03/04/2018 18:17 GMT+7

Gian nan nghề lặn tôm hùm

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Sau bữa cơm tối, anh Nguyễn Văn Nghĩa cùng đội lặn của mình sửa soạn đèn pin, đồ nghề để chuẩn bị cho một buổi lặn đêm bắt tôm hùm. Năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Nghĩa đã có gần 20 năm lặn biển.

Ngư dân Lộc Vĩnh ra biển lặn bắt tôm hùm vào ban đêm - Video: NHẬT LINH

Làng chài Phú Hải 1 (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) được xem là thủ phủ của nghề lặn biển ở Thừa Thiên - Huế. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều thợ lặn cừ khôi, ngang dọc khắp các vùng biển từ Thừa Thiên - Huế vào đến Đà Nẵng, Vũng Tàu...

Để bắt được những con tôm hùm to (tôm thịt), người thợ lặn ở thôn Phú Hải 1 như Nghĩa phải lặn sâu xuống đáy biển 20-30m nước. Ở độ sâu này, người thợ lặn luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy mà sợ nhất là đột quỵ.

Đã làm nghề lặn thì phải chịu tổn thọ bởi áp lực dưới nước rất lớn. Lên bờ nôn ra máu, thủng màng nhĩ là chuyện không phải hiếm. Như tui đây mới phải đi mổ tai cách đây mấy tháng.

Thợ lặn NGUYỄN VĂN TẦN

Lặn đêm lặn ngày

Chiếc thuyền gỗ nhỏ vượt sóng đưa nhóm thợ lặn ra vùng biển nằm dưới chân núi Dòn, cách cầu cảng Chân Mây khoảng 2km.

Sau khi neo thuyền cố định, anh Nghĩa cùng bạn lặn Nguyễn Văn Tần (29 tuổi) mặc đồ lặn, đeo chân vịt, rọi đèn pin xác định vị trí áng chừng có tôm, cá.

Hai đường ống dẫn khí được cắm vào máy nổ của thuyền. Người thợ lặn được tiếp dưỡng khí qua đường này. Nghĩa và Tần cầm theo đầy đủ dụng cụ lao ùm xuống mặt nước, sủi tăm, lặn mất hút.

Gian nan nghề lặn tôm hùm - Ảnh 3.

Nhóm thợ lặn chuẩn bị dụng cụ, đồ lặn cho một chuyến lặn đêm. Họ rất kỹ càng bởi một sơ suất nhỏ cũng có thể mất mạng - Ảnh: NHẬT LINH

Biển đen kịt, chỉ còn nghe tiếng máy nổ rách đanh giữa màn đêm yên tĩnh.

Bầu không khí lúc này rất căng thẳng. Anh Phan Thu (40 tuổi) - người làm nhiệm vụ hậu cần - liên tục rọi đèn, mắt không rời hai cuộn ống dẫn khí liên tục được kéo sâu xuống lòng biển.

"Nếu không để ý, dây khí bị cuộn, vướng vào nhau hoặc vướng vào cánh vịt của thuyền thì người lặn dưới biển mất mạng như chơi" - anh Thu nói. Thời gian cứ trôi qua từng phút...

Một tiếng sau, hai thợ lặn trồi lên mặt nước.

"Nước đang gáu (đục), không bắt được con tôm nào. Nhổ neo đi chỗ khác thôi" - anh Tần phun nước phì phì.

Gian nan nghề lặn tôm hùm - Ảnh 4.

Anh Phan Thu - người làm công tác hậu cần liên tục kiểm tra đường ống dẫn khí của 2 thợ lặn - Ảnh: NHẬT LINH

Nhóm thợ tiếp tục di chuyển đến vùng biển cách vị trí cũ hơn 2km. Lần lặn này khá hơn lần trước, hai thợ lặn bắt được 2 con tôm hùm thịt nặng khoảng 4 lạng và một ít cá biển. Nghĩa lẩm nhẩm, 2 con tôm này bán được khoảng 400.000 đồng.

"Lỗ nặng rồi, chả bù được tiền dầu. Thôi về!".

Theo anh Nghĩa, trước đây thợ lặn tôm chủ yếu đi lặn vào ban ngày. Mỗi chuyến lặn kéo dài 8-10 tiếng là đủ chia cho mỗi người khoảng 1 triệu đồng.

"Sau sự cố môi trường biển năm 2016, tôm cá ở biển này ít dần nên chúng tôi phải đi lặn bắt thêm vào ban đêm mới đủ tiền trang trải cho gia đình" - anh Nghĩa trải lòng.

Sáng sớm hôm sau, khi bình minh vừa ló lên mặt biển, đội thợ lặn của anh Nghĩa lại tiếp tục lên thuyền ra khơi. Chuyến lặn này, nhóm thợ đi ra vùng biển cách bờ hơn 10km.

Gian nan nghề lặn tôm hùm - Ảnh 5.

Con tôm hùm vừa được nhóm thợ lặn của anh Nghĩa bắt lên trong đêm - Ảnh: NHẬT LINH

Đánh cược cả tính mạng

Anh Nghĩa là một trong hàng chục thợ lặn ở làng chài nghèo Phú Hải 1 chọn cái nghề bắt tôm hùm, ốc, cá làm nghiệp mưu sinh. Thợ lặn kỳ cựu nhất làng là ông Trần Đình Huế năm nay đã ngoài 60 tuổi.

Ông nói nghề lặn là "phi công dưới đáy đại dương", bởi thợ lặn phải là người có sức khỏe cực tốt, tiền đình ổn định, thông thạo luồng lạch, con nước...

"Cái nghề này không phải ai cứ ngậm ống thở nhảy xuống biển là lặn được. Tôi thường chỉ cho các thanh niên biết cách nhận thấy con nước độc, sự thay đổi trong cơ thể khi đang lặn để biết mà ngoi kịp lên, không là mất mạng ngay" - ông Huế nói.

Ông Nguyễn Văn Thà (43 tuổi) cũng là một thợ lặn cừ khôi ở thôn Phú Hải 1. "Tui lặn biển từ năm 15 tuổi. Thời đỉnh cao tui có thể lặn được 20-25m, thậm chí 30m nước" - ông Thà nói.

Theo ông Thà, lần đầu đi lặn cũng sợ lắm, nhưng không lặn thì không biết lấy cái gì mà ăn. Lặn miết rồi quen thành nghề.

Gian nan nghề lặn tôm hùm - Ảnh 6.

Ngoài bắt được 2 con tôm hùm thịt thì nhóm thợ lặn còn bắt được một số cá biển - Ảnh: NHẬT LINH

Còn với thợ lặn Nguyễn Văn Tần, nghề lặn là nghề bạc bẽo. Nếu may mắn đi lặn mà gặp nhiều tôm, cá thì đưa tiền triệu về nhà mỗi ngày. Nhưng có khi quần thảo cả ngày dưới đáy biển mà không gặp con tôm nào.

Chưa kể lặn mà gặp trúng con nước độc là toàn thân bị liệt, đau nhức cả mấy ngày trời không khỏi.

Lão ngư Trần Đình Huế nói về một nỗi gian nan khác: "Theo đúng quy chuẩn, cứ mỗi thuyền có 4 người lặn thì phải có 4 người trực ống dẫn khí và một người lái thuyền, tổng cộng 9 người. Nhưng như vậy chi phí nhiều quá nên các đội lặn giờ đây chủ yếu có 5 người, 4 thợ lặn và 1 lái thuyền kiêm luôn người coi ống lặn".

Dĩ nhiên như vậy thì chấp nhận rủi ro.

Đưa đôi mắt nhìn về cuối ngôi làng, ông Huế trầm tư nói: "Nhà thằng T. ở thôn Cảnh Dương nằm ở phía đó. Năm 2012 nó chết vì bị vỡ ống khí khi đang lặn ốc ở biển Vinh Hiền. Thằng đó cũng lặn giỏi lắm".

Cuối buổi chiều, chiếc thuyền gỗ chở nhóm thợ lặn của anh Nguyễn Văn Nghĩa cập bờ. Chuyến lặn lần này nhóm của anh bắt được vài con tôm thịt và kha khá tôm hùm con. Chia ra làm 5 mỗi người được hơn 500.000 đồng.

"Tầm này 2 năm trước, sự cố môi trường biển làm cá tôm chết hết. Cánh thợ lặn chúng tôi phải vào Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... để lặn thuê, cực khổ lắm" - anh Nghĩa nói.

Không có tiền đóng tàu nên phải lặn

30-3_gian nan nghe lan 1

Thợ lặn Nguyễn Văn Nghĩa và thành quả là hai con tôm hùm thịt chừng 4 lạng sau một đêm lặn bắt - Ảnh: NHẬT LINH

Ông Nguyễn Ngọc Chính, trưởng thôn Phú Hải 1, cho biết hiện thôn có hơn 20 hộ làm nghề lặn biển và khoảng 200 hộ làm nghề đánh bắt cá gần bờ.

Sở dĩ người dân chọn nghề lặn biển là do không có tiền để đóng thuyền lớn xa bờ, cộng với giá tôm hùm những năm gần đây lên rất cao nên kiếm ăn cũng được.

"Mùa tôm vào tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Hết thời gian này, chủ yếu cánh thợ lặn phải vào Đà Nẵng để lặn trìa, ốc kiếm sống, chờ mùa lặn sang năm mới trở về làng" - ông Chính nói.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên