19/03/2016 09:01 GMT+7

Gỡ rối để trường ĐH tự chủ

THANH HÀ - MINH GIẢNG (thanhha@tuoitre.com.vn)
THANH HÀ - MINH GIẢNG (thanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Được thực hiện tự chủ nhưng các trường ĐH vẫn loay hoay với nhiều vướng mắc từ quy định hiện hành của các bộ ngành.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Đó là “tâm sự” chung của các trường ĐH mang đến hội nghị sơ kết một năm thực hiện đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017, tổ chức sáng 18-3 tại Hà Nội. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp gỡ rối cùng các trường.

Những tác động tích cực

Theo các trường tham gia thí điểm, cơ chế tự chủ đã có những tác động tích cực đến việc mở ngành, tuyển sinh, tài chính cũng như nhân sự của trường. Trong đó, nhiều trường đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng, mở thêm ngành mới, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Các trường như ĐH Công nghiệp TP.HCM đã phối hợp nghiên cứu, chế tạo và sản xuất, chuyển giao thành công sản phẩm nghiên cứu cho nhiều đối tác lớn. Học viện Nông nghiệp VN cũng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được chuyển giao và triển khai tại các doanh nghiệp lớn...

GS.TS Nguyễn Đông Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng với việc tự chủ, trường linh hoạt hơn trong xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, rút ngắn thời gian và quy trình công bố một ngành mới.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đến nay đã có 7/13 trường tự chủ có hội đồng trường. Bộ máy cũng được tổ chức lại theo hướng tinh giản và gọn nhẹ, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy, nghiên cứu.

Học phí bình quân của các trường tự chủ là 13 triệu đồng/năm, trong đó nếu tính theo ngành, cao nhất là 14,5 triệu đồng/năm và thấp nhất là 7,8 triệu đồng. Thu nhập của người lao động cũng tăng thêm từ 0,15 đến 1 lần so với trước đây.

Bên cạnh đó, các trường đã thực hiện trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí để lập quỹ hỗ trợ sinh viên...

Đề nghị không quản lý giảng viên, chỉ tiêu

Đại diện các trường tham gia thí điểm tự chủ trình bày hàng loạt kiến nghị liên quan đến mức chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học, chính sách miễn thuế thu nhập đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng, được tiếp cận nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển, bổ sung quy định về quản lý tài chính...

Tuy nhiên, ngay trong quá trình trao đổi, thảo luận tại hội nghị giữa các trường và đại diện các bộ ngành cho thấy có những vấn đề đã được tháo gỡ nhưng các trường vẫn kêu khó.

Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: “Có những đổi mới chúng ta cứ đổ lỗi do cơ chế này kia. Nhưng rõ ràng có những cơ chế đã được đồng bộ mà đổi mới vẫn chưa thành công, là do quá trình thực hiện”.

Một kiến nghị được nhiều trường nêu nhiều nhất là việc áp dụng tỉ lệ nhất định đội ngũ giảng viên/sinh viên làm căn cứ xác định chỉ tiêu, và đề nghị Bộ GD-ĐT nới lỏng quy định về tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi với đại diện Bộ GD-ĐT: “Ở nước ngoài, các trường ĐH có bị hạn chế tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng, có bị quản lý chỉ tiêu?”.

Sau khi nhận được câu trả lời, Phó thủ tướng tiếp tục chất vấn: “Thế giới họ tự chủ ĐH, để các trường tự quyết. Hiện nay chúng ta đã cho các trường thí điểm tự chủ, vì sao vẫn quản? Cái này không vướng luật, không vướng nghị định, chỉ vướng ở Bộ GD-ĐT. Vậy thì phải tìm cách để tháo gỡ. Không nên quản với tâm lý sợ trường ăn gian”.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng chỉ tiêu các trường ĐH ở nước ngoài hầu như cố định, trong khi nếu Việt Nam làm theo cách này sẽ có tình trạng nhiều trường ĐH thi nhau đăng ký số lượng giảng viên thỉnh giảng để làm căn cứ tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên rất nhiều, khó đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT đặc biệt lo ngại về chất lượng trình độ chuyên môn của giảng viên thỉnh giảng, tình trạng một giảng viên thỉnh giảng đăng ký tên ở nhiều trường...

Trong khi đó, một số đại biểu lại cho rằng quy định tỉ lệ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng khi xác định chỉ tiêu là không còn cần thiết. Các trường phải tự chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo, hình ảnh của mình đối với người học và xã hội.

Chốt lại vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đã giao cho các trường tự chủ thì nên tháo gỡ vướng mắc này, không ấn định tỉ lệ cụ thể giảng viên cơ hữu/giảng viên thỉnh giảng. Bộ GD-ĐT tăng cường quản lý bằng cách tăng cường kiểm định, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đội ngũ giảng viên, các trường phải cập nhật đầy đủ thông tin về giảng viên và gửi về bộ để sau này kiểm tra, thanh tra...

Trả lời câu hỏi của ông Vũ Đức Đam: “Nếu 13 trường tự chủ này đều cam kết không tăng chỉ tiêu tuyển sinh quá 10% trong ba năm tới thì bộ có tháo gỡ quy định về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng không?”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: nếu các trường cam kết không tăng chỉ tiêu ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thì Bộ GD-ĐT hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích các trường mời nhiều giảng viên thỉnh giảng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Muốn kiểm định, xếp hạng trường để còn... thu học phí

Các trường cũng tập trung kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm công bố xếp hạng các trường ĐH để xã hội đồng thuận, các trường có căn cứ thu học phí.

Đại diện một số trường ĐH tham gia thí điểm tự chủ cho biết: mặc dù được quyết định thu mức học phí cao theo đề án được Chính phủ phê duyệt, cao hơn mức học phí quy định chung đối với trường ĐH khác, nhưng để thu hút sinh viên, một số trường vẫn duy trì mức học phí bằng mức quy định chung của Nhà nước, áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, vì vậy chưa tích lũy để đầu tư công trình, dự án lớn phục vụ công tác đào tạo.

Theo Bộ GD-ĐT, phần lớn các trường đã và đang chuẩn bị tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là các trường đào tạo khối ngành kinh tế, đa ngành, có khả năng xã hội hóa cao, có thể huy động đóng góp xã hội bằng cách thu học phí cao hơn so với các khối ngành khác.

Đối với việc kiểm định và xếp hạng ĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đến nay bộ đã thành lập bốn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, và có ba trường ĐH được kiểm định, chuẩn bị công bố kết quả, xếp hạng.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong khi chưa thể kiểm định hết các trường ĐH, Bộ GD-ĐT nên công bố bộ tiêu chí kiểm định để xã hội giám sát.

Ông Đam cũng đặt câu hỏi Bộ GD-ĐT đã có quy định chế tài, xử phạt như thế nào đối với những trường kiểm định không đạt? Phải chăng vì chưa có chế tài nên các trường chưa tích cực tham gia kiểm định?

Ông Ga cho biết Bộ GD-ĐT đang chỉnh sửa các văn bản theo hướng có hình thức chế tài, đối với những trường ĐH mà không kiểm định sẽ không được mở ngành đào tạo.

Phó thủ tướng bày tỏ quan điểm ủng hộ, cần có chế tài nghiêm về mở ngành, tuyển sinh đối với những trường ĐH không tham gia kiểm định chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT nên xây dựng một cổng thông tin chung về các trường ĐH, yêu cầu các trường cập nhật dữ liệu của mình để xã hội giám sát. Đồng thời cần có những chế tài cụ thể đối với các trường không đạt tiêu chuẩn kiểm định (như khai báo) theo khuyến nghị của các trung tâm kiểm định.

Tiếp tục đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH

Đó là quan điểm của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên tại hội nghị này, như là một phần của việc đổi mới quản lý đối với các cơ sở giáo dục ĐH, trao quyền tự chủ cho các trường.

Ông Đam nêu câu hỏi: “Mô hình tuyển sinh hiện nay có giữ mãi không?”.

Phó thủ tướng đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với thực tế, là trong số hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia, có một tỉ lệ không nhỏ không có nguyện vọng học ĐH. Nhu cầu cạnh tranh vào ĐH cũng chỉ tập trung ở khoảng 30 trường ĐH hàng đầu, với quy mô chỉ tiêu tuyển khoảng 60.000 SV. Vì vậy, cần đổi mới tuyển sinh ĐH theo hướng bộ chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển là việc của các trường ĐH tự chủ. Tốt nghiệp THPT là điều kiện cần, điều kiện đủ để xét tuyển do từng trường ĐH tự xác định”.

Đã cởi trói thì phải cởi trói thật sự

Theo ông Trần Tuấn Anh - thứ trưởng Bộ Công thương, những quy định quản lý của Bộ GD-ĐT về giảng viên có nhiều điều chưa phù hợp thực tế. Các trường ĐH của ngành công thương trông chờ rất nhiều vào nguồn thu học phí để tái đào tạo.

Nhưng nếu như không thu sai quy định thì phải gian dối về giảng viên cơ hữu, bởi sẽ không thể cân đối nổi bài toán giảng viên cơ hữu - sinh viên. Khi có cơ chế tự chủ, các trường rất mừng vì có thể nâng học phí, đồng nghĩa với việc nhà trường phải chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo.

Nhưng đã cởi trói thì phải cởi trói thật sự. Chắc chắn các trường đều phiền với tiêu chí chung của Bộ GD-ĐT về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng. Không nên quản lý các trường bằng nhiều tiêu chí hành chính. Hãy tạo điều kiện cho các trường hoạt động, cùng với đó là tăng cường việc giám sát, hỗ trợ các trường tiếp cận thị trường lao động thế giới.

13 trường ĐH công lập được tự chủ

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 13 trường ĐH công lập được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (tự chủ).

Đó là các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tài chính - marketing, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Điện lực, Học viện Nông nghiệp VN và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.

THANH HÀ - MINH GIẢNG (thanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên