Các đại biểu dự hội nghị chiều 13-2 tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: MINH GIẢNG
Hội nghị có sự tham dự của các sở GD-ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ đào tạo sư phạm.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến đào tạo của các trường
Một số ý kiến tại hội nghị nêu vấn đề dịch bệnh từ virus corona (COVID-19) đang kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của các trường, nên đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố kế hoạch thi THPT quốc gia và kế hoạch tuyển sinh để các trường chủ động.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói "tinh thần chung là giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020". Theo ông Nhạ, việc tuyển sinh năm 2019 đã triển khai thành công. Kế thừa kết quả đó, việc tuyển sinh năm 2020 sẽ giữ ổn định, khắc phục những điểm còn bất cập, gây bức xúc cho dư luận. Đơn cử như việc một số trường công bố mã ngành chưa phù hợp, sát với thực tiễn. Điểm đầu vào của một số trường thấp khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết từ năm 2021 - 2025 là giai đoạn tiếp theo, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH được chủ động hơn trong phương thức tuyển sinh. Vì thế, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng các phương án tuyển sinh phù hợp, sát hơn với mục tiêu đào tạo của mình.
Ông Nhạ khẳng định đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 nên các nhà trường hướng dẫn học sinh yên tâm học tập, ôn thi. Ông Nhạ cũng nhắc nhở công tác quản lý kết quả học tập, ghi học bạ cho học sinh phải nghiêm túc, chặt chẽ để các cơ sở đào tạo có thể tin cậy sử dụng tuyển sinh theo phương thức xét hồ sơ, học bạ.
Bộ trưởng đề nghị các trường phổ thông, sở GD-ĐT phải kết hợp với các trường ĐH trong công tác hướng nghiệp. Các trường ĐH cần đảm bảo tính trung thực trong thông tin tuyển sinh để học sinh, phụ huynh tham khảo.
Trao đổi về việc xây dựng phương án tuyển sinh, ông Nhạ nhấn mạnh việc phải thận trọng khi mở ngành mới và quyết định tổ hợp xét tuyển. "Tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời, ý kiến một số cá nhân mà mở một ngành mới, hay đưa ra tổ hợp xét tuyển không phù hợp gây hoang mang cho dư luận" - bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NAM TRẦN
Chất lượng cao nhưng điểm chuẩn thấp
Tại hội nghị, một điểm trong dự thảo quy chế tuyển sinh gây tranh cãi là quy định điểm chuẩn chương trình chất lượng cao phải bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng việc đưa ra điểm chuẩn chất lượng cao bằng hoặc cao hơn đại trà như dự thảo quy chế của bộ là sai lầm.
"Các chương trình chất lượng cao là chương trình dịch vụ chất lượng cao, điều kiện, phương pháp và học phí khác so với chương trình đại trà. Số đăng ký nhiều thì điểm chuẩn cao, ít thì điểm thấp. Vì học phí cao, ít thí sinh đăng ký nên điểm chuẩn thấp hơn hệ đại trà chứ không phải chất lượng thấp" - ông Dũng nói.
Trao đổi về việc này, ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh: "Gọi chương trình chất lượng cao như vậy không đúng vì đại trà không đậu lại đậu chất lượng cao. Phải gọi đó là chương trình dịch vụ chất lượng cao, chứ không phải chất lượng cao như hiện nay. Chất lượng cao, thu học phí cao nhưng điểm chuẩn lại thấp nên chưa đúng".
Giáo viên phổ thông vẫn thiếu nhiều
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp. Một số ngành chỉ có ít thí sinh đủ điểm sàn nên không thể mở lớp. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, năm 2019 tuyển sinh vào ngành sư phạm tăng.
Cụ thể năm 2019 số thí sinh nhập học ngành đào tạo giáo viên là 27.373, tăng hơn 3.000 thí sinh so với năm 2018, trong khi điểm chuẩn vào ngành sư phạm nhìn chung cũng tăng do Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng.
Bà Phụng cho biết hiện nay giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông vẫn thiếu nhiều, dù ở một số nơi, một số môn/cấp học dư thừa. "Vì thế bù đắp khoảng thiếu giáo viên nhưng đảm bảo không tuyển mức điểm quá thấp là một trong những mục tiêu cần chú ý trong công tác tuyển sinh năm nay" - bà Phụng nói.
Cần rà soát những ngành khó tuyển
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - phó giám đốc ĐH Đà Nẵng - trong báo cáo tổng hợp ý kiến ở điểm cầu Đà Nẵng đã cho rằng Bộ
GD-ĐT cần rà soát những ngành khó tuyển nhưng xã hội đang cần nhân lực để đề xuất Nhà nước sớm có chủ trương, nhằm khắc phục bất cập trong đào tạo ở 5 nhóm ngành trên (xem bảng). Theo đó, những ngành mà xã hội cần nhân lực phải có cơ chế "đặt hàng" các cơ sở đào tạo hoặc có chính sách hỗ trợ.
Đại diện ĐH Thái Nguyên cũng có chung ý kiến về điều này và đưa ra dẫn chứng Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên) có điều kiện đào tạo tốt nhưng rất ít thí sinh đăng ký. Nguồn tuyển khan hiếm là một cản trở trong việc duy trì, nâng chất lượng đối với các nhóm ngành đào tạo này.
Ông Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng phương thức xét tuyển bằng học bạ với ngành sức khỏe, y khoa chỉ quy định tốt nghiệp loại giỏi. Như vậy là quá nhẹ đối với những ngành liên quan đến sức khỏe con người.
"Đề nghị có thêm điểm sàn, tốt nghiệp loại giỏi nhưng phải có điểm sàn đối với hình thức xét tuyển này. Thành tích học bạ chưa tương xứng với năng lực thực tế nên đào tạo bác sĩ sau này sẽ không đảm bảo chất lượng" - ông Khôi nói.
Dự kiến quy chế tuyển sinh 2020
1 Giảng viên thỉnh giảng các ngành ưu tiên (du lịch, công nghệ thông tin) được tính bằng 1/2 giảng viên cơ hữu.
2 Tích hợp quy chế tuyển sinh các hệ chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào chung một quy chế.
3 Quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm sức khỏe đối với hệ chính quy và các hình thức và hệ đào tạo khác.
4 Quy định chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà.
5 Chế tài chặt chẽ với các cá nhân gian lận hoặc liên quan gian lận thi cử, tuyển sinh.
6 Bộ không quy định lệ phí tuyển sinh. Các trường ĐH đề xuất giữ như năm 2019.
Nguồn: Bộ GD-ĐT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận