Việc ưu tiên kiềm chế lạm phát sẽ có lợi về lâu dài. Còn trước mắt, không chỉ chật vật với lãi suất cao, người kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí không vay được vốn ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu năm 2012 tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức thấp để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tiền vay từ ngân hàng ít đi, sức mua hàng hóa khó được cải thiện vì doanh nghiệp, người dân không có nhiều tiền để mua. Khó bán hàng, giá cả không tăng vùn vụt, nhưng lại là gánh nặng cho doanh nghiệp do đồng vốn quay chậm trong khi lãi vay cao ngất ngưởng. Người kinh doanh cũng chẳng thể tìm vốn rẻ từ thị trường chứng khoán khi thị trường này cứ loay hoay mãi mà chưa thấy “đáy”.
Người kinh doanh còn phải vật lộn để vượt khó trong năm mới. Nhưng họ cũng đòi hỏi trong cái khó phải ló ra cái may hay cơ hội, không ai khác chính cơ quan hoạch định và điều hành chính sách phải cùng giúp họ vượt khó. Yêu cầu của người kinh doanh là có cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012 phải giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu, dự kiến lạm phát cả năm 2012 dưới 10% thì lãi suất huy động chỉ nhỉnh hơn mức này, thay vì 14%/năm như hiện nay, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết sẽ trình Chính phủ giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường chứng khoán, cụ thể là có thêm doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, thu hút thêm vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài... Nếu cái khó là do lãi suất cao, chứng khoán suy giảm thì chỉ có khơi dòng vốn hoặc được tiếp cận vốn có lãi suất hợp lý, các thị trường khác mới khơi thông, hoạt động sản xuất kinh doanh nhịp nhàng trở lại.
Giải pháp giảm khó đã có, điều được quan tâm, cũng là hi vọng của người kinh doanh là các giải pháp này sớm được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống. Lạm phát đã giảm nhiều tháng, vì vậy không còn lý do gì Ngân hàng Nhà nước chậm trễ giảm lãi suất huy động để nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng cần công bố lộ trình giảm lãi suất trong năm 2012 để xã hội, doanh nghiệp cùng giám sát tiến độ thực hiện.
Đồng vốn ngân hàng không dồi dào vì vậy cần được đặt đúng chỗ, tránh rơi vào tay giới đầu cơ bất động sản, chứng khoán. Nó phải được rót vào các lĩnh vực thuộc ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất - chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nếu giảm lãi suất và rót vốn đúng chỗ là yêu cầu bức bách thì việc khởi động lại thị trường chứng khoán cũng là việc cần làm ngay. Bởi như giới đầu tư than phiền, đã mỏi mắt, thậm chí tuyệt vọng khi trong thời gian dài vẫn chưa thấy giải pháp hỗ trợ thị trường. Thị trường chứng khoán èo uột, không chỉ doanh nghiệp đói vốn mà còn khiến nhiều thị trường khác chịu vạ lây, đồng vốn nhàn rỗi bị đóng băng.
Chắc hẳn mọi người làm ăn sẽ hài lòng với “kịch bản” ngay những tháng đầu năm họ được vay vốn rẻ hơn, đồng thời chứng kiến thị trường chứng khoán phục hồi để có thể gọi vốn qua chứng khoán. Được như thế, họ giảm được ít nhất phân nửa gánh nặng, đỡ vất vả hơn khi vượt khó trong năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận