Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay thế nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị khóa XI.
Nếu nghị quyết của Bộ Chính trị có tính định hướng, biểu thị tầm nhìn xa, tính dự báo và biên độ ứng phó rộng cho những phát sinh khách quan lẫn chủ quan thì một nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 của Quốc hội cần cụ thể hóa các định hướng của Bộ Chính trị thành các điều khoản cơ chế pháp luật, là "đường dẫn" nền tảng cho giai đoạn phát triển mới của TP.HCM.
Những thay đổi, biến động và sức phát triển của toàn cầu - quốc gia, nhất là "phép thử COVID-19" và sau 10 năm thực hiện nghị quyết 16 đã đòi hỏi phải có một quan điểm, phương thức điều hành phù hợp, có tính dẫn trước mạnh mẽ hơn.
Đặt trong tình hình, điều kiện và cơ hội mới, nhìn từ quy hoạch tổng thể quốc gia, mối liên kết và phân vai của cực tăng trưởng TP.HCM trong bốn vùng động lực quốc gia phía Nam và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là thời điểm quyết định tái cấu trúc thị trường đào tạo, sản xuất, nhân lực lao động, kể cả mô hình phân bổ dân cư... cho TP.HCM và các địa phương nội vùng, khu vực phía Nam.
Các cơ chế đề xuất trong giai đoạn này (ít nhất là 5 năm tới) mang tính thí điểm vì thực tế cho thấy khung pháp lý hiện tại chưa phù hợp hoặc chậm cập nhật hơn so với quá trình phát triển của TP.HCM và nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển ở TP.HCM hoàn toàn chưa có khung pháp lý, luật để quy định.
Chính vì vậy, từ nghị quyết của Bộ Chính trị, thể hiện qua việc định vị vai trò, vị trí (theo khái niệm "đầu tàu", "dẫn dắt", "mô hình sáng tạo" và định hướng phát triển của thành phố là "cửa ngõ của châu Á" trong dòng chảy phát triển toàn cầu về dịch vụ - logistics, tài chính, công nghệ và con người...) đến nghị quyết của Quốc hội tập trung vào các cơ chế cần được tháo gỡ và trao cho thành phố để hiện thực hóa các định vị/định hướng của Bộ Chính trị.
Cụ thể là cần gỡ rối cho các điểm nghẽn về quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý bộ máy - biên chế. Việc ngồi lại để gỡ rối sẽ phải cùng thỏa thuận trên nguyên tắc hiệu quả vào các vấn đề bức thiết nhất của người dân TP.HCM: muốn đề xuất điều gì thì phải lý giải rõ các bước; khi đã có được cơ chế thì sẽ gỡ những đầu việc gì, dự án nào; việc gỡ có thúc đẩy được những việc/dự án đó hoàn tất trong 5 năm tới hay không?
Một khi các điểm nghẽn đã được tháo gỡ, các cơ chế nền tảng được xác lập thì dòng chảy kiến tạo sẽ khơi thông cho nội lực TP.HCM. Một điểm cần nhấn mạnh rằng các vấn đề phát triển của TP.HCM đã được xác định trong Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc và Đảng bộ thành phố nhưng chưa có khung pháp lý để thực thi hay phát huy đến các tiềm năng.
Một trong hai vấn đề chính là phát triển TP.HCM thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và phát triển TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng mới. Giải quyết cơ chế để thúc đẩy hai vấn đề này là kiến tạo nền tảng phát triển mới cho thành phố cho thập niên tới.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận