11/10/2021 20:29 GMT+7

Giáo sư Howard Gardner: Học sinh khó sáng tạo nếu không được đề cao tố chất này

VĂN KHOA
VĂN KHOA

TTO - Tại hội nghị thường niên 'Symphony of the Mind' (Bản hòa ca của trí tuệ) do Embassy Education vừa tổ chức, giáo sư Howard Gardner (Đại học Harvard) đã nói về môi trường sáng tạo cho trẻ em.

Giáo sư Howard Gardner: Học sinh khó sáng tạo nếu không được đề cao tố chất này - Ảnh 1.

GS Gardner (trái) trò chuyện trong hội nghị Symphony of the Mind - Ảnh chụp màn hình

GS Howard Gardner cho rằng sáng tạo có thể là những phát minh lớn lao hay chỉ nhỏ nhặt như việc trẻ vẽ nguệch ngoạc lên cánh tủ lạnh. Ngoài ra, sáng tạo không chỉ gắn với nghệ thuật mà còn có trong nhiều hoạt động trí tuệ và thể chất khác.

Theo ông, yếu tố cốt lõi để có được sự sáng tạo là một môi trường nuôi dưỡng cho những điều mới mẻ. Ngược lại, nếu ở nơi mà bất cứ khi nào làm điều gì đó mới lạ bạn đều nhận phải sự phản đối kịch liệt, thì chắc chắn khó có sự sáng tạo.

Với học sinh, các em sẽ khó lòng sáng tạo nếu phụ huynh và giáo viên không thật sự đề cao tố chất này. Tương tự, nếu ở trường và ở nhà, các em liên tục bị khẽ tay khi làm sai hoặc khi thử những cái mới, chúng cũng không thể nào phát huy tính sáng tạo.

Giới hạn bản thân trong những khuôn mẫu là một rào cản khác. Bạn chuyên về các môn khoa học, kỹ thuật không có nghĩa bạn không được phép đặt câu hỏi và tìm hiểu sâu hơn về các ngành kinh tế, xã hội… 

GS Howard Gardner cho rằng ngoài môi trường nuôi dưỡng cho những điều mới mẻ, khi bồi dưỡng sự sáng tạo cho học sinh rất cần cân bằng giữa cái "tôi" và cái "ta". Trong trường học, trẻ sẽ không thể phát huy các sáng kiến mới nếu thiếu đi bạn bè và thầy cô cũng năng động và có tinh thần trách nhiệm cao.

Sự sáng tạo nên đi liền với trách nhiệm xã hội. GS Howard Gardner cho rằng việc học không chỉ đơn giản là việc ngồi trên ghế nhà trường mười mấy, hai mươi năm chỉ để có công việc tốt, mà còn để theo đuổi những mục đích vì xã hội. 

"Một nền giáo dục tiến bộ là nơi trí tuệ cá nhân được phát triển một cách tự do, kết hợp với ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh đối với cộng đồng, xã hội và thế giới xung quanh", ông Gardner nói.

GS Howard Gardner là cha đẻ của thuyết đa trí thông minh. Theo ông, có thể phân chia thông minh ra gồm 7 loại, bao gồm: trí thông minh ngôn ngữ, logic toán học, hình ảnh không gian, âm nhạc, vận động thể chất, tương tác cá nhân, nội tâm.

Theo đó, con người luôn có tiềm năng ở những lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, những đứa trẻ nên được trân trọng và nâng niu với từng thế mạnh của mình, thay vì chỉ đánh giá độ thông minh của chúng thông qua khía cạnh phát triển ngôn ngữ hay khả năng toán học.

"Cuộc đời không công bằng với tất cả. Một số người có sẵn tiềm năng lớn hơn về mặt di truyền để trở thành nhà soạn nhạc, vận động viên, nhà vật lý hoặc nhà thơ. Nhưng nhìn chung, bất kỳ ai cũng có thể cải thiện trí thông minh của mình nếu họ được truyền động lực, được giáo dục tốt, hoặc nếu đó là điều xã hội đang quan tâm", GS Gardner chia sẻ.

Hội nghị "Symphony of the Mind" diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-10 bằng hình thức trực tuyến, quy tụ nhiều nhà giáo dục nổi tiếng như GS Howard Gardner, GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Thanh Vân, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh... Hàng ngàn phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục trên cả nước đã đón theo dõi sự kiện.

Thủ thư Việt ở Harvard Thủ thư Việt ở Harvard

TTO - Quản lý điều hành phông lưu trữ Việt Nam tại thư viện Harvard Yenching (ĐH Harvard, Mỹ) là một người phụ nữ Việt Nam, cô Phan Thị Ngọc Chấn.

VĂN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên