25/04/2013 07:42 GMT+7

Giằng co giá thuốc

LÊ THANH HÀ - LAN ANH
LÊ THANH HÀ - LAN ANH

TT - Nóng vội kiểm soát giá thuốc cao bất thường, Bảo hiểm xã hội VN ra văn bản “khống chế” giá thuốc thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ Y tế bác ngay văn bản này, còn các bệnh viện thì lúng túng không biết nghe ai!

dSDoJTC7.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Bay, ngụ tại Q.Bình Thạnh, nhận thuốc điều trị diện bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM. Nếu có giá thuốc chuẩn, người bệnh sẽ được lợi rất nhiều - Ảnh: M.ĐỨC

Phát hiện nhiều loại thuốc trúng thầu vào bệnh viện năm 2012 có giá quá cao so với mặt bằng giá chung của chính loại thuốc đó trên thị trường hoặc thuốc cùng nhóm, ngày 5-2-2013 Ban dược - vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội VN) đã phát công văn số 584 gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trên cả nước “khống chế” ngay mức trần thanh toán đối với năm hoạt chất thuốc sử dụng nhiều ở các bệnh viện là cefoperazol + sulbactam, ceftriazon, levofloxacin, cefuroxim và methyl prednisolon. Đây là các hoạt chất để sản xuất thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến...

Bảo hiểm xã hội: “Thanh toán theo giá phổ biến”

Dựa trên kết quả đấu thầu thuốc của các bệnh viện do bảo hiểm xã hội các địa phương báo về, Bảo hiểm xã hội VN thấy giá thuốc trúng thầu của các bệnh viện, các địa phương có biên độ chênh lệch giá rất lớn. Sau khi xem xét các yếu tố liên quan, Bảo hiểm xã hội VN đưa ra danh mục 313 mặt hàng thuốc của năm hoạt chất trên để ấn định mức giá thanh toán bảo hiểm xã hội theo giá phổ biến. Theo Bảo hiểm xã hội VN, giá phổ biến của thuốc là mức giá xuất hiện phổ biến, gần sát với giá trung bình, mức giá xuất hiện lặp đi lặp lại tại nhiều kết quả đấu thầu thuốc...

Tiền chênh lệch rơi vào túi ai?

Xem danh mục bảng giá phổ biến một số mặt hàng thuốc mà Bảo hiểm xã hội VN quy định, một thành viên hội đồng đấu thầu thuốc của một bệnh viện lớn tại TP.HCM bức xúc cho rằng “không hiểu vì sao cùng một tên thuốc thương mại, cùng nhà sản xuất, cùng hàm lượng, cùng đường dùng mà giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện lại chênh lệch nhau quá mức như vậy?”.

Như thuốc Medisolu 125mg của Hàn Quốc có giá phổ biến chỉ 64.100 đồng/lọ nhưng lại trúng thầu vào bệnh viện tới 115.920 đồng, chênh lệch gần 52.000 đồng, thật khủng khiếp. Thay vì người bệnh bảo hiểm y tế chỉ phải đồng chi trả thêm 12.820 đồng/lọ (20% của 64.100 đồng) thì phải đóng 23.184 đồng/lọ (20% của 115.920 đồng).

Tương tự, quỹ bảo hiểm y tế thay vì chỉ thanh toán tiền khám chữa bệnh còn lại của bệnh nhân cho bệnh viện là 51.280 đồng/lọ (80% của 64.100 đồng/lọ) thì phải thanh toán 92.736 đồng/lọ (80% của 115.920 đồng). Như vậy, bệnh nhân mất đứt thêm hơn 10.000 đồng/lọ thuốc, còn quỹ bảo hiểm y tế mất thêm hơn 41.000 đồng/lọ thuốc.

“Nếu tính trên cả nước, số tiền chênh lệch chỉ riêng mặt hàng này là rất lớn. Số tiền chênh lệch này rơi vào túi ai?” - vị này nói.

Đơn cử như thuốc Desri (lọ 2g) của Hãng Bosch, Pakistan sản xuất có giá phổ biến theo tên thương mại trúng thầu vào các bệnh viện là 68.000 đồng/lọ. Qua thống kê, Bảo hiểm xã hội VN thấy thuốc này trúng thầu vào một số bệnh viện có giá thấp nhất là 68.000 đồng (bằng với giá phổ biến) nhưng ở một số bệnh viện khác thì giá trúng thầu nhảy lên 160.000 đồng/lọ, gấp đôi giá phổ biến.

Trong khi giá phổ biến theo nhóm thuốc (theo hoạt chất thuốc) chỉ có 78.000 đồng/lọ. Không chỉ thuốc này mà giá nhiều loại thuốc ngoại nhập khác cũng cao hơn giá phổ biến vài chục đến vài trăm phần trăm như vậy. Từ đó, Bảo hiểm xã hội VN đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố sử dụng giá phổ biến năm 2012 của năm hoạt chất thuốc mà Bảo hiểm xã hội thống kê để thanh toán chi phí thuốc bảo hiểm y tế trong năm 2012 và sáu tháng đầu năm 2013 cho các bệnh viện.

Theo đó, thuốc nào có giá trúng thầu cao hơn giá phổ biến thì chỉ thanh toán bằng giá phổ biến. Bảo hiểm xã hội VN cũng chỉ đạo nếu bệnh viện nào có giá thanh toán bảo hiểm y tế của năm hoạt chất thuốc nêu trên cao hơn giá phổ biến thì lập danh sách và phối hợp với các bệnh viện này xác định nguyên nhân. Đồng thời đề nghị bệnh viện thương lượng với nhà thầu để điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp, hoặc lựa chọn sử dụng các thuốc phù hợp trong điều trị để đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội.

Nếu có giá thuốc chuẩn, người bệnh được lợi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN Phạm Lương Sơn cho rằng trong danh sách năm hoạt chất Bảo hiểm xã hội đề nghị thương lượng lại giá có bốn hoạt chất kháng sinh và một kháng viêm, đều là thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện hạng 1 và 2. Theo ông Sơn, nếu xây dựng được giá thuốc phổ biến đúng quy định của pháp luật, có cơ sở khoa học sẽ giảm được rất lớn lãng phí tiền thuốc và tất cả người bệnh cùng được lợi.

“Thực tế có những loại thuốc giống tên, giống hoạt chất, nhà sản xuất nhưng lại có nhiều giá khác nhau. Nếu có giá thuốc phổ biến cho từng khu vực thì không chỉ người bệnh có bảo hiểm y tế được lợi, vì thực tế quỹ bảo hiểm y tế chỉ thay mặt họ thanh toán chi phí bệnh viện, mà người bệnh không có bảo hiểm y tế cũng sẽ được hưởng lợi do được chi trả tiền thuốc điều trị với giá hợp lý trong thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện” - ông Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế tỉnh phối hợp rà soát kỹ lưỡng đã phát hiện trên 20 loại thuốc có chênh lệch giá lớn so với giá trúng thầu ở các địa phương bạn. “Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các bệnh viện thương lượng lại với nhà cung cấp, kết quả đã thu về trên 1 tỉ đồng. Nếu lấy số tiền thu được trung bình như tỉnh Vĩnh Phúc thì số thu về từ chênh lệch giá thuốc cả nước có thể lên tới cả chục tỉ đồng, đủ chữa bệnh cho một huyện” - ông Thảo cho biết.

Bộ Y tế: “Bảo hiểm xã hội ban hành văn bản trái luật”

“Không có cơ sở pháp lý để ban hành quy định về giá phổ biến của thuốc thanh toán bảo hiểm y tế. Việc Bảo hiểm xã hội VN ban hành công văn số 584 ngày 5-2 công bố tạm thời và sử dụng giá phổ biến của năm hoạt chất thuốc sử dụng nhiều để thanh toán chi phí thuốc bảo hiểm y tế là chưa phù hợp quy định hiện hành. Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội VN chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố... thực hiện theo đúng quy định hiện hành”.

Gần hai tháng sau khi Bảo hiểm xã hội VN ban hành văn bản 584, ngày 25-3 vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Tống Thị Song Hương (thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế) mới ký văn bản số 1528 “phản pháo” với nội dung như trên. Bộ Y tế khẳng định: theo quy định của thông tư liên tịch số 09 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thì chi phí các dịch vụ kỹ thuật y tế được tính theo bảng giá dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về thu viện phí; chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính theo giá mua vào của cơ sở y tế, áp dụng cho tất cả các loại thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, trong đó có năm hoạt chất thuốc cefoperazol+sulbactam, ceftriazon, levofloxacin, cefuroxim và methyl prednisolon.

Ngoài ra, giá thuốc mua vào của các cơ sở y tế là giá thuốc trúng thầu thực hiện theo quy định ban hành về đấu thầu mua thuốc, căn cứ theo thông tư liên tịch số 01/2012 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế và thông tư số 11/2012 hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các bệnh viện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức của Bộ Y tế cho hay về nguyên tắc, các văn bản quy phạm pháp luật bao gồm luật, nghị định, thông tư, Bảo hiểm xã hội VN không phải cơ quan quản lý nhà nước nên không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Có những cái thông tư có rồi, nghị định có rồi, nhưng Bảo hiểm xã hội VN lại ban hành công văn hướng dẫn làm như thế này, như thế nọ đương nhiên điều đó là không đúng thẩm quyền. Trong thực tế có những điều công văn hướng dẫn cũng hợp lý vì văn bản quy phạm pháp luật không hướng dẫn chi tiết, nhưng lại tréo ngoe với văn bản quy phạm pháp luật” - quan chức này cho biết.

Làm thì hậm hực, không làm không được thanh toán!

Tại TP.HCM, từ đầu tháng 4-2013 nhiều bệnh viện cũng “xôn xao” khi nhận được văn bản của Bảo hiểm xã hội TP.HCM ký ngày 29-3 về việc thanh toán năm hoạt chất thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo chỉ đạo trong công văn 584 của Bảo hiểm xã hội VN. Cũng như Bộ Y tế, ngày 18-4 Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội TP.HCM đề nghị đơn vị này phải thực hiện thanh toán năm hoạt chất thuốc nói trên theo đúng tinh thần công văn số 1528 của Bộ Y tế.

Theo một lãnh đạo bệnh viện, việc Bảo hiểm xã hội VN quy định giá thuốc phổ biến của năm hoạt chất thuốc nói trên thể hiện sự nóng vội của đơn vị này trong việc kiểm soát quỹ bảo hiểm y tế, không tuân thủ Luật đấu thầu, Luật bảo hiểm y tế cũng như các quy định khác về quản lý nhà nước. Đúng ra để đạt được sự thống nhất trong việc chi trả thuốc bảo hiểm y tế, quản lý được giá thuốc đúng với giá trị thật của thuốc, khi phát hiện giá thuốc trúng thầu có nhiều bất thường, Bảo hiểm xã hội VN nên trao đổi với Bộ Y tế để bộ này kiểm tra, chấn chỉnh việc đấu thầu thuốc ở bệnh viện. Do không có phối hợp, thống nhất thực hiện nên mỗi cơ quan quản lý ra văn bản chỉ đạo khác nhau khiến các bệnh viện lúng túng không biết thực hiện theo ai. Đến nay Bảo hiểm xã hội VN chưa có văn bản trả lời Bộ Y tế. Còn Bảo hiểm xã hội TP.HCM khi nhận được công văn của Sở Y tế cũng chỉ biết làm công văn hỏi Bảo hiểm xã hội VN chứ chưa thể trả lời được Sở Y tế làm hay dừng.

Do Bảo hiểm xã hội VN đã ban hành công văn yêu cầu phải thương lượng lại giá thuốc ở những nơi có giá trúng thầu cao, Bộ Y tế lại bác vì cho rằng công văn này không đúng quy định, nên chỉ có những bệnh viện “vững vàng” đấu thầu đúng quy định không phải thương lượng lại giá, còn lại đang... lơ lửng không biết nghe ai. Có ý kiến cho rằng nếu trình văn bản 584 của Bảo hiểm xã hội VN lên Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì chắc chắn Bảo hiểm xã hội VN bị “tuýt còi”.

Theo một quan chức của Bộ Y tế, có một ý tương đối “tế nhị” trong công văn của Bảo hiểm xã hội VN yêu cầu thương lượng lại giá thuốc ở những mặt hàng có giá trúng thầu cao là nếu bệnh viện không làm thì lại sợ bảo hiểm không thanh toán, mà làm thì lại không vui, hậm hực trong lòng!

LÊ THANH HÀ - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên