TTCT - Ngày 22-10-2020 vừa qua, sau nhiều lần trì hoãn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cơ quan chức năng đã bắt thành công cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô (Hà Nội), bước đầu tiên trong hành trình khôi phục và phát triển loài rùa quý hiếm nhất thế giới.
Sau hai năm kiên trì "mắc võng" theo dõi mặt hồ Xuân Khanh (Hà Nội) chờ đợi bất kể nắng mưa, một ngày tháng 11-2019, sau nhiều giờ kiên nhẫn quan sát, anh Bùi Văn Diện, cán bộ thực địa Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), mới chụp được một bức ảnh về cá thể rùa Hoàn Kiếm. Bức ảnh là bằng chứng cụ thể để cùng với kết quả nghiên cứu về gene trước đó của các nhà khoa học mở ra hi vọng khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm quý hiếm nhất thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.
Đây là lần đầu tiên ghi lại được khoảnh khắc hai cá thể rùa cùng xuất hiện tại một địa điểm, là bằng chứng cho thấy có ít nhất 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm sống tại hồ Đồng Mô - nơi từng được coi là vương quốc của loài rùa Hoàn Kiếm. Mặc dù trước đó ngư dân địa phương luôn cho rằng có ít nhất 2 cá thể của rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô dựa trên quan sát và căn cứ vào vết rách mà rùa để lại trên lưới, nhưng chưa có bằng chứng tin cậy nào chứng minh được điều này. Các ngư dân ở hồ Đồng Mô từ lâu đã khẳng định có một cá thể thứ hai nhỏ hơn đang sống trong hồ, bên cạnh cá thể lớn thường xuyên được chụp ảnh. Cá thể lớn chính là "nhân vật" đã thoát ra khỏi hồ trong vụ vỡ đập năm 2008 và ngay sau đó đã được cứu hộ, thả lại hồ. Tại thời điểm đó, cá thể này nặng 69kg.
Phải đến nay, sau 13 năm nỗ lực, kể từ khi phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm đầu tiên ở hồ Đồng Mô vào năm 2007, các cán bộ nghiên cứu của ATP mới có cơ sở khẳng định sự tồn tại của 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm nơi đây. Trong ảnh, cá thể lớn xuất hiện phía trước, ước nặng 100-130kg vào thời điểm hiện tại so với cân nặng 69kg khi được cứu hộ vào năm 2008. Cá thể rùa thứ hai xuất hiện phía sau trong khung hình, khá gần cá thể lớn. Mặc dù bức ảnh chưa đủ rõ để quan sát kỹ các hoa văn trên đầu, ước tính cá thể này nặng 40-50kg.
Năm 2003, ATP thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) bắt đầu công tác nghiên cứu và bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở VN. Đi đến những kết quả nghiên cứu về sự tồn tại của các cá thể rùa Hoàn Kiếm ngày hôm nay là cả một chặng đường dài gian nan, với nỗ lực bền bỉ của các thành viên ATP và sự hỗ trợ nhiệt thành của nhiều người dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Trọng, ngư dân sinh ra và lớn lên ở khu vực hồ Đồng Mô, còn trở thành nhân viên thực địa của ATP và đã dành nhiều năm để có những bức ảnh đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn rùa.
Đến nay, ATP đã khảo sát tại 21 tỉnh ở miền Bắc VN. "Với một số địa điểm khác đã xác định ở VN, chúng tôi hi vọng có thể tìm thấy thêm các cá thể khác cùng loài, mang lại nhiều cơ hội hơn cho công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở VN trong tương lai", một cán bộ ATP cho biết.
Rùa Hoàn Kiếm được giới bảo tồn xếp loại loài rùa quý hiếm nhất thế giới khi ghi nhận chính thức chỉ có 4 cá thể. Loài mai mềm khổng lồ này từng có một vùng phân bố rất rộng lớn, trải dài từ phía nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến vùng Bắc Trung Bộ của VN với nhiều tên gọi khác nhau như giải Thượng Hải, rùa Hoàn Kiếm. Nhưng quá trình bị săn bắt và môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rùa Hoàn Kiếm giảm dần số lượng và bên bờ tuyệt chủng.
Có bao nhiêu con rùa Hoàn Kiếm tại hồ Gươm và có bao nhiêu con như thế trên thế giới? Câu hỏi ấy đã gây tranh cãi nhiều năm qua vì loài mai mềm khổng lồ này có tập tính vô cùng bí ẩn, hoang dã, thường ngâm mình dưới nước sâu. Sau khi "cụ rùa Hồ Gươm" chết vào đầu năm 2016, cả thế giới chỉ ghi nhận 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm chính thức, gồm một cá thể ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) và hai cá thể ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc).
Để bảo tồn cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được phát hiện vào năm 2007, ATP đã thuê anh Nguyễn Văn Trọng ngày ngày ngồi thuyền quan sát. Và trong nỗ lực khôi phục quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới, hơn 10 năm qua các nhà bảo tồn của ATP đã tìm kiếm trên nhiều khu vực rộng lớn ở miền Bắc.
Mãi đến ngày 12-4-2018, hành trình tìm kiếm mới mang lại kết quả. Bằng công nghệ phân tích gene môi trường (eDNA), các nhà khoa học có đủ bằng chứng khẳng định sự tồn tại một cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh (Hà Nội). Thông tin gây chấn động này mở ra hi vọng khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm quý hiếm nhất thế giới. Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng
11-2019, bằng bức ảnh quý giá của anh Bùi Văn Diện, các nhà khoa học mới chính thức xác nhận sự tồn tại của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Số lượng rùa Hoàn Kiếm được ghi nhận chính thức lại quay về con số 4.
Nhưng đầu năm 2019, giới bảo tồn rùa Hoàn Kiếm nhận một tin buồn: cá thể rùa Hoàn Kiếm cái ở Trung Quốc qua đời sau nỗ lực thụ tinh nhân tạo không thành công. Để duy trì loài rùa này, các nhà bảo tồn ở Trung Quốc đã cho 2 cá thể đực, cái phối giống với nhau suốt nhiều năm, nhưng hơn 600 quả trứng đẻ ra mà không thụ tinh được bởi cá thể đực quá già và có vấn đề về sinh sản. Sau 5 lần thụ tinh nhân tạo không thành công, cá thể rùa cái qua đời. Thế giới chỉ còn 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm, trong đó có 2 cá thể ở VN.
Nhờ phát hiện này tại hồ Đồng Mô, thế giới lại ghi nhận chính thức 4 cá thể rùa Hoàn Kiếm. Niềm hi vọng mới cho công tác bảo tồn loài rùa quý hiếm nhất thế giới tại VN lại dâng lên.
Rùa Hoàn Kiếm từ lâu gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người Hà Nội. Việc phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh năm 2018 dấy lên hi vọng khôi phục quần thể rùa này. Tháng 10-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm tại TP Hà Nội.
Kế hoạch tập trung bảo vệ an toàn rùa Hoàn Kiếm tại hai hồ, nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản nếu khả thi. Từ đó đến năm 2026, các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới này.
Để bảo vệ những cá thể rùa hiếm hoi này, Hà Nội sẽ đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp từ thông tin đến nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng hàng rào phòng chống di cư loài rùa Hoàn Kiếm tại các đập tràn và các điểm có nguy cơ rùa tự thoát khỏi hồ. Các cá thể rùa ở hai khu vực hồ Xuân Khanh, Đồng Mô trở thành những "công dân đặc biệt" của thủ đô vì thường xuyên được canh gác bảo vệ. Những hành vi xâm hại, hủy hoại môi trường sinh sống, phát triển của loài rùa Hoàn Kiếm cũng được TP thông báo xử lý nghiêm khắc.
Một hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các hồ được xây dựng. Các nhà khoa học sẽ xác định giới tính, tập tính sinh học rùa Hoàn Kiếm, gắn thiết bị giám sát lên các cá thể rùa Hoàn Kiếm đã được ghi nhận. Hà Nội cũng đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, công nghệ nhằm bảo tồn, phát triển loài rùa Hoàn Kiếm.
ATP với vai trò là thành viên tích cực của Liên minh Bảo tồn rùa Hoàn Kiếm (Rafetus Alliance) đang phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA), Tổ chức Global Wildlife Conservation (GWC) và Viện Tài nguyên và môi trường (CRES) thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn loài rùa quý hiếm này.
Kế hoạch bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm nhằm xác định giới tính - bước khởi đầu trong kế hoạch ghép đôi sinh sản đã được chuẩn bị từ lâu. Tuy nhiên phải đến 5 giờ sáng 22-10, một cá thể rùa Đồng Mô mới được bắt lên để cơ quan chức năng xác định giới tính. Giới bảo tồn đang mong chờ một kết quả khả quan, thuận lợi cho việc phối giống - niềm hi vọng gần như duy nhất để khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới.
TTCT - Mỗi năm, ở Côn Đảo có khoảng 150.000 vích con được ấp nở nhân tạo, thả về với biển khơi. Đó là kết quả một hành trình từ năm 1990, khi nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu làm bà đỡ cho vích (rùa biển) bằng việc di dời các ổ trứng lên vùng an toàn. Và rất nhiều người dân, tổ chức tham gia công việc này với họ.
Trước năm 1990, tại Côn Đảo, hai loài rùa biển quý hiếm là rùa xanh (vích) và đồi mồi bị người dân săn bắt thoải mái khi lên bãi cát ở các hòn đảo nhỏ đẻ trứng. Ông Trần Đình Huệ - phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, người gắn bó với động vật quý hiếm từ trước năm 1990 đến nay - nhớ lại: "Dân bắt vích về làm tiệc đám cưới, chân bơi của vích nấu cho heo ăn, đồi mồi thì bắt để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Pháp luật hồi đó chưa cấm, chưa xử lý hình sự hành vi săn bắt các loài rùa biển như hiện nay".
Năm 1990, GS Võ Quý (ông đã mất năm 2017), một người tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở VN, cùng một nhà báo quốc tế của Tổ chức Hòa bình xanh ra Côn Đảo. Biết chuyện người dân vô tư bắt vích, lấy trứng, bắt đồi mồi, hai người đã khuyến cáo với chính quyền nên cấm để bảo vệ vì đó là loài quý hiếm, được thế giới đưa vào sách đỏ (Red List of Threatened Species). Ban quản lý Vườn đặc dụng Côn Đảo (nay là Vườn quốc gia Côn Đảo) đã tham mưu cho chính quyền Côn Đảo ra chỉ thị cấm đánh bắt vích, trứng vích và đồi mồi trong khu vực rừng, vùng đệm thuộc vườn quản lý.
Năm 1991, Vườn quốc gia Côn Đảo bắt đầu thực hiện các giải pháp để bảo vệ rùa biển, nghiên cứu đặc điểm của loài này. Ông Võ Công Hậu, nguyên giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết sau khi nhận khuyến cáo và chính quyền ra chỉ thị cấm đánh bắt trong phạm vi của vườn quản lý, ông cùng các đồng nghiệp đã tìm các tài liệu, sách vở bằng tiếng Anh viết về rùa biển để nghiên cứu, gắn thẻ theo dõi vích. Những năm đó, họ gắn thẻ bằng cách dùng miếng nhựa trắng cắt ra từ can, khắc "CD01", CD02", đục lỗ để luồn dây cước, buộc vào bơi rùa. Những miếng thẻ này nhanh chóng bị đứt, rơi trong lúc rùa biển di chuyển, đào bới cát làm tổ.
Năm 1995, đại diện Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đến Côn Đảo và ghi nhận việc bảo tồn loài rùa biển ở đây. WWF đã tài trợ cho những người làm cứu hộ rùa biển ở Côn Đảo sang Philippines tập huấn.
Sau khi được tập huấn, với sự tài trợ vốn của WWF, những năm 1996, 1997 Vườn quốc gia Côn Đảo bắt đầu cứu hộ tổ rùa biển bằng cách di dời trứng từ vùng có nguy cơ ngập nước khi thủy triều lên đến vùng cao hơn để trứng vích không ung thối. Họ đồng thời xây các hồ ấp trứng vích, làm thẻ inox gắn vào vích để theo dõi, ghi nhận đặc điểm sinh học của vích. Ông Huệ cho biết nếu không di dời trứng vích lên vùng cao hơn thì tỉ lệ nở chưa đến 30%, nếu có cứu hộ thì tỉ lệ này tăng lên 80%. Sự can thiệp này của con người vào khâu ấp trứng vích rồi trực tiếp thả về biển cũng giúp hạn chế số lượng vích con nở ra bị các loài khác như kỳ đà "xơi tái".
Sau khi WWF ngừng tài trợ, Vườn quốc gia Côn Đảo đã cân đối nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan để tiếp tục làm bà đỡ cho rùa biển. Năm 2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt dự án "Di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu" giai đoạn 2017-2020. Bằng nguồn vốn của dự án trên, Vườn quốc gia Côn Đảo đã xây dựng thêm sáu hồ ấp trứng với tổng diện tích 760m2, các hồ ấp được lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát, được che lưới, trang bị pin đo nhiệt độ trong hồ ấp để cân bằng giới tính…
Từ năm 2018, Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort (chủ đầu tư khu du lịch Six Senses) triển khai dự án "Phục hồi và bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại Đất Dốc". Bãi biển này dài khoảng 1km, được dọn sạch sẽ, thuận lợi cho rùa biển đẻ trứng. Chín tổ trứng ghi nhận được ở bãi biển Đất Dốc khiến họ vui mừng, vì điều đó cho thấy sự phục hồi của rùa biển tại Côn Đảo không chỉ ở các bãi biển thuộc vườn quốc gia quản lý. Hơn 150 tổ với gần 13.000 trứng của các bãi khác cũng đã được cứu hộ, di dời về đây. Số rùa con nở, thả về biển ở bãi này trong ba năm qua là hơn 8.100 con, tỉ lệ nở trên 70%.
Năm 2016, từ đề nghị của Vườn quốc gia Côn Đảo, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại VN đã cử hàng trăm tình nguyện viên ra Côn Đảo, đóng góp hàng ngàn ngày công để bảo tồn rùa biển. Các tình nguyện viên đã cùng kiểm lâm theo dõi, di dời an toàn gần 2.000 tổ với 269.835 trứng, thả về biển 79.711 rùa con. Họ san lấp bãi rùa đẻ trứng, vệ sinh hồ ấp trứng rùa, thu gom xử lý khoảng 150m3 rác tại các đảo nhỏ... Sau mỗi chuyến tham gia cứu hộ rùa biển trở về, các tình nguyện viên còn viết báo, tạp chí, làm video clip... tuyên truyền bảo vệ rùa biển để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Ông Trần Đình Huệ cho biết số rùa biển về Côn Đảo làm ổ, đẻ trứng ngày càng nhiều, số lượng tổ trứng, rùa con nở, được thả về biển cũng tăng. Năm 2019 có 700-800 vích về Côn Đảo đẻ với 2.100 tổ trứng, năm 2020 con số này đã tăng lên hơn 900 con với trên 2.500 tổ và sẽ có khoảng 200.000 rùa con được ấp nở nhân tạo, thả về biển.
Nhưng mối nguy đối với rùa biển vẫn rất nhiều. Kết thúc mùa làm tổ, rùa mẹ thường di cư rất xa, đến các vùng biển khác tìm thức ăn, thường là các vùng biển xung quanh đảo Phú Quý, quần đảo Trường Sa của VN, đảo Palawan của Philippines, vùng biển Sihanoukville của Campuchia, vùng biển phía đông của bang Pahang (Malaysia) và đảo Natuna (Indonesia). Ông Trần Đình Huệ lo rằng hành trình ấy có thể khiến rùa mẹ bị đánh bắt. Và họ tiếp tục trăn trở nghĩ cách ngăn ngừa mối nguy này. Ô nhiễm môi trường, rác thải đại dương là mối nguy lớn không kém, rùa biển có thể ăn phải túi nilông, vướng phải lưới thả trôi trên biển. "Có những trường hợp tuy ngư dân không chủ ý đánh bắt nhưng rùa biển lại vướng vào lưỡi câu của họ", ông Huệ cho biết.
Số động vật bản địa ở VN nhiều nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Không ít người lại quan tâm đến việc lai tạo với giống ngoại nhập để cho những giống lớn, ngắn ngày khiến nguồn gene bản địa bị pha lẫn...
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, PGS.TS NGUYỄN VĂN THUẬN, trưởng khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lưu trữ các động vật quý ở cấp độ tế bào để giữ gìn nguồn gene quý. Ông Thuận đang
chủ trì dự án xây dựng trung tâm đầu tiên của VN về bảo tồn nguồn gene động vật quý.
Trước thông tin về đàn bò tót gầy trơ xương ở Ninh Thuận (đàn bò F1), là một nhà khoa học, ông nghĩ gì?
- Có lẽ khi nhìn những động vật ốm yếu, dù là ai, nhà nghiên cứu hay một người yêu thiên nhiên đều xót thương. huống chi tôi ít nhiều gắn bó với bò tót đực F0 (cha của đàn bò F1). Năm 2012, tôi may mắn là một trong những chuyên gia đầu tiên tận mắt thấy con bò tót đực F0 này. Đến năm 2014, bò chết do ốm yếu, chúng tôi đã tìm nhiều cách để xin tinh trùng bò về lưu giữ tới nay. Cũng may nhờ báo chí phản ánh, tôi và nhiều người mới biết tình hình đàn bò F1 hiện tại. Giờ đây khi bắt đầu được vỗ béo, khoảng 6 tháng là bò có thể trở lại thể trạng như trước.
Phòng thí nghiệm của khoa đang là nơi duy nhất ở VN giữ được tinh trùng của con bò tót F0. Quá trình thu thập và lưu trữ có gặp khó khăn không, thưa ông?
- Ở nước ta quy định khi động vật quý hiếm chết buộc phải chôn cất. Lúc hay tin bò chết, tôi liên hệ với nhiều cơ quan để xin lại một số mẫu vật của bò nhưng không được phép. Tôi phải điện thoại trực tiếp cho ông Nguyễn Quân, cựu bộ trưởng Bộ KH-CN, nhờ hỗ trợ cho phép giữ lại tinh hoàn bò vì mục đích khoa học. Sau khi lọc, lấy màu tinh, chúng tôi may mắn thu về một số tinh trùng sót lại.
Thường thì sau khi qua đời vài ngày, tất cả tế bào nội tạng bò đều chết. Về mặt sinh học, tinh trùng cũng không ngoại lệ. Dù vậy, đầu tinh trùng vẫn lưu trữ nhiều vật liệu di truyền cô đặc. Cái khó ở chỗ chúng tôi phát hiện tinh trùng mất đi khả năng tự kích hoạt trứng. Qua nhiều nỗ lực, chúng tôi phát triển thành công cách thức kích hoạt nhân tạo cho trứng từ các tế bào tinh trùng này. Tinh trùng có thể kết hợp với trứng tạo thành hợp tử rồi phôi thai. Chúng tôi tiếp tục chọn lọc ra các phôi có khả năng sống sót cao và cấy vào bò nhà theo phương pháp nhân bản vô tính.
Cũng từ đó, hay tin bò tót chết ở đâu, chúng tôi đều tìm xin các mẫu về lưu trữ. Riêng con bò tót chết năm 2019 tại Đồng Nai, do phát hiện xác khá trễ nên tinh trùng không còn tốt. Các mẫu thu về sẽ được tái biệt hóa thành các tế bào gốc để lưu trữ trong thời gian dài.
Ở góc độ khoa học, bò lai từ bò tót và bò nhà có giá trị ra sao?
- Về cơ bản, bò tót (Bos Gaurus) và bò nhà (Bos Taurus) là hai động vật khác loài, một con mang 56 nhiễm sắc thể, một con mang 60 nhiễm sắc thể. Con lai của hai bố mẹ khác loài thường vô sinh do không thể ghép đôi các bộ nhiễm sắc thể, trường hợp ngoại lệ có tỉ lệ phần ngàn. Khi thấy đàn bò F1 là kết quả bò nhà cái và bò tót đực, nhóm nghiên cứu của tỉnh Lâm Đồng muốn tiếp tục nuôi dưỡng với kỳ vọng tạo ra được các đời F2, F3… Điều này cũng tạo nên nguồn dữ liệu giúp các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn sau này vì Bos Gaurus là loài bản địa VN.
Giờ đây, đời sống phát triển, người ta thích ăn một miếng thịt ngon hơn là cần một miếng thịt để no. Nhiều động vật bản địa có giá trị thương phẩm tốt như heo rừng, heo Móng Cái, gà tre Đèo Le… có chất lượng thịt ngon, mùi vị đặc trưng. Về thể trạng, loài bản địa thường chống chịu bệnh tật, thích ứng với môi trường tốt hơn. Bò tót Bos Gaurus trưởng thành có thể nặng tới 1.000kg, bắp thịt cuồn cuộn, gần như không bị các bệnh như lở mồm long móng.
Do vậy, ngày nay ai giữ được giống động vật bản địa, đặc biệt là những giống quý hiếm, người đó sẽ chiến thắng. Từ các giống gốc sẽ tạo được các giống lai thương phẩm tốt. Rõ ràng con lai F1 giữa bò tót và bò nhà tỏ rõ sự vượt trội về ngoại hình do thừa hưởng 50% vật liệu di truyền từ cha. Nếu chọn lọc được giống F1 có thể sinh sản (tỉ lệ thành công ở mức phần ngàn), chúng ta chắc chắn có được các đời F2, F3, F4 sinh sản được và giữ một số tính trạng tốt của bò tót F0, như vậy VN sẽ có một giống bò mới giá trị.
Đó là chưa kể những giá trị về đa dạng sinh học nếu loài bản địa quý hiếm như sao la hay trước đây là tê giác một sừng được giữ gìn, bảo vệ.
Năm 2019, Bộ KH-CN phê duyệt cho khoa 30 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Bảo tồn nguồn gene động vật quý của VN. Việc triển khai đến nay ra sao, thưa ông?
- Nguồn hỗ trợ trên đang được dùng để mua sắm trang thiết bị. Mục tiêu của trung tâm là trở thành một ngân hàng lưu trữ các tế bào động vật bằng nitơ lỏng, giữ lại nguồn gene các loài quý. Do thiết bị đắt đỏ, chúng tôi đang làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật (JICA) để có thêm kinh phí. Vừa qua, trung tâm đã tổ chức đấu thầu thành công một số máy móc về công nghệ ADN, sang năm có thể đấu thầu tiếp các trang thiết bị để làm ngân hàng tế bào.
Chúng tôi cũng chú trọng đào tạo con người. Nhiều năm qua, tôi đã chuyển giao công nghệ cho các nhóm sinh viên, nghiên cứu sinh để có thể đảm nhiệm nhiều công việc đòi hỏi kỹ thuật cao. Đôi lúc chỉ một thao tác trong phòng thí nghiệm mà phải luyện đến hơn một năm mới thành thạo, vì các bạn đang làm việc với đối tượng ở cấp độ tế bào.
Trung tâm dự kiến lập những đơn vị nhỏ, đặt tại một số vùng núi rừng như ở Gia Lai làm vệ tinh. Đây là những nơi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều động vật bản địa, sẽ thu thập những mẫu vật của các loài động vật mang về trung tâm để biệt hóa thành tế bào gốc và lưu trữ trong ngân hàng. Nếu không thành dòng tế bào, miếng thịt, miếng da của động vật không thể lưu giữ nguồn gene mãi mãi.
VN đang có những cách bảo tồn nguồn gene động vật quý hiếm như thế nào?
- VN chủ yếu áp dụng hai cách là bảo tồn tại chỗ (lập các vườn quốc gia, các khu dự trữ) và đem động vật đến các sở thú, các cơ sở nuôi nhốt. Trên thế giới, nhiều nơi đã phát triển cách thứ ba là giữ nguồn gene ở cấp độ tế bào, đây là điều mà chúng tôi
hướng đến.
Hiện tại, điều gì làm ông trăn trở nhất về công việc bảo tồn nguồn gene động vật quý?
- Đó là việc nhiều động vật quý chết đi mà chúng ta không thể lưu lại tế bào. Vẫn còn một số quy định động vật quý khi chết phải đem chôn, các nhà khoa học khó biết tin và khó tiếp cận. Không giữ tế bào, động vật tuyệt chủng nghĩa là ta mất chúng vĩnh viễn. Khi biệt hóa thành tế bào gốc, chúng ta có thể dùng nhiều cách để nhân bản trong tương lai. Dù khó khăn nhưng tôi nghĩ sẽ làm được, không bây giờ thì sẽ ở đời con cháu vì đó là xu hướng phát triển của khoa học, kỹ thuật. Nếu không giữ lại được tế bào thì đời sau có tiến bộ đến đâu cũng không làm được gì.
Như loài sao la vốn được xem chỉ có ở VN nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa ghi nhận sao la xuất hiện. Tôi tìm hiểu cũng chưa thấy cơ quan, tổ chức nào giữ lại được tế bào của chúng. Tôi mong các cơ quan chức năng sẽ kết hợp chặt chẽ hơn, tạo được một mạng lưới để các nhà khoa học nắm bắt sớm thông tin và thuận tiện lấy được mẫu vì mục đích khoa học. Từ tế bào sẽ làm ra tất cả.
Tiếp đó là sự thay đổi về nhận thức. Với những động vật bản địa quý hiếm có số lượng hạn chế cần được bảo vệ nhiều hơn. Ở ĐH Kobe (Nhật) mà tôi học trước đây, mỗi tối có nhiều đàn heo rừng đi lạc xuống phố, cảnh sát đã hộ tống chúng về lại tự nhiên. Điều này tương đối khác với ở VN. Nhiều nước không có tập quán ăn thịt rừng; hoạt động săn bắn, mua bán trộm động vật hoang dã cũng không phức tạp như ở nước ta. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để họ bảo tồn nguồn gene.
Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với ông NEAHGA LEONARD, giám đốc Dự án bảo tồn voọc Cát Bà (Hải Phòng), về cách tiếp cận toàn diện trong bảo tồn.
Cát Bà là một điểm nóng về du lịch của VN, điều đó mang lại những lợi ích và thách thức nào cho công tác bảo tồn tại đây?
- Du lịch và bảo tồn có mối quan hệ phức tạp và tình hình ở Cát Bà, Hạ Long (Quảng Ninh) cũng không ngoại lệ. Về lý thuyết, du lịch là cách để tạo ra nguồn tài chính cần thiết, nâng cao nhận thức cho mục tiêu của bảo tồn, giúp tan tỏa các thông điệp về bảo tồn hiệu quả. Thực tế việc quản lý du lịch, hoạt động du lịch, các dự án liên quan đến du lịch không tốt làm những tác động về môi trường và xã hội của du lịch vượt xa những lợi ích mà nó mang lại.
Ở Cát Bà, ta khó nhìn thấy lợi ích mà du lịch mang lại cho công tác bảo tồn của địa phương. Đó có thể là sự chú ý nhất định ở tầm quốc gia và quốc tế đến khu vực này. Các nhà hoạch định chính sách đã thấy điều này và có các quy định để củng cố chính sách bảo vệ môi trường. Nhưng việc thực thi các quy định còn thiếu vì hai lý do. Một là áp lực rất lớn trong việc phát triển Cát Bà thành trung tâm du lịch chính của miền Bắc. Hai là việc thực thi Luật môi trường được giao cho các cơ quan hành chính địa phương, vốn bị thiếu nhân lực và kinh phí trầm trọng, thiếu thẩm quyền để áp dụng những hình phạt hiệu quả với các hành vi vi phạm Luật môi trường.
Hoạt động bảo tồn thường tập trung vào các loài động vật lớn tiêu biểu. Ông có thể giải thích vì sao bảo tồn các loài động vật nhỏ cũng quan trọng như các loài động vật lớn và cách tiếp cận về bảo tồn tại Cát Bà?
- Một trong những thách thức với công tác bảo tồn là nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thường tập trung vào các cá thể, đặc biệt là các loài động vật tiêu biểu lớn. Nhưng quan điểm của các nhà bảo tồn và nhà sinh thái học là nhìn nhận mỗi loài vật riêng lẻ là một phần của hệ sinh thái, để bảo vệ hiệu quả một loài vật thì phải bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái. Tất cả các loài cùng tạo nên hệ sinh thái phải nhận được sự bảo vệ bình đẳng như nhau. Ở Cát Bà, loài biểu tượng là voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) - loài linh trưởng quý hiếm nhất ở VN và quý hiếm thứ hai trên thế giới, thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp. Có một đại diện mang tính biểu tượng làm mũi nhọn cho công tác bảo tồn tại đây nghĩa là có những lợi thế nhất định, nhưng nhược điểm là lấy mất sự chú ý dành cho các loài khác trong quần đảo cũng rất cần được quan tâm.
Chúng tôi tập trung bảo vệ hệ sinh thái của toàn đảo để bảo tồn mối quan hệ giữa các loài có mặt ở đây. Có một mối liên hệ giữa voọc Cát Bà và một loài thực vật nhỏ thường bị thu hái trái phép, bán trên thị trường cây cảnh. Có rất ít nguồn nước ngọt quanh năm trên Cát Bà nên vào mùa khô, voọc lấy nước chủ yếu từ thực vật. Trên vách đá toàn bộ vùng Cát Bà, Hạ Long có một loài thực vật đặc hữu nhỏ, thân dày, nhiều thịt, trữ nước có tên là Primulina drakei, hoa màu tím hình ống khá đẹp. Trong mùa khô, voọc Cát Bà tăng lượng tiêu thụ Primulina drakei lên 30%, cho thấy loài thực vật này là một nguồn tài nguyên quan trọng trong chuỗi thức ăn của voọc. Việc săn trộm và buôn bán bất hợp pháp loài thực vật này có thể gây tác động bất lợi đến quần thể voọc cũng như quần thể các loài động vật khác sống dựa vào nó để lấy nước vào mùa khô.
Vì thế, cách tiếp cận bảo tồn của chúng tôi bao gồm việc chống săn bắt, hái trộm các loài động, thực vật và các loài chim; trồng rừng, giáo dục môi trường cho người dân địa phương và thường xuyên trao đổi về chính sách với các cơ quan chức năng.
Ông có thể cho vài ví dụ về tầm quan trọng của việc thay đổi hành vi với bảo tồn?
- Việc giảm các hoạt động gây ô nhiễm và giới hạn số lượng khách du lịch trong khu vực sẽ mang lại lợi ích cho cả việc bảo tồn môi trường và trải nghiệm của du khách. Gây ô nhiễm là một điều tồi tệ, nhưng người ta vẫn vứt rác ra cửa sổ xe buýt, thả rác xuống biển. Điều này cần phải chấm dứt hoàn toàn, quan trọng hơn nữa là cần giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn.
EEA (Cơ quan Môi trường châu Âu), WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và nhiều nghiên cứu khác đã cảnh báo ô nhiễm tiếng ồn là loại ô nhiễm có hại thứ hai với con người, sau bụi mịn trong không khí. Ô nhiễm tiếng ồn cũng gây hại cho động vật hoang dã, cả trên cạn và dưới nước. Mặc dù đã có luật cấm tiếng ồn, nhưng có rất ít hành động cụ thể để hạn chế nó. Tại Cát Bà và các vùng tự nhiên khác trên cả nước, người ta thường mang theo cả loa karaoke di động, cho công ty du lịch mở nhạc lớn hoặc dùng loa để nói chuyện với du khách, cho các khu nghỉ dưỡng, kể trong vườn quốc gia, mở nhạc lớn, có thể nghe từ khoảng cách 3km qua địa hình đồi núi. Thêm vào đó, số lượng lớn tàu thuyền trên vùng biển Cát Bà, Hạ Long làm môi trường dưới nước quá ồn ào, khiến các loài thú biển như cá heo không thể định hướng và các sinh vật biển khác không thể giao tiếp. Cơ quan chức năng cần quy định rõ ràng về nơi có thể tạo ra âm thanh lớn, ở mức âm lượng nào. Điều này sẽ mang lại lợi ích môi trường to lớn ở cả khu vực Cát Bà, Hạ Long và các nơi khác trên cả nước.
Ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm bảo tồn thành công ở các nước Đông Nam Á? VN có thể rút ra điều gì từ những điểm sáng này?
- Tại Cát Bà, một trong những thành công lớn của chúng tôi là thành lập các đội chống săn trộm dựa vào cộng đồng vốn gồm chính những người săn trộm trước đây. Làm được điều này là nhờ xây dựng lòng tin trong cộng đồng, tiếp cận trực tiếp, tôn trọng người dân, kiến thức của họ và thể hiện chúng tôi cam kết lâu dài.
Tại Indonesia, tổ chức phi chính phủ Alam Sehat Lestari đã thành công trong việc giảm nạn phá rừng và săn trộm bằng cách xác định những áp lực buộc cộng đồng phải tham gia các hoạt động bất hợp pháp. Sau khi tìm hiểu, họ phát hiện tiền không phải là động lực, mà người dân cần tiền để mua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phân bón nông nghiệp. Do đó, sau khi cung cấp dịch vụ y tế rẻ hơn và hướng dẫn người dân chăn nuôi, tự làm phân hữu cơ, nạn săn trộm giảm. Không có cách tiếp cận bảo tồn chung nào đúng cho tất cả. Mỗi địa phương cần một cách tiếp cận riêng nhưng bằng việc tuân theo một số nguyên tắc cơ bản và cách tiếp cận cẩn thận, chúng ta có thể tìm ra công thức thành công phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận