Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 1.
Trung tâm Bảo tồn nguồn gene động vật quý của Việt Nam là nơi duy nhất trên cả nước giữ được tinh trùng của con bò tót "si tình" F0 - cha của đàn con lai F1 trong dự án bảo tồn tại Vườn quốc gia Phước Bình từng được báo chí phản ánh gầy trơ xương hồi năm 2020.


Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 2.

Năm 2019, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) được phê duyệt kinh phí xây dựng Trung tâm Bảo tồn nguồn gene động vật quý của Việt Nam. Quá trình xây dựng trung tâm chia làm hai giai đoạn: từ năm 2019 đến 2021 thiết lập phòng thí nghiệm gene (genomic lab) và ngân hàng tế bào (cell banking), với kinh phí 30 tỉ đồng. 

Đến nay, trung tâm đã có đầy đủ trang thiết bị. PGS.TS Nguyễn Văn Thuận - trưởng khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế - cho biết từ năm 2023 ông sẽ bắt đầu xin một dự án quy mô bảo tồn nguồn gene động vật Việt Nam ở cấp độ tế bào.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 3.

Bò tót Bos gaurus đặc hữu của Việt Nam - Ảnh NATUSFERA

Nước ta chủ yếu áp dụng hai cách là bảo tồn tại chỗ trong những vườn quốc gia hoặc các khu dự trữ, hoặc bảo tồn chuyển vị - đem động vật đến vườn thú, sở thú... Tuy nhiên, cả hai cách trên đều có hạn chế do tuổi đời và khả năng sinh sản của động vật. Chẳng hạn, nếu một vườn quốc gia chỉ còn đúng một cặp bò rừng thì chắc chắn tối đa vài chục năm sau chúng sẽ chết đi. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa bảo tồn động vật và vi sinh vật hay thực vật - những đối tượng dễ gia tăng số lượng.

Theo ông Thuận, nói tới bảo tồn nguồn gene động vật thì phải nghĩ đến bảo tồn ở cấp độ tế bào. Chỉ với một miếng thịt rất nhỏ lấy từ cơ thể động vật, công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể phân tích và nuôi cấy thành dòng tế bào. Dòng tế bào này lại biệt hóa thành tế bào gốc, nghĩa là thông tin di truyền được giữ lại mãi mãi ngay cả khi loài ấy tuyệt chủng.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 4.
Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 5.

PGS.TS Nguyễn Văn Thuận và hệ thống lưu trữ tế bào tự động tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Ngày nay, nhiều công ty start-up trên thế giới đã có thể làm được thịt từ tế bào. Đồng thời, nhờ công nghệ nhân bản vô tính ngày càng phát triển, việc tái lập các động vật từ tế bào gốc ở một số loài động vật đã được hiện thực hóa. 

"Nhưng dù công nghệ tiến bộ đến đâu chăng nữa, chúng ta sẽ không làm được gì nếu không giữ lại được tế bào. Giữ lại tế bào có thể ví như giữ lại những nguyên liệu cho con cháu chúng ta hàng trăm năm sau có thể sử dụng, tùy theo mục đích và mức độ công nghệ thời đại đó" - ông Thuận nói.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Thuận kể lại khi nghe tin con bò tót "si tình" F0 chết, ông phải liên hệ với nhiều cơ quan để xin lại một số mẫu vật của bò nhưng không được phép. Vậy là ông phải điện thoại trực tiếp cho ông Nguyễn Quân, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ hỗ trợ cho phép giữ lại tinh hoàn bò vì mục đích khoa học và thu được một số tinh trùng bò còn sót lại.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 7.

Những bình nitơ lỏng là nơi lưu trữ các tế bào động vật sau khi được nuôi cấy - Ảnh MAZE CORD BLOOD

Con bò "si tình" là loài bò Bos Gaurus - một loài bò tót bản địa đặc trưng của Việt Nam. Lưu trữ được tinh trùng bò này tạo được nguồn vật liệu di truyền để các nhà khoa học có thể thử nghiệm các phương pháp lai tạo giữa bò Bos Gaurus và bò nhà. Bò con được thừa hưởng những đặc tính nổi trội của hai giống bò, từ đó có thể cho năng suất và giá trị thương phẩm cao hơn.

"Hiện nay còn một số bất cập trong việc bảo tồn động vật, chẳng hạn động vật quý khi chết thường phải đem chôn, trong khi đó hoàn toàn có thể giữ lại những phần rất nhỏ của động vật ấy để các nhà khoa học phân tích thành tế bào và lưu trữ cho mai sau" - ông Thuận nói.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 8.

Để thực sự bảo tồn nguồn gene của động vật dưới dạng tế bào hiệu quả, ông Thuận hiến kế Chính phủ có thể đầu tư cho mỗi vườn quốc gia, khu dự trữ kinh phí để xây dựng một đơn vị nuôi cấy tế bào, bao gồm một tủ an toàn sinh học (clean bench), một tủ nuôi cấy tế bào (incubator) và một bình chứa ni tơ lỏng. Kinh phí cho mỗi đơn vị sẽ khoảng 1 tỉ đồng.

Khi cứu hộ cho một động vật, đặc biệt là những loài quý hiếm, thay vì thả về rừng ngay, cán bộ của vườn quốc gia (có thể được tập huấn tại ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ cần dùng kim bấm nhít một miếng thịt rất nhỏ chẳng hạn ở móng hay lỗ tai, sau đó sẽ nuôi cấy thành tế bào tại chỗ. Tế bào từ các vườn quốc gia sẽ được tập trung về Trung tâm Bảo tồn nguồn gene động vật quý của Việt Nam thuộc Trường ĐH Quốc tế.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 9.
Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 10.

Làng tre Phú An nằm trên địa bàn thị xã Bến Cát (Bình Dương) hiện là nơi sinh trưởng của hàng ngàn cá thể tre thuộc hơn 400 loài, mẫu.

20 năm qua, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cùng các cộng sự đã rong ruổi trên khắp những nẻo đường đất nước để thu thập những giống tre trên cả nước, tạo nên một bộ sưu tập về nguồn gene đa dạng.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 11.

"Hồi chưa nghiên cứu về tre, tôi đâu nghĩ rằng tre Việt Nam phong phú đến vậy. Các nước lân cận như ở Campuchia thường chỉ có những loài tre gai mọc thành từng bụi nhỏ, ở Lào thường có loài tre dùng cho đan lát. Trong khi đó, tại Việt Nam, cả ba miền đều có những loài tre độc đáo, đủ loại kích thước và công dụng khác nhau", bà Hạnh cho biết.

Các giống tre lộc ngọc, bương ở miền Bắc, tre đằng ngà ở miền Trung, tre mạnh tông ở miền Nam nổi tiếng với kích thước to khỏe, thường được dùng để làm nhà hay trong các công trình xây dựng. Lại có những giống tre như cây nọ bói, thân nhỏ xíu, mảnh mai nhưng xét về độ chắc chắn cũng không thua kém ai.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 12.

Những búp măng của các loài tre liên tục đăm chồi tại làng tre Phú An

Một số giống tre vô cùng độc đáo, như ở khu vực phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), có loài tre sống được trong vùng nước ngập mặn khá hiếm gặp. Ở Phú Thọ, loài tre diễn đá nổi bật với thân cây luôn được phủ một lớp phấn trắng tự nhiên, có thể dùng tay vẽ chữ lên trên. Hay loài tre bông trên thân có những hoa văn tự nhiên vô cùng đẹp mắt, thường được dùng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ.

Các loại tre vầu, tre gai, tre Nam Bộ lại nổi tiếng có măng ngon tuyệt hảo, lại rất được giá trên thị trường. Một số loài tre Việt Nam có thể có măng cao đến 3m. Hình thái măng vẫn sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi nó chính thức ra lá, mọc cành.

Giống tre mạy pì đặc trưng ở vùng núi Sơn La và cây lộc ngộc - loài tre thường được trồng ở Hà Giang - đặc trưng với những bụi gai nhọn, um tùm, măng tre cao đến hơn 3m

Các giống tre được tiến sĩ Hạnh sắp xếp trồng theo từng cụm vùng miền tương ứng với những chuyến đi thu thập của bà. Mỗi lần, bà và các cộng sự thường rong ruổi cả tháng trời tại một địa phương. Các gốc tre là những chiến lợi phẩm sẽ được bó lại kỹ càng, chất lên xe tải, thường xuyên được tưới nước, chăm sóc để sống sót cho đến khi về lại Bình Dương.

Phần lớn những giống tre đều dễ chịu, có thể sống trong môi trường mới tại làng tre Phú An. Tre sẽ được phân tích các đặc điểm về lý tính, hóa tính rồi phân loại và tìm hướng ứng dụng. "Cái khó của tre là ít khi nở hoa nên định danh khó hơn. Nhưng đó lại là lợi thế của tre vì các loài sẽ khó bị lai lẫn nhau", bà Hạnh nói.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 14.

Loài tre le đỏ hồ linh đặc hữu ở vùng Đông Nam Bộ nhưng hiện rất hiếm gặp

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 15.

Từ ngày 17 đến 21-9, hội thảo Tre thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, do Tổ chức Tre thế giới, UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Làng tre Phú An là tâm điểm của hội thảo, thu hút các chuyên gia về sinh học và môi trường học nhiều quốc gia trên thế giới đến để thảo luận về các giải pháp bảo tồn và nhân giống, chiến lược phủ xanh đất trống đồi trọc bằng tre…

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 16.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã dành nhiều năm nghiên cứu tại làng tre Phú An

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 17.

Ông Michel Abadie - giám đốc Tổ chức Tre thế giới - cho rằng hội thảo Tre thế giới lần này không chỉ là một cuộc gặp gỡ trực tiếp của những người yêu cây tre mà còn là minh chứng cho sự đổi mới trong "liên minh" tự nhiên giữa người và tre. Dưới bàn tay của con người, cây tre có thể đồng hành trong mọi mặt của đời sống, có cả kinh tế.

Thật vậy, nếu như với các loài thực vật khác, bảo tồn là "đứng im", với tre bảo tồn là gắn với phát triển. Tre được dùng trong những mục đích kinh tế, từ cung cấp thực phẩm, làm vật liệu cho nông nghiệp, công nghiệp đến xây dựng, thủ công mỹ nghệ. 

Tre được dùng, măng sẽ mọc. Nghĩa là nguồn gene của tre vẫn tiếp tục được duy trì ngay trong khi con người sử dụng chúng.

Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 18.

Diễn đá - loài tre đặc biệt, bên ngoài thân luôn được phủ một lớp phấn trắng tự nhiên

"Vì vậy mà những chuyên gia quốc tế rất kỳ vọng vào tre như một giải pháp để cứu lấy Trái đất bởi có thể thay thế nhiều loại gỗ, lại có khả năng mọc nhanh và bảo tồn sinh khối", bà Hạnh nói. "Tại hội thảo vừa qua, các chuyên gia đã rất thán phục với độ phong phú của nguồn gene tre Việt Nam bởi đó là một tài sản quý giá mà Việt Nam có thể tận dụng trong tương lai".


Giữ nguồn gene cho mai sau - Ảnh 19.
TRỌNG NHÂN
NGỌC THÀNH



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên