01/02/2020 12:30 GMT+7

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020: Khuyến khích nhóm xét tuyển chung

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, về kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2020.

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020: Khuyến khích nhóm xét tuyển chung - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2019 của ĐHQG TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: "Về cơ bản, quy chế tuyển sinh 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã công bố với thí sinh, xã hội. Tuy nhiên, dự kiến quy chế tuyển sinh sẽ được ban hành mới có sửa một số điểm về kỹ thuật nhằm khắc phục hạn chế của quy chế 2019".

Các trường tự chủ trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, bộ khuyến cáo các trường cần đề cao trách nhiệm xã hội và khẳng định uy tín của trường đối với thí sinh và xã hội thông qua mức yêu cầu chất lượng đầu vào do trường xác định; tránh tình trạng vì quy mô, nguồn tuyển mà hạ thấp chất lượng, ảnh hưởng đến chính uy tín của trường, đến toàn hệ thống và chất lượng nguồn nhân lực.


* Cụ thể những thay đổi đó là gì, thưa bà?

- Có thể nhắc đến một số thay đổi đáng chú ý như sau:

+ Năm 2020, theo Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp nữa. Trình độ CĐ chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.

+ Tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ, ngành giáo dục mầm non.

+ Quy định cụ thể hơn về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực...) nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.

+ Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên và một số ngành/loại hình tuyển sinh.

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020: Khuyến khích nhóm xét tuyển chung - Ảnh 3.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng

* Mức điểm chuẩn của các trường trong năm 2019 có gì đặc biệt mà thí sinh tham gia tuyển sinh năm 2020 cần phải quan tâm?

- Hằng năm, các trường thực hiện nguyên tắc xét tuyển theo chỉ tiêu đã công bố, xét trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu hoặc đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường xác định. Mức điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo năm 2019 không có hiện tượng đặc biệt, cùng ngành đào tạo thì các trường chất lượng tốt, trường ở trung tâm thành phố lớn... có mức điểm trúng tuyển thường cao hơn so với các trường còn lại.

Điểm trúng tuyển của các trường xét tuyển từ điểm thi THPT dao động qua các năm chủ yếu do độ khó của đề thi và tương quan với những người cùng xét tuyển của mỗi năm.

Năm 2020, cũng như các năm trước, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục yêu cầu các trường công khai điểm trúng tuyển vào các ngành của trường hai năm trước năm tuyển sinh để thí sinh tham khảo.

* Việc hình thành các nhóm xét tuyển chung các năm qua nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo và thí sinh. Bộ GD-ĐT có tiếp tục khuyến khích thành lập các nhóm tuyển sinh chung như thế này trong năm 2020?

- Các năm qua, việc thành lập hai nhóm tuyển sinh chung tại hai miền đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh của các trường trong nhóm. Các nhóm này do các trường tự nguyện thành lập, bộ không triệu tập, không đứng ra tổ chức, chỉ hỗ trợ khi có sự đề nghị của các nhóm.

Năm 2019, các nhóm xét tuyển thu hút được nhiều thành viên hơn, có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia, có sự hợp tác "chuyên nghiệp" hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Điều này làm giảm tải công việc cho hệ thống tuyển sinh chung, các trường trong nhóm ít nhiều cũng có lựa nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường khác trong nhóm... nên Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tham gia nhóm tuyển sinh chung.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng:

Dự kiến từ năm 2021 sẽ có nhiều đợt thi THPT quốc gia

Thực tế, các phương thức tuyển sinh ngày càng được các trường lựa chọn đa dạng hơn, tỉ lệ chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia có giảm nhẹ qua các năm gần đây. Những trường lớn, đủ năng lực như đại học quốc gia đã tổ chức kỳ thi riêng của trường và được một số trường khác sử dụng kết quả; một số trường khác cũng bước đầu tổ chức thi tuyển cho trường mình... Đó cũng là xu hướng tất yếu của quá trình tự chủ.

Bộ đang dự thảo những quy định có tính định hướng để đảm bảo chất lượng tuyển sinh trong điều kiện các trường tự chủ sẽ tiếp tục đổi mới sau năm 2020, để đảm bảo các trường có trách nhiệm giải trình về tính hợp lý, công bằng, không gây tốn kém hay làm xáo trộn xã hội.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, đó là sự lựa chọn của các trường tự chủ. Điều đó cũng phản ánh kết quả của kỳ thi này khách quan, có tính phân loại và được các trường ĐH tin cậy sử dụng theo tinh thần tự chủ; có thể làm cho áp lực của kỳ thi THPT quốc gia tăng hơn so với chỉ để xét tốt nghiệp THPT nhưng ở mặt khác, các thí sinh cũng không phải tham dự thêm kỳ thi tuyển sinh của các trường ĐH, nhất là trong điều kiện thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng.

Để giảm áp lực, phương án thi THPT quốc gia cũng đã dự tính từ năm 2021 sẽ dần tổ chức thi ngày càng nhiều đợt trong năm, thí sinh có thể thi nhiều lần để lấy kết quả cao nhất... chứ không nhất thiết phải yêu cầu các trường ĐH tách công tác tuyển sinh khỏi kết quả học tập, kết quả thi của bậc phổ thông.

Tuyển sinh 2020: Tiếp tục quy định ngưỡng điểm đầu vào với ngành sức khỏe, sư phạm Tuyển sinh 2020: Tiếp tục quy định ngưỡng điểm đầu vào với ngành sức khỏe, sư phạm

TTO - Ngày 21-1, Bộ Giáo dục và đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên