Cô Phan Thị Ngọc Chấn tại văn phòng làm việc ở Viện Harvard Yenching, ĐH Harvard (Mỹ) - Ảnh: BÙI VIỆT THÀNH
Sau khi tốt nghiệp ĐH Emmanuel (Mỹ), cô Ngọc Chấn tiếp nhận xây dựng bộ phông lưu trữ Việt Nam phục vụ nghiên cứu giảng dạy cho ĐH Harvard từ năm 1974.
Từ công việc bán thời gian tại thư viện, ĐH Harvard đã bổ nhiệm cô Ngọc Chấn chính thức phụ trách phông Việt Nam cho thư viện Harvard Yenching (HYLb) của đại học danh tiếng này.
30.000 tài liệu về Việt Nam
Với nỗ lực bền bỉ sau hơn 40 năm làm việc tại HYLb, cùng sự hỗ trợ của mạng lưới cộng tác viên, nhà xuất bản ở Việt Nam, cô Ngọc Chấn đã bổ sung nguồn tài liệu Việt Nam cần thiết.
Với 30.000 tài liệu cập nhật liên tục từ năm 1965 đến nay, đặc biệt các tạp chí Cộng Sản, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tạp chí Lịch Sử Quân Sự Việt Nam... được lưu trữ qua từng năm và đóng tập phục vụ nghiên cứu Việt Nam học.
Cô Ngọc Chấn kể cô luôn nắm tình hình nghiên cứu tại Việt Nam, những nghiên cứu về Việt Nam đương đại được công bố mới nhất để xây dựng phông lưu trữ. "Có thông tin về tư liệu có giá trị lớn từ Việt Nam, tôi đề xuất HYLb mua lại.
Như bộ hồ sơ vụ án 18 thôn vườn trầu, giá tiền hơn 1.000 USD từ bộ sưu tập cá nhân tại Việt Nam, mang về Mỹ phải tốn thêm 6 tháng xử lý nấm mốc...
Việc bổ sung tư liệu kịp thời giúp cho người đọc tiếp cận các dữ liệu mới, hữu ích cho các học giả, thực tập sinh đến HYLb hằng năm" - cô Ngọc Chấn kể.
Hiện phông lưu trữ Việt Nam tại Viện Harvard Yenching ngoài sách, báo tiếng Việt thì còn tài liệu Hán - Nôm được lưu giữ cẩn thận. Khối ngành khoa học xã hội - nhân văn khá nhiều, nhất là lịch sử và văn học.
Các bộ sách, tạp chí quý của Việt Nam được lưu trữ. Một số tài liệu quý như hồ sơ vụ án 18 thôn vườn trầu (năm 1886), Phép giảng tám ngày (1651).
Hồ sơ lịch sử tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887, Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản do các nước Đồng minh ký với Nhật Bản tại San Francisco (1951), vụ đắm tàu Bellona của Đức (1895) và vụ đắm tàu Imeji Maru của Nhật Bản (1896) ở gần quần đảo Hoàng Sa; tư liệu về thời kỳ người Nhật chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa trong Thế chiến II được bảo quản kỹ lưỡng.
Ngoài ra, HYLb nổi bật với kho vi phim về văn khố hoàng gia triều Nguyễn; tư liệu các tờ báo thường kỳ bằng tiếng Việt những năm 1920-1930. Bộ sưu tập Hán-Nôm về lịch sử, Phật giáo, pháp luật, chính trị Việt Nam đều lưu trữ, hỗ trợ người nghiên cứu tiếp cận dễ dàng.
Hỗ trợ nghiên cứu về Việt Nam
Giới nghiên cứu Việt Nam học khó nắm hết 30.000 tài liệu trong bể thông tin đồ sộ này thì tốt nhất đến gặp cô Ngọc Chấn. Cô sẽ tư vấn giúp việc thu thập dữ liệu nhanh hơn, một công việc cực kỳ quan trọng trong học tập, nghiên cứu của nhà khoa học chuyên nghiệp.
Nhiều sinh viên và nhà nghiên cứu Việt Nam nhận được sự tư vấn hữu ích của cô Ngọc Chấn khi tham gia vào các chương trình học tập của HYI và ĐH Harvard. "Bởi đơn giản, Việt Nam là quê hương nên tiếng Việt vang lên trong phông lưu trữ Việt Nam làm tôi trở nên vui hơn" - cô bảo vậy.
Khi hay tin có người Việt nhận học bổng HYI để sang nghiên cứu, cô đều mong ngóng, hỏi thăm từng ngày. Khi tôi gặp, cô say sưa nói về công việc của mình, nhắc đến những cái tên đến từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) như GS.TS Võ Văn Sen, cố PGS.TS Nguyễn Văn Tài; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ.
TS Trần Đức Anh Sơn từ Đà Nẵng có lần đến thư viện HYLb tìm kiếm tư liệu về Hoàng Sa, cô đã giúp tiếp cận các tư liệu chủ quyền biển đảo Việt Nam trên nước Mỹ.
Cùng với chồng - nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà thơ Nguyễn Bá Chung làm việc tại Đại học Massachusetts, cô luôn mời đồng hương mới sang đến nhà dùng bữa cơm Việt đầm ấm, trong không gian đậm chất Việt ở ngôi nhà của mình.
"Bản thân tôi tự xem có một trách nhiệm, một tình yêu cho quê hương nên tự tay nấu cơm mời các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam đến nhà trong các chuyến công tác tại Mỹ.
Cùng với các cộng sự, tôi tổ chức các buổi nói chuyện giữa các nhà nghiên cứu Mỹ, người Việt tại Mỹ với các nhà khoa học trong nước trao đổi học thuật, đưa sinh viên về Việt Nam đi thực tế, góp phần cho sự hiểu biết nhiều hơn về một Việt Nam đương đại" - cô Chấn tâm sự.
Trong cái mênh mông của khoa học, danh tiếng của ĐH Harvard thì cô Ngọc Chấn vẫn cần mẫn xây dựng phông tư liệu Việt Nam trên nước Mỹ. Đây không chỉ là nơi hỗ trợ các nhà khoa học Mỹ, nhiều nơi khác mà còn nuôi dưỡng các nhà nghiên cứu Việt Nam trẻ trên đất Mỹ.
Báo Tuổi Trẻ ở Harvard
Bộ sưu tập báo Tuổi Trẻ tại thư viện Viện Harvard Yenching, ĐH Harvard (Mỹ) - Ảnh: BÙI VIỆT THÀNH
Hiện HYLb có bộ sưu tập nhật báo Tuổi Trẻ hằng ngày và Tuổi Trẻ Cuối Tuần khá đầy đủ. Báo hằng ngày sẽ được chuyển sang vi phim, còn Tuổi Trẻ Cuối Tuần được đóng thành từng tập phục vụ bạn đọc và lưu trữ.
Bộ sưu tập được xem là nguồn thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa xã hội Việt Nam đương đại cho nghiên cứu. Sinh viên theo học ngôn ngữ, lịch sử văn hóa Việt Nam đều sử dụng báo Tuổi Trẻ để tra cứu thông tin, làm bài luận về Việt Nam đương đại.
Chỗ dựa tinh thần cho học giả, sinh viên người Việt
Tôi gặp cô Chấn vào năm 2007 khi lần đầu đến học tập tại Harvard theo chương trình Harvard-Yenching. Cô chủ động giới thiệu, làm quen rồi hướng dẫn mọi thứ, từ việc học tập, tra cứu dữ liệu cho đến sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Cô ân cần như một người mẹ vậy.
Ngày tết tôi còn được mời đến nhà cô ăn tết nữa. Thời ấy sống xa nhà buồn lắm, nhất là suốt mùa đông lạnh lẽo, hễ có thời gian là chạy vào thư viện Yenching chào hỏi, nói chuyện với cô dăm ba chuyện cho đỡ nhớ nhà. Cô Chấn dáng người gầy gầy, nho nhỏ nhưng trái tim thật bao la và gần gũi.
Cô là chỗ dựa tinh thần của biết bao học giả, sinh viên người Việt khi đến với Harvard, trong đó có tôi. PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (khoa văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận