Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: V.D. |
Nếu tăng lương theo hệ số thì những người hệ số cao như tôi được cao, nhưng những anh chị em hệ số thấp lại không đáng bao nhiêu. Do vậy hiện nay khó khăn thì nên trợ cấp đều 400.000-500.000 đồng cho mọi công chức |
* Ông bình luận như thế nào sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước QH ngày 30-10?
- Hôm qua Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chính thức công bố nhiều số liệu: năm 2014 tỉ lệ nợ công bằng 60,3% GDP, năm 2015 sẽ ở mức 64% GDP, tức là đang nằm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức lưu ý rằng để nợ công không vượt quá giới hạn 65% thì đòi hỏi không chỉ là vấn đề chi, tăng nợ công mà còn phụ thuộc vào GDP nữa.
Nếu GDP năm 2015 không đạt được mức tăng 6,2%, tức là không đạt được con số 4.480.000 tỉ đồng thì chúng ta sẽ có nguy cơ nợ công bị vượt trần.
Vì vậy, các khoản chi ngân sách nhà nước cũng như các khoản chi nợ công trong năm 2015 phải hàm chứa được yêu cầu phục vụ tăng trưởng, bồi dưỡng nguồn thu.
Chỉ như vậy mới có khả năng giảm bội chi được, chứ nếu các khoản chi cứ đi vào những nơi mà khả năng thu hồi mờ quá thì sẽ dẫn đến tình trạng nợ công bị vỡ trận.
Đối với kế hoạch năm năm, nếu chúng ta nhìn lại thì 11 chỉ tiêu về tiêu tiền chúng ta đạt, còn 7 chỉ tiêu về sản xuất làm ra tiền chúng ta không đạt |
* Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nợ công sẽ đạt đỉnh vào năm 2016 (64,9% GDP) và giảm dần vào các năm sau đó, nhưng với điều kiện là tăng trưởng kinh tế phải đạt mức 6,7-6,9%/năm và bội chi ngân sách giảm dần xuống 4%, liệu như thế có quá lạc quan không?
- Tôi nghĩ rằng lạc quan rất cần thiết. Nhưng nhìn vào thực tế thời gian tới thì điều quan trọng là chúng ta phải quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng ta phải giải thích được và tìm ra nguyên nhân tại sao mỗi năm có 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản. Phải có gói hỗ trợ để vực dậy khối doanh nghiệp trong nước. Chỉ khi vực dậy được lực lượng này thì mới đạt được nhiều mục tiêu.
Trước hết là thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng nguồn cung hàng hóa, hạn chế được nhập khẩu thì sẽ hạn chế được sự tác động từ bên ngoài.
Thứ hai là khi đó lực lượng này sẽ đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách. Tức là khi đó mới thúc đẩy tăng trưởng cao được, mới tăng nguồn thu, giúp giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công.
Chi sự nghiệp kinh tế vượt hơn 4.400 tỉ đồng, giáo dục - đào tạo, dạy nghề vượt hơn 1.500 tỉ đồng. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi, chỉ có ngành dân số, kế hoạch hóa gia đình và khoa học, công nghệ là không. Kỷ luật tài khóa như vậy là kém |
* Nhưng với những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt, ông có tin là từ năm 2016 tăng trưởng kinh tế sẽ tiệm cận mức 7% không?
- Với mức tăng trưởng khoảng 6,5-7% cho giai đoạn tiếp theo thì chúng ta có thể làm được, nhưng với điều kiện là phải kiên quyết thực hiện những quyết sách và các kiến nghị mà các đại biểu QH đã nêu ra.
Trong đó, cá nhân tôi đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp làm sao đó để tăng được tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng không phải tăng tổng vốn đầu tư công lên mà phải tăng từ khu vực đầu tư tư nhân. Muốn vực dậy tinh thần của doanh nhân thì Nhà nước phải có sự chia sẻ.
Lâu nay chúng ta cứ bàn đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại nhưng lại không bàn đến tái cơ cấu doanh nghiệp tư nhân và thiếu sự hỗ trợ cho khu vực này.
Tôi cho rằng VN có tự chủ được kinh tế hay không thì phụ thuộc vào sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân.
Phải khơi dậy được khát vọng đổi mới cho họ, giúp họ tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại thông qua các chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất ổn định trong thời gian dài thì họ sẽ sẵn sàng vay vốn, đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận