05/05/2011 07:25 GMT+7

Giáo dục phải có tính nhân đạo

PGS.TS LƯU TIẾN HIỆP
PGS.TS LƯU TIẾN HIỆP

TT - Đến hẹn lại lên, cứ đến kỳ kết thúc năm học sinh viên lại chạy đôn chạy đáo “săn” chứng chỉ ngoại ngữ. Trong cuộc chạy này có nhiều biện pháp tiêu cực được sinh viên đem ra sử dụng, được phản ánh trên báo chí trong những ngày qua. Như thường lệ người có lỗi là sinh viên. Có thật như vậy không?

uSJYRCnV.jpgPhóng to

Nháo nhào “săn” chứng chỉ ngoại ngữ

Trách nhiệm bị đùn đẩy

Ngày càng có nhiều trường đại học và cao đẳng chuyển trách nhiệm dạy ngoại ngữ cho trung tâm ngoại ngữ của trường, hay trao trách nhiệm cho sinh viên tự đi kiếm chứng chỉ ngoại ngữ ở các trung tâm không thuộc sự quản lý của trường mà sinh viên học. Cả hai cách này đều dẫn đến tiêu cực và có nghĩa là chất lượng học ngoại ngữ đi xuống.

Trong khi chúng ta kêu gọi nâng cao trình độ ngoại ngữ (mà chủ yếu là tiếng Anh) đến độ chúng ta muốn dạy tiếng Anh ngay ở bậc tiểu học hay dạy song ngữ ở bậc trung học, thì các trường đại học, cao đẳng lại giao khoán việc học ngoại ngữ cho các trung tâm mà chất lượng trường không biết, sinh viên học hành ra sao trường cũng không biết.

Chỉ cần sinh viên mang được chứng chỉ về trường là đủ. Trên thế giới, cách thức này không phải là không được áp dụng, nhưng thường rất hạn chế. Còn ở VN, khi mà tiêu cực trong giáo dục khá phổ biến, nhất là tình trạng mua bán bằng cấp (chứng chỉ càng dễ hơn) thì biện pháp này rõ ràng là “nối giáo cho giặc”.

Trong điều kiện hiện nay, quản lý chất lượng học tập ngay tại trường đã khó thì làm sao quản lý chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở trường khác. Trường biết điều này nhưng làm ngơ, có chăng là chỉ quản lý tính xác thực của chứng chỉ. Chứng chỉ xác thực nhưng kiến thức tiếp thu với chứng chỉ đó có phải là điều trường mong đợi không?

Trường đại học, cao đẳng phải dạy ngoại ngữ

Tại sao trường không muốn trực tiếp dạy tiếng Anh? Có một số lý do. Trước hết, số lượng sinh viên học tiếng Anh rất lớn, tất cả sinh viên phải học tiếng Anh 2-3 năm liền. Lại không thể dạy một lớp tiếng Anh với 100-200 sinh viên như môn học khác, cần nhiều giảng viên tiếng Anh, mà nhiều thì khó quản lý. Trường thường thiếu cơ sở vật chất (nhất là phòng học) và giảng viên dạy ngoại ngữ, nên tốt nhất giao nơi khác dạy cho khỏe. Trường có đủ cơ sở vật chất không “khoán” ngoại ngữ.

Một lý do nữa là khối lượng tiếng Anh khá lớn, nếu để vào chương trình chính khóa (xếp thời khóa biểu) sẽ thấy số giờ học trong một tuần lớn. Trường lại có xu thế muốn dạy nhiều giờ những môn phi ngoại ngữ, điều này nay có thể thực hiện bằng cách để sinh viên đi đâu học ngoại ngữ, bằng cách này quỹ thời gian học trên lớp xem ra không bị đội.

Dạy ngoại ngữ tại trường sẽ tạo nguồn thu cho trường, nhưng tại sao trường lại từ chối nguồn thu lớn này? Trường không phải không biết đến điều này, nhưng trường có nhiều nguồn thu khác. Từ chối nguồn thu từ dạy ngoại ngữ sẽ là tối ưu cho trường khi trường không có đủ điều kiện dạy ngoại ngữ. Nhưng có một điều là khi thành lập, các trường đều thuyết minh là bảo đảm cơ sở vật chất và giảng viên cho việc dạy tất cả các môn có trong các chương trình.

Nếu không có các biện pháp mạnh thì cách học ngoại ngữ theo kiểu khoán dễ gây ra nhiều tiêu cực và chất lượng ngoại ngữ trong những năm tới sẽ đi xuống. Để ngoại ngữ thật sự là đòn bẩy, trường cần phải nắm trở lại trách nhiệm dạy ngoại ngữ, nghĩa là trường phải tự tổ chức dạy. Bằng biện pháp không khó lắm này, một mảng tiêu cực sẽ bị đẩy lùi.

Giải pháp nhân đạo hơn

Nhiều sinh viên không tiêu cực nhưng thi đi thi lại nhiều lần môn ngoại ngữ và cuối cùng vẫn không đậu. Kết quả là sinh viên không được tốt nghiệp, có nghĩa là không có bằng. Lý do không đậu thì có nhiều. Nhưng trước hết những sinh viên này là những người trung thực: họ không bỏ tiền ra mua chứng chỉ. Một lý do nữa là gần như có sự độc tôn của tiếng Anh. Biết đâu nếu được chọn một ngoại ngữ khác tiếng Anh, những sinh viên này có thể có cơ may.

Giả sử những sinh viên này không có “năng khiếu” ngoại ngữ, thể hiện bằng việc thi mãi vẫn không đậu ngoại ngữ, trong khi lại đậu mấy chục môn học khác, nay chỉ vì môn ngoại ngữ mà họ không được cấp bằng. Chúng ta đã lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, lòng tự trọng, sự mong đợi của gia đình chỉ vì sinh viên không đậu nổi môn ngoại ngữ. Tôi không thấy sự nhân đạo trong cách hành xử này.

Có người sẽ bảo quy định của bộ là như vậy. Nhưng quy định làm ra là để sửa. Nếu chúng ta thấy bất hợp lý, thiếu tính nhân đạo chúng ta phải có trách nhiệm sửa đổi. Không phải sinh viên nào ra trường cũng cần ngoại ngữ, mà những sinh viên biết mình “yếu” ngoại ngữ thường không chọn những việc làm cần ngoại ngữ.

Vậy sao chúng ta lại dồn những sinh viên này vào đường cùng. Khi bị dồn vào đường cùng, sinh viên phải tìm các biện pháp tiêu cực. Khi tiêu cực bị phát hiện, sinh viên sẽ mang cái án này suốt đời. Ngược lại nếu khéo xử lý, chúng ta đã có những công dân tốt. Giải pháp tốt nhất và cũng là nhân đạo là trường hãy cho sinh viên cơ hội tốt nghiệp bằng cách cho sinh viên học các môn thay thế ngoại ngữ, hệ thống tín chỉ cho phép như vậy, hiệu trưởng cũng có quyền đặc cách này.

PGS.TS LƯU TIẾN HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên