09/03/2016 08:37 GMT+7

Giới công chức, viên chức cũng nhậu nhiều kinh khủng

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Tiếp nối câu chuyện rượu bia, thuốc lá đang kéo lùi thanh niên VN, các chuyên gia cho rằng có nhiều việc phải làm nếu muốn bài trừ được tình trạng ăn nhậu quá đà ở người trẻ.

Vào buổi tối, nhiều quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM luôn đông khách  
- Ảnh: Thanh Tùng
Vào buổi tối, nhiều quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM luôn đông khách - Ảnh: Thanh Tùng
Về khoản tiêu pha cho cuộc nhậu thì người Việt cũng thuộc loại đáng nể. Một doanh nhân người Nhật kể rằng không ít lần được mời tham dự tiệc tùng của đối tác hoặc quan chức Việt Nam, ông cảm thấy rất choáng trước cảnh người nhậu vung vẩy những chai rượu rất đắt tiền mà ngay cả người giàu có ở Nhật cũng chẳng mấy khi dám mua để uống

Không chỉ giới trẻ Việt Nam nhậu nhiều mà giới công chức, viên chức ở Việt Nam cũng nhậu nhiều kinh khủng. Không ít công chức, viên chức la cà quán nhậu không chỉ sau giờ hành chính mà cả trong thời gian theo luật định người ta phải ngồi tại công sở để làm việc.

Người trẻ ở Việt Nam mê ăn nhậu, suy cho cùng, họ chỉ bắt chước lối sống của cha anh. Muốn lớp trẻ bớt nhậu, trước hết phải làm thế nào để lớp già, lớp trung niên nói không với nhậu nhẹt. Nhưng phải làm thế nào?

Không biết từ bao giờ nhậu được coi là phương thức giao tiếp thông dụng và hữu hiệu, là chìa khóa mở nhiều cánh cửa, là cách tháo gỡ bế tắc trong quan hệ xã hội, nghề nghiệp.

Người ta cứ nhắc nhở với nhau rằng muốn xin được việc làm, được đi học, được đề bạt, cất nhắc, lên chức, đạt điểm cao trong học tập, thi cử... đều phải nhậu. Biết nhậu là điều kiện để được kết nạp vào một nhóm người; không biết nhậu thì có nguy cơ bị cô lập, bị tẩy chay và không thể có cơ may để thăng tiến trong nghề nghiệp.

Nhiều người cho rằng hiện tượng nhậu nhẹt phổ biến có nguồn gốc sâu xa từ sự thâm nhập lề thói giao tiếp nông nhàn vào các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Những người đi đầu vốn đã quen với việc dùng chén rượu để kết thân, để thắt chặt tình thân vốn có với bà con hàng xóm, với bạn bè. Bây giờ làm quan, làm chuyên viên, nhân viên, người ta chuyển dịch, vận dụng cách giao tiếp ấy trong môi trường mới.

Một số ý kiến, triết lý hơn, cho rằng một phần nguyên nhân của tình trạng nhậu nhẹt tràn lan là do nhu cầu khám phá con người thật trong một không gian sống thiếu sự trung thực, sự thẳng thắn, sòng phẳng trong quan hệ giao tiếp.

Trong cuộc sống hằng ngày, con người ta thường không thật lòng với nhau. Do nhu cầu tìm kiếm lợi ích, người ta sẵn sàng đánh đổi, thậm chí chấp nhận che giấu tính cách thật của mình để đội lốt khác; thấy điều trái tai gai mắt hoặc tế nhị thì vẫn lặng thinh, không để lộ tình cảm yêu ghét.

Nhưng khi có rượu vào, con người ta được kích thích, hưng phấn và có xu hướng trở về với bản chất của mình. Và người ta sẽ nói ra những điều mà nếu không có rượu thì không dám hoặc không tiện nói.

Một lãnh đạo cơ quan ở một địa phương tại miền Tây tâm sự rằng ông không hề thích nhậu, tuy nhiên ông cần phải tham dự những cuộc nhậu để thu thập thông tin cần thiết cho cuộc sống, công việc của mình. Trong điều kiện đó, nhậu trở thành một mặt trận mà ở đó người ta tham chiến để có thể có những điều mà nếu không nhậu thì chẳng ai chịu cung cấp cho mình.

Muốn bài trừ nạn nhậu nhẹt thì tất nhiên có nhiều việc phải làm. Một trong những việc đó là phải xây dựng tác phong công nghiệp trong giao tiếp xã hội, nghề nghiệp. Điều quan trọng nữa và cũng là cái rất riêng của xã hội chúng ta đang sống là phải xây dựng không gian sống minh bạch để người ta không còn cần nhờ đến rượu mỗi khi muốn nói thật.

* Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Công chức phải bớt rượu bia

Việc ăn nhậu giờ đã trở nên quá phổ biến ở Việt Nam. Buồn nhậu, vui cũng nhậu, có bất kể chuyện gì cũng lôi nhau ra nhậu. Nhậu đúng là một cái nạn của Việt Nam hiện nay. Nhậu đã tàn phá, làm tê liệt sức khỏe và trí tuệ của lớp trẻ Việt Nam. Hậu quả của nó có thể thấy được qua những nghiên cứu khoa học.

Để hạn chế chuyện nhậu nhẹt, có hai giải pháp chính. Trước hết là cần tuyên truyền giáo dục đến tất cả các đối tượng, thông qua cơ quan đoàn thể và phường xóm, cho họ thấy tác hại của bia rượu. Biện pháp thứ hai là đánh thuế thật cao trên mặt hàng bia rượu để hạn chế tiêu dùng.

Ngoài ra, còn biện pháp khác là hạn chế các quán nhậu, chỉ được bán đến một khoảng nào đó chứ không thể bán suốt đêm.

Ví dụ như bán đến 10g thôi, để phòng trừ tất cả các hậu quả khác của bia rượu, bởi thanh niên, công chức và cán bộ cứ hết giờ làm việc là lại đi nhậu. Cuối ngày cứ nhìn vào các quán nhậu là nhận thấy điều đó.

Vì vậy, càng kéo dài thời gian nhậu thì còn sinh ra những tệ nạn phía sau, nhẹ thì gây rối trật tự, nặng thì tai nạn giao thông hoặc xảy ra việc đánh nhau dẫn đến thương tích, hoặc thậm chí án mạng từ rượu.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp cần phải có những quy định để hạn chế việc ăn nhậu từ chính các cán bộ, công chức và viên chức.

Cán bộ, công chức sử dụng thời gian làm việc của mình vào việc nhậu, hay còn gọi là ăn cắp giờ, là khá phổ biến. Và khi đã nhậu trưa rồi thì chiều không làm việc, thiệt hại không chỉ cho ngân sách mà còn thiệt hại cho nhân dân, bởi công việc không được giải quyết.

H.ĐIỆP ghi

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên