lên đường nhập ngũ. Cũng trong sáng 17-12, nhận được thông tin chiến sĩ Lường Văn Toàn (26 tuổi, quê ở làng Yên Phú, xã Công Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) hi sinh trên đường làm nhiệm vụ, anh trai và chú ruột của anh Toàn đã lên đường vào đơn vị để nhận thi thể, cùng đơn vị đưa về quê an táng. Nơi quê nhà làng Yên Phú, ông Lường Văn Diện (55 tuổi) - bố của chiến sĩ Toàn - ngồi bất động nhìn ra cổng ngóng tin con trai trong nỗi đau tột cùng. Một số người trẻ tuổi trong gia đình ông Diện đang lo làm bàn thờ chiến sĩ Toàn. Ông Trần Văn Hiệp - chủ tịch UBND xã Công Bình - cho biết anh Toàn sinh ra, lớn lên trong gia đình là nông dân. Bố mẹ, anh chị em của anh Toàn đều làm ruộng, kinh tế gia đình thuộc diện trung bình trong xã. Học xong phổ thông, anh Toàn đi lính hải quân nhiều năm nay, ít khi về quê. Đến nay, anh Toàn chưa lập gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận