Minh họa: DAD |
Thật ra những chuyện này đâu có mới mẻ, nó đã được phản ánh từ cách đây hàng chục năm, với hình ảnh những đứa trẻ học cấp I cõng trên vai chiếc cặp 6-7kg.
Nhưng nó vẫn tiếp tục là đề tài nóng trên báo, trong mọi cuộc trò chuyện của các bậc phụ huynh và cả ngay với những người công tác trong ngành giáo dục.
Nguyên nhân khiến trẻ con Việt học nhiều thì vô số kể. Người thì bảo do phụ huynh ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... chạy đua với nhau quyết liệt nên ép con học điên cuồng. Bởi bây giờ có hiện tượng phụ huynh cứ ngồi lại với nhau là thường hỏi thăm nhau chuyện đưa con đi du học nước ngoài.
Người có tiền thì khỏi nói, ngay người có hoàn cảnh kinh tế chẳng khá giả cũng mong con kiếm một suất học bổng nên ép con trẻ học ngày học đêm. Mà suy cho cùng, cũng đừng trách phụ huynh vì sao quá ham mê chuyện đưa con đi du học. Tôi có mấy người bạn làm công tác quản lý giáo dục và họ bảo rằng ngay cán bộ ở sở, ở bộ cũng đua nhau đưa con đi du học. Người trong ngành còn thế, trách gì phụ huynh!
Rồi cũng có ý kiến bảo rằng chuyện học như điên của học sinh ngày nay là do chương trình mà ra. Cứ nhìn sang các nước tiên tiến mà xem, học sinh chỉ học 5, 6 môn; còn ta hơn gấp đôi thì làm sao không học ngày học đêm!
Hay cũng có ý kiến đổ cho giáo viên ép học sinh học thêm. Nhưng phía giáo viên thì cãi, cho rằng lớp 50 em, chỉ nội chấm bài đã hết giờ, không dạy thêm làm sao trẻ hiểu hết chương trình...
Những chuyện ấy bàn mãi rồi, và cũng chưa thể tìm thấy lối ra. Hôm nay tôi chỉ muốn đưa ra một lát cắt nhỏ để thấy cái sự kỳ lạ của giáo dục nước ta. Tôi có hai đứa cháu, đứa lớn đang học đại học, còn đứa nhỏ đang học lớp 3.
12 năm trước, đứa lớn học lớp 3 chương trình tăng cường tiếng Anh ở một ngôi trường tên tuổi tại quận 1, nơi đứa nhỏ đang học bây giờ.
Riêng món này, mỗi tuần cháu học sáu tiết (học phí 60.000 đồng/tháng). Chỉ cần từng đó thôi, cộng thêm với tự học, bây giờ cháu khá ổn về món này, thể hiện qua việc giao tiếp tốt, đọc được cả những tác phẩm văn học nước ngoài tiếng Anh.
12 năm sau, đứa cháu nhỏ đang học lớp 3, cũng theo chương trình tăng cường tiếng Anh với bốn tiết/tuần (học phí 80.000 đồng/tháng). Nhưng lại thêm hai tiết học giao tiếp với giáo viên nước ngoài (320.000 đồng/tháng) và hai tiết Dynex (học theo phần mềm tự học, 180.000 đồng/tháng). Xét về thời gian là đã tăng thêm hai tiết/tuần. Xét về nội dung học, tăng hơn gấp đôi dựa vào số lượng sách. Chưa kể, học càng nhiều món thì thi, kiểm tra càng nhiều, lại thêm bội phần căng thẳng.
Tôi hỏi nhiều bạn bè là dân quản lý giáo dục tại sao có chuyện lạ lùng như vậy thì được trả lời thế này: hai tiết học Dynex là không bắt buộc. Nhưng phụ huynh cứ thử từ chối đi, biết ngay hậu quả tức thì. Chí ít là xin mời ra khỏi lớp bán trú với lý do rất thuyết phục: “Tất cả đều học, con anh chị sẽ lạc lõng!”. Mà cha mẹ đi làm cả, làm sao rời khỏi lớp bán trú được.
Chỉ mới môn tiếng Anh, có cần phải vẽ vời nhiều thế không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận