Chúng tôi chọn nơi này vì đối tượng và mục tiêu của NMA là người nghèo, người chịu thiệt thòi. Tầm nhìn của NMA là “Trao cơ hội cho mọi người”, nhưng mục đích chính là tập trung cải thiện điều kiện sống của người nghèo, người chịu thiệt thòi.
Phóng to |
Ông Kare Borseth tìm hiểu cuộc sống và sản xuất của người nghèo Tiền Giang sau khi được NMA hỗ trợ vốn - Ảnh do Tổ chức NMA cung cấp |
"Bài học của chúng tôi là nếu hỗ trợ cộng đồng để cộng đồng tự giúp các thành viên của mình thì các hoạt động giảm nghèo sẽ được duy trì ngay cả sau khi dự án kết thúc. Còn nếu chỉ tài trợ các nhu cầu cơ bản ngày hôm nay thì người nghèo cũng vẫn có nhu cầu tương tự như vậy vào ngày mai" KARE BORSETH |
Qua nhiều năm tiếp xúc với người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến nghèo như: trình độ học vấn thấp, bỏ học sớm, thiếu việc làm, thiếu tài sản và đất đai sản xuất, khó hoặc không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính, lạm dụng rượu bia, điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe thiếu thốn, bị khuyết tật hay gia đình có người khuyết tật, sự thay đổi của môi trường ảnh hưởng tới sinh kế của người dân...
Trên thế giới, mỗi nước có chuẩn nghèo khác nhau. Là một tổ chức quốc tế, NMA căn cứ trên chuẩn nghèo của Liên Hiệp Quốc để làm cơ sở hỗ trợ. Theo đó, nếu thu nhập 1,25 USD/người/ngày được xem là hộ rất nghèo, còn thu nhập 2 USD/người/ngày thì gọi là hộ nghèo. Một số địa phương ở VN chỉ căn cứ thu nhập 400.000 đồng/người/tháng (ở nông thôn) làm cơ sở xác định hộ nghèo hoặc không nghèo. Mặc dù thu nhập là yếu tố quan trọng nhất, nhưng chúng ta cần phải xem xét các yếu tố khác và tài sản của hộ dân khi đo lường mức độ nghèo chứ không nên chăm chăm vào thu nhập. Cần phải xem người dân có sở hữu đất đai, nhà cửa gì không; có được sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh và tiếp cận các dịch vụ y tế giáo dục hay không.
Từ việc hiểu rõ nguyên nhân, thực trạng của các hộ nghèo, chúng tôi sẽ có biện pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp họ cải thiện điều kiện sống của từng người và cả gia đình. Sau một thời gian được hỗ trợ vốn và hướng dẫn cách làm kinh tế, họ có thể tự sản xuất, kinh doanh. Cách đây vài tuần, tôi gặp một cặp vợ chồng ở tỉnh Tiền Giang. Người vợ là khách hàng vay vốn của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế (CWED/MOM). Chị kể từ khoản vay nhỏ, vợ chồng chị đầu tư mướn đất, mua cây giống, phân bón và các vật tư khác để trồng khóm. Lợi nhuận thu được từ trồng khóm vợ chồng chị tiếp tục đầu tư mướn thêm đất và mở rộng quy mô sản xuất. Chỉ sau vài năm vợ chồng chị đã “trèo qua” được nghèo đói, nâng mức thu nhập từ 20.000 đồng/ngày lên khoảng 50.000 đồng/ngày. Đáng mừng là vợ chồng chị còn tích lũy được vốn để giúp đỡ con cái trồng khóm riêng. Thấy vợ chồng chị vui, tôi rất mừng vì sự hỗ trợ của chúng tôi có hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của tôi, cách giảm nghèo hiệu quả nhất là xây dựng phương án cải thiện cuộc sống trên nền tảng tài sản và khả năng của người nghèo, người bị thiệt thòi. Chúng ta cần nhìn nhận họ như những người đóng góp, người tham gia tích cực chứ không phải chỉ là người nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác. Chúng ta có thể cung cấp cho họ các công cụ họ cần để tự mình “chiến đấu” thoát nghèo. Hiện nay người nghèo VN được Chính phủ và các tổ chức quốc tế, nhà hảo tâm trong nước quan tâm giúp đỡ rất nhiều. Có thể có những chính sách chưa phù hợp, chưa phát huy hiệu quả, nhưng tôi cho rằng thay vì phê bình chính sách thì cần làm sao phối hợp các chương trình khác nhau của các tổ chức khác nhau trên cùng địa bàn để tạo thành hợp lực lớn hơn, kết quả xóa đói giảm nghèo sẽ tốt hơn.
Công tác xóa đói giảm nghèo là việc làm rất phức tạp, không thể có một công thức chung hay một giải pháp cụ thể nào cả. Tuy nhiên, theo tôi, không nên sử dụng các giải pháp từ trên xuống, tức ngồi ở trên nghĩ ra chương trình, chính sách rồi “ấn” xuống cho người thụ hưởng. Tôi gắn bó với người nghèo nhiều năm, tôi biết họ thường có những sáng kiến hay về điều họ cần và họ biết cần làm gì để thoát khỏi tình trạng hiện tại của mình. Chúng ta cần tìm hiểu và giúp họ thực hiện điều đó một cách tốt nhất thì sẽ thành công.
KARE BORSETH (giám đốc Tổ chức Liên minh cứu trợ Na Uy)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận