01/01/2014 07:58 GMT+7

Giao lưu trực tuyến: 10 giờ, 11 vị khách, 2.000 câu hỏi

NHÓM PV TUỔI TRẺ(Mời xem đầy đủ chương trình giao lưu trực tuyến “Gặp gỡ cuối năm) 
NHÓM PV TUỔI TRẺ(Mời xem đầy đủ chương trình giao lưu trực tuyến “Gặp gỡ cuối năm) 

TT - Lần đầu tiên Tuổi Trẻ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “marathon” kéo dài hơn 10 giờ, khép lại một năm 2013 nhiều biến động, mở ra năm mới 2014 với thách thức đan xen cơ hội.

l4f6mZcm.jpgPhóng to
Những điểm nóng, những vấn đề hóc búa, những băn khoăn, suy tư của bạn đọc đã được chính họ đặt ra trước màn hình của 11 vị khách mời.
Video clip gioi thieu chuong trinh
lATMNq4v.jpgPhóng to
Các khách mời giao lưu với bạn đọc tại tòa soạn Tuổi Trẻ ngày 31-12 - Ảnh: T.Thắng

Tham gia cuộc giao lưu trực tuyến kỷ lục diễn ra đúng vào ngày cuối cùng của năm gồm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, luật sư Trương Trọng Nghĩa, doanh nhân Võ Quốc Thắng, PGS Văn Như Cương, TS Nguyễn Thị Hậu, ThS Lâm Đình Thắng, nhạc sĩ Dương Thụ, nghệ sĩ Thái Hòa và cầu thủ Công Vinh - ca sĩ Thủy Tiên.

eSPGhyWJ.jpg
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Thuận Thắng

Sợ bị “xử” thì không thể tròn trách nhiệm

Ngay từ 8g sáng 31-12, chương trình giao lưu trực tuyến “Gặp gỡ cuối năm” đã “nóng” với những câu hỏi đầu tiên của bạn đọc gửi đến vị khách mời đầu tiên: đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa.

Bạn đọc Nguyễn Kiến Phước, 70 tuổi, hỏi thẳng: “Ông có “ngán” các nhóm lợi ích sẽ “xử đẹp” ông không khi ông nói phải coi Hiến pháp là tối thượng?”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa trả lời rằng bản thân ông là một công dân và là một đại biểu Quốc hội. “Nếu tôi bị các nhóm lợi ích “xử đẹp” khi thực hiện các quyền công dân và trách nhiệm đại biểu của mình thì người dân bình thường làm sao bảo vệ được quyền lợi của mình. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng”- ông Nghĩa nói.

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc Dũng Anh, 34 tuổi, về những điều tâm đắc và thất vọng sau kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ông Nghĩa cho biết điều ông tâm đắc nhất là việc góp ý xây dựng Hiến pháp đã được cởi mở, thẳng thắn và công khai so với các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây. “Nhưng điều tôi thất vọng nhất là mong muốn có sự cải cách mạnh mẽ hơn về chính trị, kinh tế, xã hội trong Hiến pháp sửa đổi, nhưng đã không được chấp nhận vì tôi là thiểu số”- ông Nghĩa chia sẻ.

Bạn đọc Duy Trúc, 20 tuổi, thắc mắc trong vụ cướp chặt tay cô gái chạy xe SH, hung thủ không giết người nhưng tại sao lại bị án tử hình?

Dưới góc độ một luật sư, ông Nghĩa giải thích: “Pháp luật hình sự VN và nhiều nước trên thế giới không theo nguyên tắc trả thù mạng đền mạng, cho nên có những hung thủ giết người, thậm chí giết không chỉ một người nhưng vẫn không bị tử hình. Việc kết án tử hình một phạm nhân là dựa vào sự cần thiết do luật định và yêu cầu cụ thể của vụ án. Nó phải có những căn cứ và luận cứ xác đáng, hợp lý, hợp pháp”.

Bạn đọc Lê Phước Hồng Việt, 31 tuổi, băn khoăn khi vừa qua có rất nhiều vụ dân phòng lạm quyền để hành hung người dân.

Ông Trương Trọng Nghĩa chia sẻ với băn khoăn này và cho rằng tình trạng các nhân viên công quyền lạm quyền bức hiếp, hành hung người dân cho thấy những yếu kém về năng lực và đạo đức công vụ. Đây là điều đáng báo động và phải có những giải pháp triệt để nhằm khắc phục. Những hành vi như vậy là sự bôi xấu và xem thường Hiến pháp. Những kẻ vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm thì mới có tác dụng răn đe.

Ông Nghĩa đồng ý với bạn đọc Thy Nga, 36 tuổi, rằng vụ bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, chính quyền Q.Thủ Đức nói sẽ xét xử lưu động các bảo mẫu là đã bị dư luận chi phối.

Theo ông, phải lường hết các tác động nhiều chiều của biện pháp này. Việc xét xử để có tác dụng giáo dục và răn đe thì cũng phải chú ý và tôn trọng ý kiến của đa số nhân dân. Nhưng cũng không nên vì vậy mà bị dư luận chi phối hay xử theo dư luận.

Ông Nghĩa hứa sẽ chuyển câu hỏi này đến những người có trách nhiệm ở Tòa án nhân dân TP.HCM và Tòa án nhân dân Q.Thủ Đức để họ xem xét kỹ hơn.

5QJlv7Xu.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: Thuận Thắng

Ba trăn trở

Dù kế hoạch giao lưu trực tuyến cuối năm với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ có một giờ nhưng bộ trưởng đã dành cho bạn đọc Tuổi Trẻ gấp đôi thời gian này.

Trong hơn 400 câu hỏi được bạn đọc cả nước gửi về, có nhiều câu hỏi của chính CB-CNV ngành y tế.

Những câu hỏi bạn đọc gửi đến bộ trưởng có đầy đủ các cung bậc cảm xúc, có tất cả những vấn đề còn ngổn ngang của ngành y tế, có những câu hỏi chia sẻ, đồng cảm với bộ trưởng trong quản lý, nhưng cũng có rất nhiều câu hỏi chất vấn, trách móc và cả những đòi hỏi, kiến nghị... đến bộ trưởng.

Những vấn đề bạn đọc quan tâm nhiều nhất là quá tải bệnh viện; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở; những vụ việc tai tiếng gần đây của ngành y tế như vụ phi tang xác khách hàng của bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường - Hà Nội, vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức...; tai biến y khoa, đặc biệt là tai biến sau tiêm văcxin Quinvaxem; vấn đề giao tiếp ứng xử, y đức người thầy thuốc (bác sĩ kê đơn thuốc nhận hoa hồng của hãng dược, nhận phong bì lót tay của người bệnh, khám bệnh theo kiểu xin - cho); thu nhập và đời sống của cán bộ y tế...

Bên lề buổi giao lưu trực tuyến, trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ: “Trong rất nhiều vấn đề ngổn ngang của ngành y tế, điều gì khiến bộ trưởng trăn trở nhất, luôn canh cánh trong lòng là mình còn nợ người bệnh, người dân nhiều năm qua chưa giải quyết được?”, bộ trưởng nói không chỉ một mà có đến ba điều khiến bà luôn trăn trở. Thứ nhất là quá tải bệnh viện. “Tôi rất thương người dân khi đi khám chữa bệnh. Trách nhiệm của người đứng đầu luôn làm tôi trăn trở nhưng giải quyết được điều này cần có sự đầu tư của cả xã hội, của cả nước” - bộ trưởng bày tỏ.

Thứ hai là thái độ của cán bộ y tế. Bộ trưởng khẳng định: “Khám chữa bệnh không thể theo cơ chế xin - cho. Phải lấy bệnh nhân làm trung tâm. Phải thấy không có bệnh nhân thì không có thầy thuốc. Phải thay đổi hình ảnh xin - cho ấy đi, không thể để như thế được. Đấy là văn minh, là nhân cách, đạo đức của thầy thuốc chứ không thể hô hào đạo đức suông”.

Thứ ba là tài chính y tế phải đổi mới toàn diện và hội nhập. Trong đó, phải tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. “Đó là mơ ước, khát khao cháy bỏng của ngành y tế và bản thân tôi. Thực hiện được điều này thì chất lượng y tế mới đảm bảo và đây là giải pháp căn cơ nhất. Khi thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân thì giá dịch vụ y tế có tăng người bệnh vẫn không bị ảnh hưởng mà còn được đảm bảo quyền lợi khi khám chữa bệnh tốt nhất do đã có bảo hiểm y tế chi trả” - bộ trưởng nhấn mạnh.

w8QPh1nA.jpg

PGS Văn Như Cương - Ảnh: Nguyễn Khánh

Dạy thật - học thật

Có tới gần nửa số câu hỏi dành cho PGS Văn Như Cương đề cập tới đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có những ý kiến thể hiện sự thiếu tin tưởng, thất vọng khi nhìn vào bất cập hiện tại của giáo dục.

Chia sẻ về những bất cập của hiện tại và tương lai thực hiện đề án đổi mới, PGS Cương cho biết sự trì trệ của giáo dục nước nhà không phải vì ta thiếu người tài giỏi, mà do ngành GD-ĐT ngại đổi mới, không muốn đổi mới và chưa biết cách đổi mới.

“Tôi nghĩ đối với giáo dục nên đề cao khẩu hiệu “dạy thật, học thật”. Trước kia Bác Hồ dạy phải “dạy tốt, học tốt”. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải “dạy thật, học thật” trước đã” - PGS Văn Như Cương nói.

PGS Văn Như Cương cũng chia sẻ ý kiến của đông đảo bạn đọc trong việc cần phải chăm lo, cải thiện thật sự đời sống nhà giáo, xem đây là giải pháp quan trọng trong việc ngăn chặn tiêu cực trong giáo giới. Nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể hi vọng có nhiều tiền rót cho giáo dục khi 20% ngân sách đã dành cho giáo dục. Muốn tăng kinh phí cho giáo dục, có kinh phí cải thiện đời sống nhà giáo thì chỉ còn cách chống tham nhũng, lãng phí”.

PGS đặc biệt quan tâm tới những câu hỏi của các bạn trẻ thể hiện sự trăn trở trước những bất cập của giáo dục. Ông nhấn mạnh việc giáo dục “làm người” cần được quan tâm hơn, quan tâm đúng cách và quan tâm một cách thực chất trong thời gian tới. Nói về căn bệnh “vô cảm” hiện nay, nhất là trong giới trẻ, ông cho rằng rất cần những hoạt động có ích, những việc làm thiết thực được khởi xướng, cần những tấm gương có thể khiến nhiều người rung động và tự nguyện làm theo. Và hơn hết người lớn phải là tấm gương về lối sống, sự nỗ lực học tập, làm việc cho trẻ con, thế hệ trước là tấm gương cho thế hệ sau, thầy cô giáo là tấm gương cho học sinh.

U3zpEAJn.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến Ảnh: Nguyễn Khánh

Trồng lúa và nhổ cỏ dại

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến giữ cương vị phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, nhưng điều thú vị là phần lớn trong mấy chục câu hỏi gửi tới ông đều xoay quanh chủ đề chống tham nhũng.

Chia sẻ về chủ đề này, ông nói: “Đây là vấn đề bức xúc và nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Tôi rất cảm động trước nhiều câu hỏi rất hay, rất tâm huyết, từ đáy lòng của cử tri ở nhiều lứa tuổi khác nhau gửi đến cho mình. Qua báo Tuổi Trẻ, tôi xin gửi lời cảm ơn đến cử tri, bạn đọc đã tin tưởng tôi và tôi rất xúc động khi có bạn đọc gọi tôi là ông đại biểu chống tham nhũng”.

“Cháu có một thắc mắc mong bác giải đáp: tham nhũng ở VN đang ở mức nào và muốn phòng chống tham nhũng thì phải làm từ đâu, từ trên xuống hay từ dưới lên, và có nhất thiết phải hi sinh cả một thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu cho lớp cán bộ mới hay không?” - bạn Phạm Đức Toàn, 20 tuổi, sinh viên Học viện Hành chính, hỏi.

Ông Tiến trả lời: “Theo điều tra của một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập ở nước ngoài thì VN là một trong những nước có tình trạng tham nhũng cao trên thế giới. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta mới xác định đây là quốc nạn cần phải kiên quyết phòng và chống. Bác nghĩ chúng ta phòng chống tham nhũng không phải là hi sinh cả một thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu mà là để loại bỏ những con sâu mọt ra khỏi bộ máy. Trong bộ máy công quyền của chúng ta còn có rất nhiều người tốt, hết lòng vì nước vì dân, nếu không như thế thì không thể có một xã hội ngày càng phát triển như hiện nay. Cũng như trong một ruộng lúa thì bao giờ cũng có cỏ dại, vấn đề là chúng ta phải nhổ cỏ dại để lúa tốt hơn”.

Bác Lê Hải, bạn đọc 70 tuổi, thẳng thắn đặt câu hỏi: “Thưa đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, là một cử tri tôi luôn quan tâm và theo dõi những lời hứa của các tư lệnh ngành, đặc biệt là chờ đợi câu trả lời của Thủ tướng khi đại biểu chất vấn Thủ tướng về xử lý quốc nạn tham nhũng. Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt? Sao chưa thấy Thủ tướng trả lời? Tôi hi vọng và chờ đợi Thủ tướng trả lời. Ông có hi vọng không?”. Ông Lê Như Tiến đáp: Trong phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi có chất vấn Thủ tướng vấn đề như bác nêu. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp câu hỏi này, mà hứa sẽ trả lời bằng văn bản và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đến nay, tôi chưa nhận được văn bản trả lời của Thủ tướng và cũng chưa thấy câu trả lời trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Tôi hi vọng rằng Thủ tướng sẽ sớm trả lời câu hỏi của tôi và đó cũng là mong đợi của nhiều cử tri như bác.

mhldICmC.jpgPhóng to

ThS Lâm Đình Thắng Ảnh: Thuận Thắng

ThS LÂM ĐÌNH THẮNG (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM):

Nếu Đoàn “làm màu”, sẽ không có những chương trình ý nghĩa

* Vai trò của tổ chức Đoàn, ý nghĩa của việc vào Đoàn ở trường THPT đang trở thành một vấn đề khi ai cũng có thể vào Đoàn. Dù cố gắng nhìn nhận ưu điểm, nhưng theo tôi, Đoàn chỉ là một tổ chức hình thức và “làm màu”, thiếu thực tế với học sinh. Anh nghĩ sao về điều ấy?

- Chào bạn, tôi không nghĩ rằng ai cũng có thể vào Đoàn. Để được kết nạp Đoàn, các bạn phải thật sự là những thanh niên có phẩm chất và có quá trình học tập, rèn luyện tốt. Có thể tại trường bạn học, cách tiếp cận của các anh chị trong Đoàn trường chưa hiệu quả nên bạn có cảm nhận chưa tốt về Đoàn.

Đoàn các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đang tổ chức những chương trình có ý nghĩa như “Khi tôi 18” - giúp các bạn chuẩn bị hành trang khi tốt nghiệp THPT, “Thắp sáng ước mơ” - giúp các bạn xây dựng và kiên trì với ước mơ tốt đẹp của mình, hoặc chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” - giúp các bạn có một mùa hè bổ ích khi vừa được rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm vừa giúp đỡ được cộng đồng.

Tôi cho rằng nếu tổ chức Đoàn “làm màu” như bạn nói thì không thể có những chương trình như thế được. Nếu có dịp, xin mời bạn đến Thành đoàn, tôi sẽ giới thiệu bạn tham gia một số chương trình dành cho học sinh THPT rất hay và có ý nghĩa.

* Làm công tác Đoàn, thanh niên, bạn đặt trọng tâm vào vấn đề gì? Bạn có chú trọng việc tạo dựng lý tưởng, quan điểm, nhân cách, lối sống cho thanh niên không và tạo dựng bằng cách nào?

- Tôi quan tâm nhất đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho thanh thiếu nhi. Theo tôi, giữa nhân cách và tài năng, khi có nhân cách thì con người sẽ rèn luyện mình để có tài năng. Đây là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu của tổ chức Đoàn TP. Thành đoàn thực hiện bằng cách tổ chức những hoạt động có định hướng tốt, trong đó người tham gia được phát huy khả năng, được cống hiến, được trải nghiệm, được hướng dẫn để rèn luyện bản thân mình một cách đúng đắn.

H6rMdM04.jpgPhóng toTừ trái qua phải: TS NGUYỄN THỊ HẬU, Ông VÕ QUỐC THẮNG, Diễn viên THÁI HÒA - Ảnh: Thuận Thắng

"Quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa ở VN hiện nay là tất yếu. TP.HCM cũng không nằm ngoài quá trình này. Hiện nay và trong vài năm sắp tới, TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy từ sự phát triển “rất nóng” dưới tác động của sự gia tăng dân số cơ học, dễ thấy nhất là sự quá tải của hạ tầng đô thị"

"Con người làm gì cũng phải nghĩ đến ba chữ: Tâm - Kiên - Khiêm. Khi bắt đầu thì xuất phát từ cái tâm trong sáng. Dù khó khăn đến đâu cũng phải kiên nhẫn vượt qua. Con người không ai giỏi tất cả, vì vậy cần phải khiêm tốn để học hỏi"

"Những phim truyền hình VN thời gian qua không có ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân thì nhiều, từ việc đạo diễn có thể là một anh ở đâu đó không khả năng vẫn được mời làm... đạo diễn. Rồi một người nào đó không là diễn viên, không có khả năng cũng được giao... vai chính"

tBNZD9iP.jpg
Từ trái qua phải: Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ , Vợ chồng ca sĩ THỦY TIÊN và cầu thủ CÔNG VINH - Ảnh: Thuận Thắng

"Muốn trở thành một ca sĩ thật sự, ngoài giọng hát, trình độ âm nhạc, văn hóa nền tốt, còn phải có điều gì để mà hát. Tố chất là không đủ, phải có đời sống nội tâm sâu sắc, còn không thì vẫn có thể hành nghề, thậm chí kiếm tiền tốt và trở thành “ngôi sao” như hiện nay, nhưng là ca sĩ thật sự, để chúng ta yêu mến thì không"

"Khi yêu người ta sẽ luôn sợ người mình yêu bị tổn thương nên luôn biết lắng nghe, chia sẻ để những mâu thuẫn bất đồng không xảy ra trong cuộc sống"

"Các cầu thủ U-19 được đào tạo từ nhỏ và rất bài bản, có kỹ thuật cơ bản tốt, phối hợp với nhau ăn ý... Nhưng đừng kỳ vọng cũng như tạo áp lực lên các em quá nhiều, chúng ta cứ chờ và hi vọng, tin tưởng vào các em"

Chương trình kỷ lục

Lần đầu tiên, một chương trình giao lưu trực tuyến kéo dài liên tục trong 10 giờ được tổ chức trên Tuổi Trẻ Online. Hơn 2.000 câu hỏi “hóc búa” đã được bạn đọc gửi đến, trong đó riêng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được hơn 400 câu hỏi về chính sách, kế hoạch của bộ, làm sao để người dân bớt khó khăn, phiền hà khi đi khám chữa bệnh, vấn đề y đức, bác sĩ nhận hoa hồng của trình dược viên... Bộ trưởng đã nán lại gần hai giờ để trả lời các câu hỏi của bạn đọc trong khi thời gian dự kiến chỉ khoảng một tiếng.

Tương tự, các khách mời khác như PGS Văn Như Cương, luật sư Trương Trọng Nghĩa, ThS Lâm Đình Thắng, nghệ sĩ Thái Hòa, TS Nguyễn Thị Hậu... đều dành từ 2-3 giờ để trả lời được nhiều nhất số câu hỏi của bạn đọc.

Phần trả lời của các khách mời đã thu hút một lượng lớn bạn đọc quan tâm theo dõi. Hầu hết các tin bài liên quan đến chương trình đều có lượng bạn đọc theo dõi ở mức cao. Trên mạng xã hội, rất nhiều cư dân mạng cũng chia sẻ, giới thiệu và bày tỏ ý kiến về chương trình.

Đặc biệt, chương trình bất ngờ đón nhận một số bạn đọc lớn tuổi tìm đến tòa soạn Tuổi Trẻ với mong muốn gặp, trao đổi trực tiếp với các vị khách mời. Và một số bạn đọc đã thỏa được nguyện vọng của mình.

Để tổ chức thành công chương trình “kỷ lục” này, Tuổi Trẻ Online đã thực hiện các công việc chuẩn bị trong hơn hai tháng. Rất nhiều nhân sự ở các bộ phận đã được huy động. Các phương tiện kỹ thuật phù hợp cũng được đưa vào sử dụng để phục vụ chương trình. Tất cả chương trình nhằm phục vụ tối đa cho bạn đọc xuyên suốt tất cả các thời điểm trong ngày như chính hoạt động hằng ngày của Tuổi Trẻ Online.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

10 trả lời ấn tượng nhất trong giao lưu liên tục 10 giờGiao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ tại tuoitre.vnThất vọng vì không có cải cách mạnh mẽTôi cũng đang chờ câu trả lời từ Thủ tướng về tham nhũngCông Vinh: "Rất hy vọng U - 19 nhưng đừng tạo áp lực"Di sản "sống" được bao lâu phụ thuộc chính chúng taNhiều người hỏi tôi về việc đầu tư vào KienLongBankKhông phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túiKhông nội tâm, ca sĩ vẫn có thể là "ngôi sao" nhưng...Thái Hòa: "Nổi tiếng nhất", "Vua phòng vé"... nghe sao ảo quáNếu Đoàn "làm màu", sẽ không có những chương trình ý nghĩa"3 Gia Cát Lượng ngồi với nhau thành 1 thợ giầy"

NHÓM PV TUỔI TRẺ(Mời xem đầy đủ chương trình giao lưu trực tuyến “Gặp gỡ cuối năm) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên