11/02/2011 04:01 GMT+7

Giúp trẻ biết tự bảo vệ

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - “Con trai có bị lạm dụng không?”, chuyên viên tư vấn Vũ Thúy Nhuần - giảng viên Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành - đặt câu hỏi với các bạn học sinh THCS trong một lần nói chuyện về kỹ năng tự bảo vệ cho các bạn trẻ mới lớn. Nhiều bạn nam lắc đầu “làm gì có chuyện đó”.

Trong khi đó, một bạn nữ đứng lên khẳng định chắc chắn rằng có. Bằng chứng là nhiều bạn nam đi bơi đã bị một số đối tượng đi theo tán tỉnh, rình mò ở phòng thay đồ, có khi sờ soạng dưới hồ bơi. Các bạn thống nhất: con trai cũng như con gái đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Vấn đề là làm sao phòng tránh, tự bảo vệ mình?

S2oobQVW.jpgPhóng to

Phụ huynh cùng tham gia thảo luận tìm cách xử lý tình huống khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại - Ảnh: Q.Linh

Các bạn nhỏ đều nhận diện được nguy cơ bị xâm hại như bị bắt cóc, đi vào nơi vắng vẻ hoặc bị ép buộc, bị đe dọa, nhưng mắc mứu còn lại là cần làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh ấy.

Các bạn nhập vai để giải quyết tình huống. Trước tình huống cô bé hay bị một người quen sờ mó lên người mỗi khi đến nhà người này chơi, các bạn đã chọn giải pháp kể chuyện này với mẹ, thậm chí có bạn còn chọn cách báo... công an. Hay tình huống đặt ra: trên đường đi học về, có người đàn ông lạ cứ chạy xe theo đòi chở về, bạn sẽ làm gì. Có bạn chọn cách hét to lên, có bạn chọn cách chạy thật nhanh, và cũng có bạn chọn cách quay ngược lại trường, nhờ bảo vệ gọi người nhà đến đón.

Giảng viên Vũ Thúy Nhuần đồng ý với các bạn và khuyên không đi với người lạ, không ở nơi vắng vẻ một mình, không vào phòng của người lạ, không đi xe với người không biết họ là ai, không cho người lạ vào khi ở nhà một mình...

Chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện, anh Quang - một phụ huynh ở quận 3 - cẩn thận ghi chép lại. Anh chia sẻ: “Thật ra mình cũng muốn nói chuyện cùng con gái đang lớn về những điều này mà không biết phải nói sao. Ngồi nghe nãy giờ mình thấy rất thú vị nên chép lại để về cha con trao đổi với nhau. Đâu phải lúc nào mình cũng ở cạnh con nên phải giúp con biết cách tự bảo vệ”.

Một số bạn cho biết qua buổi này đã biết được cách xử lý, để lỡ chẳng may rơi vào hoàn cảnh nào đó sẽ đủ bình tĩnh biết cách xử lý. Bạn Quốc Thắng (Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) thật thà: “Trước giờ em đâu biết con trai như em cũng có thể bị lạm dụng nhưng hôm nay nghe xong buổi nói chuyện này thì biết rồi để cảnh giác hơn với người lạ”. Còn bạn Minh Tiến (Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3) đề xuất nên có thêm những buổi tư vấn giúp các bạn chọn cách chơi phù hợp để tránh xảy ra đụng độ với bạn bè, nên làm gì để đối phó với chuyện đánh nhau trong trường học...

Một cán bộ Nhà Thiếu nhi TP.HCM - đơn vị tổ chức buổi nói chuyện này - cho biết sẽ còn nhiều buổi nói chuyện với đối tượng và chủ đề đa dạng hơn, có khi là những chủ đề xuất phát từ gợi ý, đặt hàng của chính người tham dự. Cạnh đó, các buổi trao đổi sẽ có đối tượng riêng như phụ huynh, học sinh theo từng độ tuổi để chủ đề phù hợp hơn với người tham dự.

“Chúng tôi mong những buổi chia sẻ theo từng chủ đề nhất định sẽ hỗ trợ phụ huynh trong việc nuôi dạy con. Đặc biệt đối tượng chính chương trình hướng đến là các em, làm sao để qua những buổi như thế các em biết thêm kỹ năng cần thiết và chọn được cách ửng xử phù hợp hơn trong cuộc sống”, cán bộ phụ trách chương trình nói.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên