Thật ra, khi chọn Tòa trọng tài thường trực (PCA) để nộp đơn, chứ không chọn Tòa án công lý quốc tế (ICJ) hay Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), phía Philippines đã chọn hình thức pháp lý “nhẹ nhàng” nhất là nhờ Tòa PCA làm trọng tài giải thích những thắc mắc về tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc có vi phạm UNCLOS hay không.
Động tác viện dẫn đến Tòa PCA của phía Philippines, chứ chưa cậy đến ICJ hay ITLOS để phân định lãnh hải..., vẫn còn trong sự chừng mực theo cách: tôi nói “đừng” mà anh cứ hùng hục lấn tới thì tôi nhờ người có thẩm quyền, am hiểu khách quan giải thích cho anh và tôi cùng rõ!
Điều đó đúng với định nghĩa của Tòa PCA vốn được thành lập bởi Công ước về giải quyết tranh chấp Thái Bình Dương của quốc tế năm 1899, theo đó điều 16 của công ước này tuyên cáo rằng: “Trong những câu hỏi mang tính chất pháp lý, đặc biệt trong việc giải thích hoặc áp dụng các công ước quốc tế, trọng tài là phương cách hiệu quả nhất, đồng thời là công bằng nhất, trong việc giải quyết các tranh chấp mà ngoại giao đã thất bại không giải quyết được”.
Khi Trung Quốc cứ nhất mực đơn phương quả quyết rằng cả vùng biển trong “đường chín đoạn” là của mình, là “không thể tranh cãi”, cứ thế mà cấm biển, cấm đánh cá, áp đặt một “chính quyền Tam Sa”, rồi thì bồi đắp các dải đá thành “đảo”, năm ngoái đưa việc “tái chiếm lãnh thổ” vào kế hoạch năm năm nhân khóa họp quốc hội, tập trận suốt từ đảo Hải Nam xuống đến Hoàng Sa, thì rõ ràng Trung Quốc đâu có tôn trọng điều họ gọi là những thỏa thuận liên chính phủ “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”...
Việc tàu đánh cá QNg 90479 TS bị hai tàu Trung Quốc số hiệu 46012 và 35103 cố tình ngăn cản, tông chìm chiều 9-7 đã diễn ra chỉ hơn chục ngày sau thỏa thuận mới kia, và không phải là lần đầu hay lần cuối cho thấy giá trị của những thỏa thuận “đầu môi” này!
Dẫu sao, phán quyết này cũng sẽ là “lịch sử” trong ý nghĩa: (1) Luật pháp quốc tế nhìn nhận vấn đề như thế nào?
(2) Các bên liên quan, cho dù có hay không tham gia, phản ứng như thế nào?
(3) Lịch sử sẽ đi tới như thế nào, chiến tranh vì phi pháp hay hòa bình vì thượng tôn pháp luật?
Nếu như Thế chiến thứ hai đã nổ ra vì/trong sự bất lực của Hội Quốc Liên, thì lần này Liên Hiệp Quốc đã làm hết sức mình rồi qua việc đích thân tổng thư ký tổ chức này đã đến Bắc Kinh bàn công chuyện, trong đó có các việc liên quan đến Biển Đông, mà theo bản tin của Liên Hiệp Quốc, “ông Ban đã nhấn mạnh với ông Vương (Nghị) cần giải quyết các khác biệt của họ một cách hòa bình và tránh bất kỳ sự leo thang hoặc hiểu lầm có thể khiến an ninh và phát triển trong khu vực lâm nguy”.
Nhưng can gián của ông Ban đã không được ông Vương Nghị để ý, khi vẫn đổ là do Manila “sinh sự”!
Liệu đến giờ phút sự thật chiều nay (giờ Việt Nam) sẽ có chỗ cho lý trí, luật pháp và tính người?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận