21/03/2018 23:53 GMT+7

Giống lúa thích ứng với độ mặn cao

NGUYỄN HÙNG
NGUYỄN HÙNG

TTO - Trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, nhiều địa phương đã cố gắng tìm ra những giống lúa mới cho thích hợp, chịu được độ mặn cao…

Là một người làm công tác khoa học nhiều năm, ông Nguyễn Thành Vinh - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN tỉnh Cà Mau), cho biết vào những năm 2012, diện tích lúa ven biển tại ĐBSCL bị thiệt hại nặng do nhiễm mặn. Tại tỉnh Cà Mau cũng vậy, với diện tích trên 30.000ha lúa tôm cũng bị thiệt hại nặng nề.

Giống lúa thích ứng với độ mặn cao - Ảnh 1.

Giống lúa Cà Mau được trồng khảo nghiệm tại Trại giống nông nghiệp Khánh Lâm 1 - Ảnh Trung Đỉnh

Theo ông Vinh, vào thời điểm này, việc sản xuất lúa tôm nông dân gieo các giống mà độ mặn chỉ chịu được ở mức dưới 4‰. Cho nên, khi gặp hạn hán, độ mặn cao hơn 4‰ thì lúa lép hết, trổ không được.

Trước thực tế đó, tỉnh Cà Mau mong muốn có một vài giống lúa phù hợp với đồng đất, phù hợp với mô hình sản xuất lúa tôm, phù hợp với xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chịu được độ mặn cao hơn. Vì vậy, Sở KH-CN tỉnh Cà Mau đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ lai tạo giống lúa với những yêu cầu cơ bản như vậy.

Người chủ trì đề tài chọn giống lúa chịu mặn năng suất, chất lượng cao theo "đầu bài" của tỉnh Cà Mau là PGS.TS Võ Công Thành (công tác tại bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng của Trường Đại học Cần Thơ).

Cũng theo ông Vinh, qua quá trình lai tạo thì PGS.TS Võ Công Thành đã cho ra sản phẩm giống lúa Cà Mau 1 và 2. Hai giống lúa này có những ưu điểm là khả năng chịu mặn cao, như giai đoạn mạ có thể chịu đựng được độ mặn 8-9‰, còn giai đoạn lúa trổ bông thì chịu được độ mặn 5-6‰.

Là một người chuyên làm công tác về giống lúa, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng trại giống nông nghiệp Khánh Lâm 1 (thuộc Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau), cho biết từ giống siêu nguyên chủng, trung tâm trồng khảo nghiệm và chọn một giống ưu điểm nhất (Trung tâm gọi là Cà Mau 1) tiến hành nhân giống đến cấp xác nhận cung cấp cho người dân sản xuất.

Qua 3 vụ, cả trung tâm và nông dân đánh giá giống lúa Cà Mau 1 có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn (từ 95 đến 100 ngày), thân cao trung, ít dịch bệnh, đẻ nhánh khỏe, năng suất cao (ở mức 6,7 tấn/ha), phẩm chất gạo tốt…

Theo ông Hải, trong sản xuất lúa tôm thì có hai nhóm giống người dân ở Cà Mau thường sử dụng. Đối với nhóm giống lúa mùa là Một bụi đỏ và Một bụi lùn; hai giống mới phục tráng là Một bụi bờ đìa và Ba bông mẫn. Còn đối với nhóm giống ngắn ngày, ngoài giống OM 2517 thì nay có thêm giống mới Cà Mau 1.

"Do có những đặc tính vượt trội nên trung tâm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống cây trồng, xin công nhận giống quốc gia đối với giống lúa Cà Mau 1", ông Hải chia sẽ.

“Sau khi lai tạo thành công hai giống lúa này, Sở KH-CN giao cho Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh sản xuất khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả. Sau đó chuyển giao cho người dân sản xuất

Ông Nguyễn Thành Vinh (Sở KH-CN Cà Mau)

NGUYỄN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên