23/08/2021 11:04 GMT+7

Giúp trẻ bớt 'ù lì' trong mùa dịch

H.ĐĂNG - H.TÙNG
H.ĐĂNG - H.TÙNG

TTO - Trong mùa dịch, tình trạng ù lì, ít vận động dẫn đến lối sống tiêu cực cũng trở thành một nỗi đe dọa rất lớn với nhiều trẻ nhỏ.

Giúp trẻ bớt ù lì trong mùa dịch - Ảnh 1.

Nếu không được cha mẹ hướng dẫn vận động, trẻ em dễ sa đà vào smartphone và dẫn đến ù lì - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vậy cha mẹ nên làm gì để con trẻ vượt qua tình trạng này?

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc thông tin tiêu cực

Chị Huyền Vi (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết suốt 2 tháng qua, cậu con trai 12 tuổi và cô con gái 7 tuổi của chị hầu như chỉ chăm chú vào iPad, smartphone, tivi hằng ngày.

"Bình thường tôi cho các bé tập xe đạp ở khu đất trống gần nhà, mỗi dịp cuối tuần đều ra công viên tập thể dục thêm. Nhưng bây giờ thì chỉ có ru rú ở nhà suốt. Cậu con trai còn hay đọc báo, thích quan tâm thời sự, ngày nào cũng hỏi mẹ hôm nay bao nhiêu ca bệnh, quận mình có phong tỏa không... Xem xong cháu đâm ra lo lắng, cả ngày chỉ ngồi thừ", chị Vi kể.

Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Trần Thị Hoài Thu - giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho rằng người lớn cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những chuyện tiêu cực trong mùa dịch.

"Trẻ em ở trong nhà vốn có những trò vui chơi, không căng thẳng như người lớn. Trẻ ảnh hưởng tâm lý tiêu cực nếu có là từ người trong nhà. Nếu phụ huynh cứ suốt ngày nói đến những chuyện tiêu cực, than vãn các thứ, tâm lý các bé cũng ảnh hưởng theo chiều hướng đó. 

Tôi có con nhỏ, mình tránh nói những điều tiêu cực thì các bé vẫn bình thường, không có bất kỳ biểu hiện stress nào hết. Trẻ em có biết gì đâu, do phụ huynh, người lớn định hướng hết thôi. Trong giáo dục trẻ nhỏ, phụ huynh luôn là yếu tố can thiệp chính. Nếu phụ huynh cứ nói những điều không hay, con mình sẽ bị ảnh hưởng theo" - bác sĩ Hoài Thu nói.

Hãy tập cho bé niềm vui làm việc nhà

Chia sẻ về lối sống tích cực cho trẻ trong mùa dịch, nhiều người có kinh nghiệm cho rằng việc vận động là không thể thiếu. Và tốt nhất mỗi ngày đều phải tập để trẻ vượt qua sức ì.

Ông Vũ Đình Hoàng Tùng - giảng viên ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM - đưa ra lời khuyên: "Ba mẹ nên bày ra hình thức trò chơi để khuyến khích các bé tham gia. Chẳng hạn như cả gia đình cùng nhau thi xem ai hít đất được nhiều hơn, thực hiện động tác này nọ được nhiều hơn... 

Hoặc tổ chức tập thể dục dưới dạng thách thức, làm được động tác bao nhiêu cái thì sẽ được thưởng. Nhiều hội nhóm thể thao phong trào cũng tổ chức những thách thức như vậy cho các thành viên, và mỗi cuộc thi có hàng ngàn người tham dự. Trẻ em thường phấn khích với kiểu thi có thưởng như vậy".

Theo bác sĩ Hoài Thu: "Về giải pháp vận động, nếu chúng ta để ý thì trẻ rất ít khi ngồi không, trừ khi chúng ta giao cho trẻ iPad, điện thoại để ngồi im một chỗ. Nếu mình muốn cho bé vận động thì cất iPad, iPhone. 

Lúc này muốn bé vận động, phụ huynh phải nhờ bé làm gì đó chung với bố mẹ hoặc có thể nhờ phụ giúp việc nhà. Theo đó, phụ huynh lựa chọn việc phù hợp cho các bé theo từng độ tuổi, coi như đây là dịp tập cho các bé những thói quen tốt, ít nhất phải tự phục vụ được bản thân mình".

Hướng dẫn tập thở

Trong điều kiện luyện tập ngoài trời, nơi công cộng hoặc tại các phòng tập bị hạn chế vì dịch bệnh, mọi người có thể tận dụng không gian trong nhà, sân, vườn, thực hiện những hình thức tập luyện đơn giản và các bài tập thở, giúp nâng cao sức khỏe thể chất nói chung, phòng và điều trị bệnh đường hô hấp.

Đây là kỹ thuật tập thở cần thiết để phối hợp với những bài tập thể dục trong nhà khác:

* Khi tập thở nên hít vào sâu nhất có thể (lưu ý không cần gắng sức quá mức), thở ra vừa sức. Tập ít một, tăng dần, thường xuyên thành thói quen hằng ngày. Có thể dùng kỹ thuật này khi khó thở hoặc khi hoạt động thể lực.

- Thở chúm môi: Hít vào chậm qua mũi - Thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại như thổi sáo. Có thể áp dụng thêm kỹ thuật ngưng thở cuối kỳ hít vào (nín thở khoảng 3 giây).

- Thở bụng: Thả lỏng hai vai, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của bụng) - Mím môi hít vào bằng mũi, phình bụng ra - Thóp bụng lại thở ra bằng phương pháp chúm môi.

- Thở ra gắng sức: Mím môi hít vào sâu và chậm - Thở ra nhanh, mạnh gắng sức.

HLV NGỌC TÂM

Trẻ cần hoạt động ít nhất 60 phút/ngày

Các tổ chức y tế trên thế giới đã đưa ra lời khuyên cho phụ huynh về sự cần thiết của việc giúp con em vận động trong mùa dịch.

Tổ chức About Kids Health của Canada cho rằng trẻ từ 5 - 17 tuổi cần phải vận động ít nhất 60 phút/ngày, nhiều hơn so với nhu cầu tập của người lớn (thường được khuyên tối thiểu 30 phút/ngày) vì trẻ em giai đoạn này đang phát triển cơ xương. Theo đó, việc vận động có thể chia nhỏ và kéo dài cả ngày.

Trò chuyện với con trẻ thế nào về dịch bệnh? Trò chuyện với con trẻ thế nào về dịch bệnh?

TTO - Dịch COVID-19 xảy ra không chỉ gây nên những xáo trộn to lớn đối với người trưởng thành, mà còn cả với trẻ nhỏ. Nhiều biến động xảy ra hằng ngày trong gia đình, ngoài xã hội đều có những ảnh hưởng đến trẻ.

H.ĐĂNG - H.TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên