![]() |
Đồ họa: Như Khanh |
Nghị quyết này đã được 89,54% đại biểu tán thành trong phiên họp tại hội trường chiều 10-11.
Vấn đề nợ công đã được Quốc hội đưa vào những dòng đầu tiên của nghị quyết: “Phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.
Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA...”.
* Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước: 911.100 tỉ đồng (nếu tính cả 10.000 tỉ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỉ đồng)
* Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước: 1.147.100 tỉ đồng * Mức bội chi ngân sách nhà nước: 226.000 tỉ đồng (tương đương 5% GDP) |
Ngoài ra, nghị quyết nêu rõ phải tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ.
Tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỉ lệ nợ xấu dưới 3%.
Đối với các chính sách an sinh xã hội, nghị quyết yêu cầu phải bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật lao động đối với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm quá tải bệnh viện tuyến trung ương và tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Ưu tiên kinh phí cho các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân.
Quốc hội đã dành một phần quan trọng trong nghị quyết để nhấn mạnh việc chống lạm dụng bắt tạm giam, bắt khẩn cấp và không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm tranh tụng trong xét xử.
Chủ động xử lý kịp thời, đúng luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế xảy ra các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp làm phức tạp tình hình.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội biểu quyết thông qua với điểm nổi bật là yêu cầu thắt chặt chi tiêu.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu: “Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.
Tổ chức đại hội Đảng các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho Chính phủ: “Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách.
Hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định; phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật đầu tư công.
Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ của ngân sách nhà nước, thu hồi các khoản tạm ứng. Không bố trí vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách...”.
Quốc hội quyết định “điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015”.
* Đại biểu PHÙNG QUỐC HIỂN (chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội):
Chỉ tiêu đúng với tình hình Tôi không nghĩ chỉ tiêu kinh tế như vậy là chưa cao. Chúng ta phải nhìn nhận cả lộ trình mới thấy được. Cụ thể, hai năm liền chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,5% nhưng chỉ đạt 5,42% và 5,32%. Riêng năm 2014 thì có thể đạt được 5,8% theo chỉ tiêu nhưng cũng còn khó khăn. Như vậy là ba năm liên tiếp thì chỉ có năm nay mới đạt được chỉ tiêu về GDP. Do đó để thêm 0,4% nữa, đạt mức 6,2% trong năm 2015 là phải rất cố gắng. Sự chuyển động của nền kinh tế từ chỗ đang khó khăn đến lúc giảm bớt sự khó khăn, tăng trưởng tích cực hơn là phải có quá trình. Các chỉ tiêu đều có quan hệ logic, tương quan với nhau. Tôi cho rằng chỉ tiêu xuất khẩu tăng 10% cũng là một chỉ tiêu tích cực. Việc đề ra mức tăng xuất khẩu 10% và lạm phát 5% là đã tính đến mối quan hệ tương quan này. Mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng về chất lượng. Có thể thấy rằng kinh tế chúng ta rất mở, câu chuyện nhạy cảm của nền kinh tế thế giới cũng tác động không nhỏ đến kinh tế chúng ta. Nhưng mấy năm gần đây tính toán của chúng ta cũng sát hơn, dự trữ ngoại hối tăng tích cực và đó là tín hiệu tốt. * Đại biểu TRẦN DU LỊCH (TP.HCM):
Chỉ tiêu còn dè dặt Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2% là không quá cao. Chúng ta có thể thấy quá trình kinh tế hồi phục, tăng trưởng chậm nhưng quý 3, quý 4 năm nay mức tăng GDP đã vượt 6% rồi. Như vậy là có đà rồi, với tốc độ đó thì năm 2015 tăng trưởng 6,2% không có gì khó. Tôi cho rằng chỉ tiêu như vậy cũng là rất dè dặt, chẳng hạn hiện nay chúng ta đang xuất siêu nhưng chỉ tiêu vẫn đặt vấn đề sẽ nhập siêu 5% nếu phải tăng đầu tư lên. Rồi xuất khẩu đặt mục tiêu tăng 10% cũng là vừa phải theo tình hình chứ không có gì quá đáng. Vấn đề quan trọng là làm sao tạo điều kiện cho kinh tế 2015-2020 phải phát triển bền vững hơn, tốt hơn. Tăng trưởng đạt chỉ tiêu về con số là tốt nhưng quan trọng nhất là tạo ra đà phát triển bền vững cho giai đoạn sau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận