Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) - cho rằng sau gần một năm rưỡi, gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) quy mô 40.000 tỉ đồng mới giải ngân chỉ 1,7% là rất thấp.
Điều quan trọng giờ cần tìm hiểu thực tiễn triển khai tại cơ sở, ý kiến và nguyện vọng từ phía người đi vay ra sao, từ đó xác định đầy đủ các nguyên nhân và đề xuất giải pháp, cơ chế tháo gỡ.
Quá nhiều lý do khiến giải ngân thấp
* Theo ông, vấn đề chính là chính sách hay vẫn là tâm lý e ngại từ chính người đi vay và sợ trách nhiệm của bên cho vay?
- Đến thời điểm này, việc giải ngân hết là không khả thi, khi chỉ có 3 tháng để giải quyết hơn 98% quy mô gói. Nguyên nhân dẫn tới vấn đề này xuất phát từ nhiều phía.
Thứ nhất, rút kinh nghiệm từ bài học bù lãi suất 4% trước đây, nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách ở lần hỗ trợ lãi suất này tương đối hẹp, đây cũng là những ngành đang gặp nhiều khó khăn, khả năng thu hồi vốn cũng thấp hơn.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng ngại khi phải bóc tách mục đích khoản vay với trường hợp doanh nghiệp đa ngành nghề. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên cũng không nằm trong danh mục được hỗ trợ.
Thứ hai, số liệu khảo sát cho thấy có tới 57% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận.
Thứ ba, do gói ưu đãi được hỗ trợ từ ngân sách, nên xuất hiện tâm lý e ngại từ phía khách hàng cũng như bên cho vay đối với công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích và chi phí từ hỗ trợ lãi suất.
Cá biệt, có một số khách hàng mặc dù nhận được hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên đã chủ động hoàn trả phần hỗ trợ này.
Thứ tư, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã chủ động giảm lãi suất. Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để tối ưu.
Cuối cùng, đó là vướng mắc lớn nhất liên quan quy định "có khả năng phục hồi" tại khoản 4 điều 3 nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Ngân hàng chỉ có thể đánh giá khách hàng đủ điều kiện cho vay hay không, chứ khó có thể đánh giá khả năng phục hồi, đặc biệt khi kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.
Ví dụ, khách hàng được hỗ trợ lãi suất, nhưng sau đó kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến việc đáp ứng các tiêu chí nêu trên khiến cả ngân hàng thương mại và khách hàng đều e ngại bị đánh giá trục lợi chính sách.
Các khó khăn, vướng mắc đã được các bộ ngành, các bên liên quan nhận diện và đề cập rất nhiều lần, tuy nhiên sẽ cần thêm thời gian để xem xét, sửa đổi.
Mong chính sách đơn giản, hiệu quả hơn
* Dự kiến tới hết năm nay, còn hơn 38.590 tỉ đồng không sử dụng hết. Theo ông, giải pháp nào để có thể thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ này?
- Khi mà cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều có tâm lý e ngại, tôi nghĩ việc giải ngân được tổng cộng 1.408 tỉ đồng đã là một thành công.
Tất nhiên, trong khoảng thời gian gần 3 tháng còn lại, ngành ngân hàng cần tiếp tục phối hợp cơ quan liên quan thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất.
Dựa trên tình hình giải ngân, có ý kiến đề xuất chuyển nguồn tiền này sang cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng phương án này không khả thi.
* Về tổng thể hiện nay, làm gì để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh ngay cả các gói hỗ trợ cũng không thẩm thấu và có nhiều tác dụng, thưa ông?
- Nhiều doanh nghiệp quan trọng vay được vốn hay không nhiều hơn yếu tố lãi suất. Họ cũng mong muốn chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn như miễn, giảm, giãn thuế...
Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả giải ngân cao khi đạt 94% kế hoạch. Do đó, tôi cho rằng cần triển khai nhiều hơn các phương thức hỗ trợ trực tiếp.
Trường hợp khách hàng là đối tượng hưởng hỗ trợ có vay vốn tại ngân hàng, ngân hàng tiến hành cho vay và thu nợ, thu lãi bình thường, đồng thời sẽ hỗ trợ xác nhận khách hàng có vay vốn tại ngân hàng để khách hàng hoàn thiện hồ sơ.
Chính phủ cũng cần nhanh chóng xem xét, xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ở giai đoạn hiện tại.
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, các điều kiện, quy định cần phải đơn giản, phù hợp thực tế hơn để doanh nghiệp có thể và có động lực tiếp cận vốn vay.
Trong thời điểm hiện tại, cần chú trọng hơn tới kích thích tổng cầu, từ đó mới tạo ra nhu cầu vay vốn để đưa vào sản xuất kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận