07/05/2010 07:30 GMT+7

Giáp Văn Cương - tư lệnh của Trường Sa

BÙI THANH
BÙI THANH

TTO - Đi trên những con tàu hải quân ra thăm Trường Sa hoặc nhà giàn DK1, có thể bạn sẽ được nghe kể nhiều về “lý lịch” của đảo hoặc nhà giàn, về cuộc sống và sự kiên cường của những người lính hải quân.

B5yWHXnw.jpgPhóng to
Đô đốc Giáp Văn Cương, tư lệnh quân chủng hải quân, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Và có thể bạn sẽ nghe nhắc nhiều đến một cái tên: Giáp Văn Cương - vị tư lệnh can trường của lực lượng hải quân VN.

Trong dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, những người lính hải quân đón nhận một tin vui: đô đốc Giáp Văn Cương vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Nghe “truyện bố Cương” ở Trường Sa Lớn

Đêm cuối tháng 4-2009, một chương trình giao lưu văn nghệ hết sức cây nhà lá vườn đã làm rộn rã cả đảo Trường Sa Lớn. Tự nhiên có một tiết mục hơi lạ: đọc truyện. Ai đời giao lưu văn nghệ mà đem sách ra đọc!

Nhưng cái giọng con gái Bình Dương hết sức truyền cảm đêm ấy đã làm xao động bao người lính trẻ và nhất là những ai lần đầu ngồi giữa đất trời Trường Sa.

“... Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.

- Vất vả không, các cậu?

Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:

- Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!

- Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi - giọng tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất cấp thiết nhất các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu...

Ngồi bên tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thật sự coi ông như một đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối tư lệnh:

- Bố thấy vương quốc của chúng con thế nào?

Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

- Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi - Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...

- Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!...”.

“Truyện bố Cương” đọc vang giữa đảo đêm ấy được trích từ cuốn Đảo Chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, người lính thủy đã nhiều năm đóng quân ở Trường Sa. Trong tập truyện Đảo Chìm - theo tác giả là những câu chuyện thật không hư cấu bịa đặt - đã dành những lời trân trọng khi vẽ lại một góc chân dung tư lệnh Giáp Văn Cương, viên chỉ huy hải quân duy nhất cho đến nay được phong hàm đô đốc ở VN.

Nhưng đâu chỉ có Trần Đăng Khoa, tất cả sĩ quan hải quân lữ đoàn 171 và tiểu đoàn DK1 mà chúng tôi gặp sau đó một tuần ở Vũng Tàu đều nhắc đi nhắc lại về “tầm nhìn Giáp Văn Cương”, “ý chí Giáp Văn Cương” trong việc phòng thủ Trường Sa và khai sinh những nhà giàn DK1 ngày đêm bảo vệ thềm lục địa phía Nam.

Phòng truyền thống lữ đoàn 171 còn lưu giữ vài tấm ảnh hiếm hoi khi đô đốc Giáp Văn Cương leo lên nhà giàn thăm hỏi lính DK1 hơn 20 năm về trước. Lúc ấy, vị tư lệnh 68 tuổi không hề biết rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông gắn bó với Trường Sa và DK1. Ông mất vài tháng sau đó tại Quân y viện 108.

5UCNSMEr.jpgPhóng to

Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh 1977-1980 và 1984-1990

Từ trưởng ga Diêu Trì đến tư lệnh Trường Sa

"Thật sự mà nói nếu không có tầm nhìn và sự quyết đoán trong hành động của đô đốc Giáp Văn Cương, Trường Sa có thể khó khăn hơn bây giờ, không toàn vẹn như vậy giờ"

Ở Đà Nẵng có một con đường dài 720m mang tên Giáp Văn Cương. Tên đường này mới được đặt cách đây chưa đầy sáu tháng, nên không phải nhiều người ở thành phố này biết lắm về con đường và con người mang tên ấy.

Đó là quê hương ông? Nhiều người tưởng vậy. Nhưng không phải, Quảng Nam - Đà Nẵng là quê hương của anh hùng Nguyễn Bá Phát, vị tư lệnh đầu tiên của quân chủng hải quân và cũng là quê hương của anh hùng “đoàn tàu không số” Nguyễn Phan Vinh.

Quê Giáp Văn Cương ở tận Bắc Giang, nhưng phần lớn cuộc đời ông lại gắn bó cùng miền Trung.

Năm 1942, khi vừa 21 tuổi, Giáp Văn Cương lưu lạc vào Bình Định, làm công chức ngành hỏa xa, rồi vài năm sau trở thành trưởng ga Diêu Trì. Năm 1945, ông bí mật gia nhập Việt Minh và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương. Kể từ đấy người trưởng ga Diêu Trì như đã bước lên con tàu trường chinh kháng chiến, gắn chặt đời mình với khói lửa trận mạc cùng bao nỗi bi hùng của đất nước.

“Dù có đến bốn đứa con nhưng thật sự vợ chồng gần nhau có bao năm đâu! - bà Nguyễn Thị Chắt, vợ ông, nói - Cưới năm trước là năm sau ông ấy đi luôn, đi biền biệt. Thi thoảng xong một chiến dịch ông ấy về thăm vài hôm rồi lại đi. Cứ như thế mấy mươi năm trời. Khi được gần nhau thì đã già rồi”.

Sống mãi trong lòng đồng đội

... Những người lính trẻ ở Trường Sa và DK1 hơn 20 năm về trước hẳn sẽ nhớ mãi hình ảnh vị tướng già mặc quần đùi đu lên nhà giàn quá đơn sơ lúc ấy để kiểm tra độ an toàn cho chiến sĩ, sẽ nhớ mãi vị tư lệnh 68 tuổi chào cờ cùng anh em và xắn quần lặn lội để kiểm tra việc gia cố cho đảo chìm.

Ít người biết ông chỉ còn 1/3 dạ dày sau ca mổ năm 1980 và đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo.

Và nhiều kỷ niệm khác về Giáp Văn Cương đã được các cựu binh hải quân nhắc lại tại đám giỗ lần thứ 20 của ông vào tháng 4 vừa rồi. Đám giỗ đơn sơ ấy được tổ chức trong một ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm xe hơi không vào được ở P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Thắp nén hương cho người chỉ huy cũ, đại tá Nguyễn Văn Hiến, nguyên trưởng phòng cán bộ quân chủng hải quân, nêu một tâm nguyện: “Anh em hải quân chúng tôi từ lâu đã đề xuất đặt tên Giáp Văn Cương cho một điểm đảo nào đó ở Trường Sa, như ghi nhận công lao to lớn của ông trong việc bảo vệ chủ quyền Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Ông xứng đáng được ghi công như vậy”.

Thiếu tướng Lê Kế Lâm (nguyên tham mưu phó tác chiến quân chủng hải quân)

Mà ông có đi đâu xa, mấy mươi năm trời ấy cứ vẫn lăn lộn sinh tử khắp các chiến trường ác liệt miền Trung. Từ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 19 Ba Tơ, trung đoàn trưởng trung đoàn 96 với những chiến công đánh Pháp đáng ghi vào sử sách, Giáp Văn Cương tập kết ra Bắc rồi quay lại miền Trung năm 1964 để tiếp tục đánh Mỹ.

Ông lần lượt giữ các chức vụ: sư đoàn trưởng sư đoàn 324, sư đoàn 3 rồi sư đoàn 2, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng mặt trận Quảng - Đà. Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN.

Từ lính bộ binh đầy kinh nghiệm trận mạc núi rừng, con tàu chinh chiến đã đưa ông ra biển và ga cuối là Trường Sa. Nhắc đến Giáp Văn Cương là nhắc đến Trường Sa và DK1. Nhiều người gọi ông là “vị tướng của Trường Sa” hay “tư lệnh Trường Sa 1988”.

“Đúng, ông ấy là người có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền VN ở quần đảo Trường Sa - đại tá Nguyễn Trương, nguyên chánh văn phòng Bộ tư lệnh Hải quân kiêm bí thư đô đốc, khẳng định - Trong chín năm làm tư lệnh hải quân, không năm nào ông không ra Trường Sa, có năm đi nhiều lần”.

Vậy cho nên có người đã “tổng kết” rằng Giáp Văn Cương là vị tướng giữ kỷ lục ra Trường Sa công tác liên tục và nhiều nhất cho đến nay.

“Không những vậy - thiếu tướng Lê Kế Lâm, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, nói thêm - tư lệnh Giáp Văn Cương còn yêu cầu các vị chỉ huy hải quân dưới quyền phải lần lượt ra Trường Sa để biết Trường Sa là như thế nào, để hiểu anh em ngoài đó sống và đương đầu cùng sóng gió ra sao”.

Năm 1984, do tình hình biển Đông có nhiều “diễn biến lạ”, tướng Giáp Văn Cương được Bộ Quốc phòng điều động về làm tư lệnh hải quân lần thứ hai (lần đầu từ năm 1977-1980). Và trên cương vị mới ông dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân VN”.

Do vậy, trong hai năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Đảng ủy quân sự trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền VN ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Kế hoạch đó được chấp thuận. Ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân dân VN đang đồn trú và sinh sống bao đời nay.

Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền VN nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu “kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi”.

Sao lại ủi bãi? Đại tá hải quân Nguyễn Trương giải thích: “Là cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở điểm đảo đó để khẳng định chủ quyền và chờ quân ra tiếp viện.

Đó là một quyết định táo bạo vì một con tàu vào những năm khó khăn ấy là một tài sản lớn. Để tàu chìm là bị kỷ luật nặng, nhưng ông dám làm vậy vì ông coi chủ quyền lớn hơn tất cả. Mọi sự chậm trễ là có tội với tổ tiên và con cháu sau này”.

Và chính từ mệnh lệnh này, vào tháng 3-1988, con tàu HQ 505 anh hùng đã lao nhanh giữa những làn đạn đại bác, ủi thẳng lên đảo Cô-Lin thuộc chủ quyền VN, trước khi quân địch đổ bộ chiếm đảo.

Tàu hỏng nặng, bốc cháy, nhưng nó trở thành cột mốc chủ quyền và cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đảo Cô-Lin thân yêu cho đến ngày nay.

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên