Giáo viên cần những “cú hích”

PHẠM ĐƯỢC
PHẠM ĐƯỢC

TTO - Hiện giáo viên đang chịu nhiều áp lực khiến họ mệt mỏi, nhiệt huyết giảm. Áp lực từ phụ huynh, nhà trường và từ chính cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong đó áp lực lớn nhất là “bệnh thành tích”. T

Minh họa DAD

Trong các báo cáo tổng kết, các hội nghị thi đua, người ta vẫn nêu bật yếu tố bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh lên lớp... Thành tích gắn liền với danh hiệu thi đua, với việc tăng lương trước thời hạn, với tiền thưởng.

Còn không có thành tích sẽ có nguy cơ bị chuyển đi vùng sâu, vùng xa, là mang tiếng yếu chuyên môn. Từ nguồn gốc sâu xa đó, giáo viên luôn cảm thấy bức bách, nhất là khi học trò mất trật tự và quấy phá trong lớp học, không nghe thầy giảng bài, không học thuộc bài...

Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ lãnh đạo khó tính hay bắt lỗi, nạt nộ giáo viên. Không ít hiệu trưởng trở thành nỗi ám ảnh đối với giáo viên.

Đặc biệt, ở các trường mầm non và cấp I, hiệu trưởng giống như vua một cõi, muốn làm gì thì làm. Rồi áp lực từ thanh tra, dự giờ. Mỗi đợt có thanh tra, dự giờ là giáo viên lo đến mất ăn mất ngủ.

Gần đây trên mạng lan truyền bức ảnh đông đảo thầy cô đứng xếp hàng dự giờ, khiến không khí căng thẳng, đến học sinh còn mệt mỏi chứ đừng nói là giáo viên đứng lớp!

Chưa hết, bây giờ, ngay cả lời nhắc nhở hơi lớn tiếng cũng được gọi là bạo hành tinh thần học sinh. Chỉ một lời phê thật lòng trên bài làm cũng bị dư luận mang ra mổ xẻ; hay chỉ cần một chút sơ suất không kiềm chế hành động, thì với tốc độ lan truyền của mạng xã hội hiện nay, thầy cô bỗng chốc trở thành người có lỗi...

Đã thế, hết thông tư này đến nghị định nọ quy định về thái độ, hành vi ứng xử của giáo viên với học sinh trong nhà trường lần lượt ra đời, dường như tước hết quyền của giáo viên. Họ chỉ còn có mỗi quyền... im lặng!

Theo nhiều nhà giáo tâm huyết, tạo cảm hứng, động lực cho giáo viên làm việc quan trọng hơn nhiều so với ép họ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Đơn cử như mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 35/2015 hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng.

Theo đó, giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được một học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh được tính là sáng kiến kinh nghiệm để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Cũng theo thông tư này, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên... sẽ được tính sáng kiến kinh nghiệm.

Đây là thông tư ghi nhận thành tích, đóng góp của giáo viên, tạo nhiều hứng khởi cho giáo giới. Tiếc rằng những thông tư, nghị định vì quyền lợi của giáo viên còn quá ít.

Do đó, thay vì ban hành các thông tư, nghị định về những điều cấm giáo viên không được làm, hay buộc phải làm khiến họ chán nản, mệt mỏi, tìm cách đối phó... thì hãy đưa ra các chính sách tạo cảm hứng, động lực cho giáo viên làm việc, phấn đấu.

Đó mới là cái gốc của vấn đề, là “cú hích” cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

PHẠM ĐƯỢC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên