Bà Choi Young Suk, một tình nguyện viên Hàn Quốc, hướng dẫn học sinh khiếm thính vẽ họa tiết lên quần áo lưu niệm cho du khách - Ảnh: MAI VINH
Gian hàng tên Lặng, cái tên gần gũi với cuộc sống của các em học sinh ở đây. Gian hàng ra mắt sáng ngày 14-4, được thiết kế nhỏ nhắn, chỉ khoảng 40 m2 nằm ngay bên trong khuôn viên Trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng.
Trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng tại số 3 Pasteur, phường 4, thành phố Đà Lạt
Tầng bên dưới là nơi học sinh khiếm thính học nghề sau giờ học chính khoá.
Tầng trên là gian hàng trưng bày các sản phẩm tranh thêu tay, quần áo được vẽ trang trí, nông sản sấy khô và hàng trăm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do học sinh khiếm thính làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô và các nghệ nhân.
Hàng lưu niệm do các em học trò khiếm thính làm - Ảnh: MAI VINH
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, xúc động trong ngày ra mắt gian hàng của học trò câm điếc. Cô nói: "Trường chỉ dạy chữ và cho các em nội trú hết cấp 1. Sau đó các em đi học tiếp ở nơi khác hoặc về nhà kiếm việc làm.
Do có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bỏ học sau đó. Năm rồi, nhiều em xuống TP.HCM kiếm việc ở các cơ sở tranh thêu. Chúng tôi hỏi han nhau rồi mới hay các em nhận đồng lương quá thấp, chưa tới 1 triệu/tháng, lại không được lo ăn ở.
Các thầy cô nghĩ thương quá nên mới bàn với nhau xin chủ trương dạy cấp 2 để các em ở lại trường lâu hơn, và dạy nghề cho các em. Vậy là các em được quay lại trường
Khổ nỗi các em học nghề mỗi lúc một giỏi thì sản phẩm ra càng nhiều mà không biết bán đi đâu. Trong khi đó, chi phí mua nguyên vật liệu lại có hạn.
Các thầy cô lại cùng các em đi xin kinh phí từ các nhà hảo tâm để mở gian hàng trưng bày và bán, cốt giải quyết việc làm cho các em đã ra trường, tạo cơ hội thực hành cho các em đang còn học chữ, học nghề".
Tranh khổ lớn được bày tại gian hàng Lặng - Ảnh: MAI VINH
Tranh hoa khô các em học trò khiếm thính làm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH
Tên cửa hàng lưu niệm được các "hoạ sĩ" là học trò Trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng vẽ - Ảnh: MAI VINH
Ngoài sự hướng dẫn của các thầy cô trong trường, các em khiếm thính được các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tại Đà Lạt thường xuyên hướng dẫn làm nông sản và hoa sấy khô các loại.
Cô Minh cho biết thêm, toàn bộ lợi nhuận từ gian hàng bán sản phẩm sẽ được dùng đầu tư cho việc học và hỗ trợ cuộc sống cho các em học sinh. Đa số các em đang học tại trường có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận