Phóng to |
Khách hàng của dự án chung cư Ngọc Phương Nam (Q.8, TP.HCM) ngao ngán vì chủ đầu tư ngừng xây tiếp. Dự án này đã chậm giao nhà một năm, chủ đầu tư đang rao bán dự án - Ảnh: Đ.Dân |
Khách hàng tiếp tục “cứu” dự ánCấm lấy vốn dự án này đầu tư dự án khác“Phát điên” vì chờ giao nhàKhách hàng “cứu” chủ đầu tư
Hậu quả là nhiều trường hợp khách hàng đi vay lãi đóng trước cho chủ đầu tư từ vài ba năm trước nhưng đến nay vẫn phải long đong đi thuê nhà...
Mệt mỏi...
Cuối tháng 8-2013, tại Tòa án nhân dân quận Bình Tân (TP.HCM), trong vụ xét xử đơn kiện chủ đầu tư chậm giao nhà, thẩm phán hỏi đi hỏi lại: “Bây giờ chủ đầu tư hứa sẽ giao nhà cho bà vào cuối năm nay, bà có đồng ý không?”. Bà Nguyễn Thị Hồng (69 tuổi, quận Bình Tân) giọng run lên: “Tôi chờ đã quá lâu, quá thất vọng và khổ sở. Tôi không thể chờ thêm nữa”. Mấy năm về trước, bà Hồng ký hợp đồng mua một căn hộ trị giá 1,2 tỉ đồng tại dự án chung cư Nhất Lan 3 do Công ty CP đầu tư và xây dựng Bình Chánh (BCCI) là chủ đầu tư. Từ đó đến nay đã đóng tiền cho BCCI hơn 877 triệu đồng, BCCI cam kết giao nhà cho bà Hồng vào ngày 31-12-2011, nhưng dự án ngưng trệ lâu không thể giao nhà nên đến nay bà phải lọ mọ đi thuê trọ...
Thực tế thời gian qua không phải tranh chấp nào khách hàng cũng may mắn được tòa án phân xử như trên. Phần lớn tranh chấp hiện nay vẫn do khách hàng “tự xử” với chủ đầu tư.
Đầu năm 2010, anh Tạ Minh Cường (Q.8, TP.HCM) và một số khách hàng khác ký hợp đồng mua nhà tại dự án chung cư Ngọc Phương Nam (đường Âu Dương Lân, Q.8) do Công ty CP đầu tư và xây dựng An Điền làm chủ đầu tư, thế nhưng nhiều năm qua anh Cường và những người mua nhà tại đây vẫn phải thuê nhà ở trọ vì chủ đầu tư không tiếp tục triển khai xây dựng. Anh Cường cho biết thời điểm đó vợ chồng anh đã vay mượn khắp nơi đóng 900 triệu đồng cho chủ đầu tư. “Lúc ký hợp đồng mua nhà con gái tôi 1 tuổi, giờ cháu đã 4 tuổi và tôi có thêm đứa thứ hai nhưng vẫn phải ở nhờ nhà ông bà. Kể từ tháng 9-2011 dự án ngưng hoạt động nhưng đến nay chủ dự án vẫn không có một văn bản hay nói chuyện đàng hoàng với tôi” - anh Cường bức xúc. Hiện đã có ba khách hàng kiện chủ đầu tư này ra tòa nhưng nhiều lần tòa án triệu hồi chủ đầu tư vẫn không có mặt.
Tương tự, những ngày gần đây hàng loạt đơn từ của khách hàng tại dự án Bee-Home (P.13, Q.Tân Bình) với đầy bức xúc trước việc chủ đầu tư chậm trễ giao nhà cho khách hàng mà vẫn liên tục huy động vốn. Nước mắt ngắn dài, chị Linh - một khách hàng của dự án bất động sản Bee-Home - kể rằng chị đã ký hợp đồng thuê nhà Bee-Home từ tháng 12-2011 và đóng 60% giá trị là 105 triệu đồng. Theo hợp đồng, quý 2-2012 sẽ giao nhà nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong. “Chúng tôi muốn thanh lý hợp đồng thì họ trốn tránh, đi lại nhiều lần vẫn không ai giải quyết. Hiện nay nhiều người lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết làm sao để lấy lại tiền”, chị Linh nói.
Chủ đầu tư “bó tay”
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện ở nhiều dự án, khách hàng đã đóng tiền 50%, thậm chí 100% nhưng chủ đầu tư đem tiền đi làm việc khác lại lấy cớ là bất động sản khó khăn. Đặc biệt có hiện tượng mới là tại nhiều dự án đang xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư tìm mọi cách “tháo chạy” từ thay tên đổi họ đến bán đứt dự án cho nước ngoài.
Tại một dự án chung cư ở đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP.HCM), sau khi không thể tiếp tục xây dựng chủ đầu tư dự án này đã thay tên đổi họ cho dự án để giảm phiền phức. Chưa hết, sau đó dự án được bán qua 3-4 chủ và bây giờ đang bán cho một nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều khách hàng tìm chủ đầu tư cũ thì không liên hệ được, còn chủ đầu tư mới thì thay toàn bộ nhân sự.
Với dự án chung cư Ngọc Phương Nam, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư và xây dựng An Điền thừa nhận dự án đang gặp khó khăn không thể triển khai và chủ đầu tư đang tìm mọi cách “vượt cạn”, trong đó có phương án bán dự án. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có hàng chục nhà đầu tư đã đến đàm phán mua lại dự án này. Và hiện dự án vẫn đang trong tình trạng ngừng triển khai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Hữu Thuần, phó tổng giám đốc Công ty An Điền, nói: “Theo tính toán, dự án đang cần 150 tỉ đồng nữa mới có thể hoàn thành nhưng không thể vay tiếp vì lãi vay ngân hàng còn 15 tỉ đồng chưa trả được”. Ông Thuần cũng thú thật giờ công ty đang lâm vào cảnh khó khăn đến mức không thể triển khai. Dự án với tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng, chủ đầu tư đã bỏ ra 120 tỉ đồng để thực hiện, phía khách hàng bình quân mỗi người đã đóng 30% giá trị hợp đồng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM), đáng ngại nhất hiện nay là hiện tượng chủ đầu tư tháo chạy. Cụ thể khi dự án giậm chân tại chỗ dẫn đến xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư đã tiến hành đổi giấy phép kinh doanh từ ông A chuyển qua B rồi bán dự án cho chủ đầu tư khác, thậm chí bán cho nước ngoài, bỏ mặc khách hàng bơ vơ... “Hiện nay chưa có một đoàn thanh tra nào đi kiểm kê lại xem có bao nhiêu nhà đầu tư dùng số tiền đó để xây dựng dự án, bao nhiêu đem tiền đi tư lợi” - luật sư Hậu đặt vấn đề.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng hiện nay cơ chế kiểm soát việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp bất động sản gần như bị bỏ quên khiến doanh nghiệp sử dụng vốn vào mục đích khác không kiểm soát được. “Quan trọng là kiểm soát việc sử dụng vốn của chủ đầu tư phải đúng mục đích thông qua cơ chế quản lý. Chẳng hạn tài khoản ngân hàng phải được giám sát, chỉ được giải ngân khi có biên bản các bên gồm nhà thầu giải ngân đúng cho công trình đó” - ông Châu nói. Cũng theo ông Châu, tranh chấp thời gian qua có xuất phát từ việc buông lỏng quản lý nguồn vốn huy động để chủ đầu tư sử dụng vốn vào việc khác dẫn đến dự án bị ngừng trệ không giao nhà đúng với cam kết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Cần kiểm soát tiến độ dự án Theo tôi, sở xây dựng các địa phương nên thanh tra những doanh nghiệp không có năng lực để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay luật quy định hai năm không triển khai dự án sẽ bị thu hồi nhưng cứ để như thế này, nhiều người dân không biết vẫn mua các dự án không xây dựng nữa. Với tình trạng bán dự án trao tay thì buộc chủ mới phải mua cả phần nợ của chủ cũ và chịu trách nhiệm với khách hàng. Khi chủ đầu tư tháo chạy, dân mất tiền, người lao động mất việc... trong khi các cơ quan quản lý nhà nước đứng ngoài cuộc, người dân chịu thiệt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận