16/03/2014 10:23 GMT+7

"Giờ dây thun", chấm dứt được không?

C.NHẬT - H.THI thực hiện
C.NHẬT - H.THI thực hiện

TT - Giải quyết từ cách tổ chức, chỉ mời người thật sự thân, đúng giờ thì cứ làm... là những giải pháp mà chuyên gia và người trong cuộc đề nghị quanh chủ đề về thói quen “giờ dây thun” ở tiệc cưới.

Người Việt ít khi đúng giờ!Ăn cưới giờ "dây thun": không muốn văn minh, lịch sự?Dự tiệc cưới đúng giờ: chuyện không tưởng?

* TSNGUYỄN VĂN HIỆU (trưởng khoa văn hóa học ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Giải quyết từ khâu tổ chức

rzOLdbx9.jpg

TS Nguyễn Văn Hiệu - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cách đây gần mười năm, nếu tôi không nhầm, cũng chính báo Tuổi Trẻ đã nêu vấn đề và cảnh báo về công nghệ cưới... dây thun! Nhưng dường như càng ngày công nghệ ấy càng phát triển và đến nay báo chí lại không thể không đặt ra vấn đề một cách quyết liệt hơn về nguyên nhân, nguồn gốc của cái sự vì đâu nên nỗi...

“Giờ dây thun” không chỉ là tâm lý, thói quen của người Việt nói chung, của người Sài Gòn - TP.HCM nói riêng. Các kết quả nghiên cứu xã hội học, văn hóa học xưa nay cho thấy nền văn hóa nào cũng có những quan niệm và cách thức ứng xử với thời gian, trong đó “giờ dây thun” là một trong những biểu hiện tiêu biểu, phổ biến trong các nền văn hóa, nhất là trong các nền văn hóa gắn với xã hội truyền thống, tiền công nghiệp hoặc công nghiệp hóa chưa cao như Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ngay trong một nền văn hóa, ứng xử với thời gian cũng không giống nhau trong từng lĩnh vực. So với lĩnh vực hành chính, ứng xử với thời gian trong các sinh hoạt đời thường thường ít nhiều mang tính “dây thun”, vấn đề là cách ứng xử đó có trở thành “vấn đề”, thành “vấn nạn xã hội” hay không.

* Theo ông, có đang tồn tại nghịch lý: Sài Gòn càng hiện đại, con người càng bận rộn thì họ càng lấy lý do bận việc này, việc kia để đi trễ? Có đang tồn tại tâm lý phải tỏ vẻ mình là người bận bịu, người quan trọng thông qua việc thường xuyên đến trễ như nhiều bạn đọc phản ảnh?

- Đặc điểm của nông thôn (tính thân thuộc) so với đô thị (tính xa lạ), người đô thị không có nhu cầu thể hiện mình trước người lạ bằng việc đến trễ. Mặt khác, càng bận rộn thì con người mới cần đúng giờ, đâu ra đó để tiết kiệm thời gian chứ.

Tôi cũng không tin rằng việc đi dự tiệc cưới trễ là biểu hiện của sự thiếu ý thức hay thiếu nghiêm túc của người đi dự.

Tôi tin rằng hầu hết người đi dự tiệc cưới ở Sài Gòn không ít thì nhiều từng là nạn nhân của việc đi đúng giờ để sau đó phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh theo kiểu “nhập gia tùy tục”, do đó trở thành một trong những tác nhân dẫn đến “giờ dây thun” trong tiệc cưới.

Không ai muốn đến sớm để chờ đợi, để mất thời gian, nhất là lỡ ngồi vào bàn của những người xa lạ và đôi khi chỉ từ tâm lý sợ chờ đợi, hiệu ứng tâm lý này cũng đủ biến “giờ dây thun” vốn dĩ khá bình thường ở nước ta trở thành vấn nạn.

* Giải pháp của ông, với vai trò người nghiên cứu văn hóa?

- Nguyên nhân đã không dễ phân tích, nhận diện thì giải pháp cũng không đơn giản, nhất là tổ chức tiệc cưới không phải là vấn đề của tổ chức hành chính, không phải là lĩnh vực để “luật hóa” và quản lý thời gian.

Quả vậy, để điều chỉnh một thói quen cũ cần xây dựng một thói quen mới. Đám cưới, dưới góc độ nào đó, cũng thuộc lĩnh vực văn hóa tổ chức, nên khâu tổ chức đóng vai trò quan trọng.

Hãy bắt đầu từ đó và hãy tin rằng khách mời luôn mong muốn không phải chờ đợi và chính họ sẽ là những nhân tố tiềm năng cho việc thực hiện tổ chức tiệc cưới đúng giờ.

*CÔNG HUYỀN TÔN NỮ THIÊN PHỤNG (giám đốc nhân sự Tập đoàn Nam Long):

Cần sự dứt khoát từ nhiều phía

Wc8D9Tm4.jpg

Bà Công Huyền Tôn Nữ Thiên Phụng - Ảnh: Công Nhật

Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên “du di” khoảng 15 phút so với giờ ghi trên thiệp mời và khai tiệc ngay sau khoảng thời gian này dù khách có thể chưa đến đủ. Sự dứt khoát này sẽ giúp những người có thói quen đến trễ có một bài học về nhận thức, sự tự trọng và theo đó sẽ xem lại bản thân, có những thay đổi cần thiết. Dĩ nhiên để thay đổi một “tập quán” đã lâu thì cũng cần khoảng thời gian nhất định.

Gia chủ nên tránh “a dua” trào lưu “đặt càng nhiều bàn thì chứng tỏ gia đình càng danh giá”, so kè với những đám khác để rồi gửi thiệp mời vô tội vạ. Hãy cân nhắc trong việc gửi thiệp mời để đảm bảo không mang lại cảm giác “tôi bị mời”, “tôi phải đi ăn để lấy lại vốn”... ở đối tượng khách tham dự. Hạn chế được đối tượng này thì tôi nghĩ tình trạng “giờ dây thun” trong tiệc cưới cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện về một đám cưới mà bản thân được dự tại Singapore. Trong thiệp cưới, gia chủ ghi rõ rằng sẽ có khoảng thời gian nửa tiếng để mọi người cùng gặp gỡ, giao lưu và ăn uống nhẹ... ở ngoài sảnh trước khi vào tiệc chính. Khoảng thời gian này sẽ dễ dàng giúp mọi người kết nối với nhau trong trường hợp trước đó chưa từng quen biết và không khiến ai phải mệt mỏi vì chờ đợi hoặc thấy phung phí thời gian ngồi không. Sau thời gian trên thì tất cả mọi người được mời hết vô phòng tiệc để tham dự chương trình chính diễn ra rất đúng giờ. Lúc này, vì mọi người đã quen với nhau nên việc sắp xếp bàn không còn gây khó khăn nữa.

Theo tôi, thông thường khi một ai đó mời bạn tham dự đám cưới thì có nghĩa họ rất quý bạn. Chính vì vậy mà hãy thể hiện bản thân là người có ý thức, tôn trọng bản thân và tình cảm của người mời bằng cách đi đúng giờ. Đó cũng chính là cách bạn thể hiện phông văn hóa của chính mình.

* NGUYỄN VIẾT TUẤN ANH (bộ phận marketing và tổ chức tiệc cưới, nhà hàng Callary, Q.3, TP.HCM):

Chỉ mời người thật sự thân

mB1SWRrR.jpg

Nguyễn Viết Tuấn Anh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trước khi chuyển qua lĩnh vực tổ chức tiệc cưới, tôi từng có thời gian làm trong mảng tổ chức sự kiện và thấy chuyện một bộ phận không nhỏ người Việt luôn trễ giờ là phổ biến khắp nơi, không chỉ dừng ở tiệc cưới.

Tuy vậy, ở một số sự kiện có yếu tố nước ngoài hoặc do các công ty đa quốc gia tổ chức thì khách mời thường có ý thức tốt hơn về việc phải đi đúng giờ trên giấy mời. Như vậy, rõ ràng “giờ dây thun” không phải là thói quen không bỏ được, khi có một áp lực nhất định thì người Việt vẫn có thể sắp xếp tham dự đúng giờ.

Có thể nhiều người đi trễ vì họ chưa hình dung được điều này sẽ gây ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Gia chủ và chúng tôi phải đấu tranh với câu hỏi “nên tổ chức đúng giờ hay không?” bởi trân trọng người đến đúng giờ sẽ khiến người đến trễ kém vui và ngược lại. Trong khi đó, tâm lý người làm dịch vụ luôn muốn đem lại sự vui vẻ, tôn trọng nhất trong mức có thể cho mọi khách hàng.

Khách đến trễ cũng sẽ khiến cho việc sắp xếp chỗ ngồi trở nên khó khăn. Đơn cử chuyện khách thường có khuynh hướng chọn ngồi chung bàn với người thân. Vì thế nhiều trường hợp đến trễ nhưng lại không muốn ngồi vào bàn còn trống mà lại thích ngồi vào những bàn vốn đã đủ người. Khi đó việc sắp xếp bàn, phục vụ thức ăn... của nhân viên sẽ không thể chu đáo như mong đợi.

Chúng tôi cố gắng giải quyết chuyện trễ giờ bằng cách gợi ý cho gia chủ rằng sẽ có nhiều hoạt động giải trí ấm cúng dành cho khách mời trong thời gian chờ, gia chủ sau đó sẽ thông báo lại với khách mời dự tiệc. Điều này sẽ tác động phần nào đến thời gian dự tiệc của khách.

Khuyến khích gia chủ nên đề nghị khách mời xác nhận tham dự tiệc cưới. Khi khách gửi email/điện thoại xác nhận họ sẽ có trách nhiệm hơn với việc tham dự đúng giờ.

Ngoài ra, tôi thấy hiện đang có xu hướng khá tích cực: rất nhiều đám cưới đã không mời tràn lan mà chỉ mời những người thân thật sự, theo đó số lượng khách được mời giảm hẳn. Trung bình với những đám cưới khoảng 300 khách trở xuống, 90% khách đi đúng giờ.

* TRẦN LÊ HÀ TUYÊN (25 tuổi, Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Đúng giờ là làm

KYc1DBH2.jpg

Trần Lê Hà Tuyên - Ảnh: A.Phong

Bây giờ muốn thay đổi, không thể hô hào suông mà các đôi trẻ cần tiên phong bằng cách khai tiệc đúng giờ ghi trên thiệp. Sắp tới tôi cưới, gia đình hai bên đều nhất trí đúng giờ là làm lễ dù khách đến chưa đủ, thậm chí chỉ mới nửa sảnh. Không phải đợi đến khi dư luận lên tiếng về hiện tượng đám cưới “giờ dây thun”, hai họ mới quyết tiến hành nghiêm túc giờ giấc. Gia đình tôi và gia đình hôn phu đều rất xem trọng việc đúng giờ. Bản thân chúng tôi từ lúc quen biết, hò hẹn đến nay cũng hiếm khi để nhau chờ đợi. Chúng tôi cho rằng coi trọng việc chính xác giờ giấc cũng là tôn trọng người ấy và tự trọng.

Trong đám cưới, với những người đi trễ, chúng tôi sẽ sắp xếp có người dẫn vào bàn sau. Còn lại cứ đúng giờ là cử hành lễ, khai tiệc. Ngày cưới của mình, không thể để những người nhiệt tình đến chúc phúc cho mình - những người đúng giờ - cảm thấy không thoải mái do phải chờ đợi. Để người ta trách móc, than phiền sao gia chủ dùng “giờ dây thun”, tôi cũng không vui. Đám cưới bắt đầu đúng giờ sẽ vãn tiệc đúng giờ, không làm phiền đến nhà hàng, khách khứa cũng được về sớm nghỉ ngơi, chuẩn bị công việc hôm sau. Ngày vui của mình nhưng phải tiện cho người mới được.

Tôi biết người Sài Gòn bận rộn, nếu các cặp đôi cứ mời giờ “trừ hao” như 11g trưa, 17g chiều các ngày trong tuần, chắc chắn khách không thể đến đúng giờ. Giờ ấy người ta vừa tan sở, nếu là buổi chiều còn phải về nhà tắm rửa sửa soạn, hoặc đón con, chưa kể giao thông Sài Gòn giờ đó thường xuyên ách tắc. Gia chủ biết điều này nên dời giờ ghi trên thiệp vừa sát với giờ khai tiệc. Không mấy ai đi trễ quá 12g hoặc 19g (vì đói) nên có thể cử hành lễ đúng giờ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhà công vụ: nên không?Cảm hóa học sinh cá biệt bằng tình yêu thươngLàm gì để Hà Nội thanh lịch?Vì sao người Việt thích nhậu?Đừng để “lạm phát” tiến sĩ trong bộ máy

C.NHẬT - H.THI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên