16/03/2017 09:03 GMT+7

Giảm thời gian dân chạy ngoài đường

CÁT HUY QUANG (Hà Nội)
CÁT HUY QUANG (Hà Nội)

TTO - Nếu người dân tiện gửi con cháu đi học và mua thực phẩm, hàng hóa tại nơi ở hoặc nơi làm việc thì họ sẽ giảm được thời gian chạy ngoài đường để đưa đón con và đi mua sắm.

Bà Mai, sống tại khu chung cư Him Lam Nam Khánh (Q.8, TP.HCM), hằng ngày vẫn thường đi đón cháu tại một nhà trẻ gần nhà - Ảnh: HỮU THUẬN
Bà Mai, sống tại khu chung cư Him Lam Nam Khánh (Q.8, TP.HCM), hằng ngày vẫn thường đi đón cháu tại một nhà trẻ gần nhà - Ảnh: HỮU THUẬN

Và điều này sẽ góp phần giảm kẹt xe cũng như giảm được cảnh mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vốn là vấn nạn ở các thành phố lớn.

150 phút trên đường mỗi ngày

Vợ chồng anh T. làm cùng cơ quan với tôi mua nhà ở một khu đô thị mới tại Hà Nội. Theo quy hoạch thì khu đô thị này có 6 lô đất để xây trường học, nhưng mới có 1 trường mầm non được xây và đã đầy học sinh nên không nhận thêm.

Vậy là mỗi sáng, anh T. phải đưa con gái lớn đi học lớp 2 tại trường tiểu học cách nhà khoảng 5km; còn vợ anh cũng phải đèo đứa nhỏ 4 tuổi đi gửi tại trường mầm non cách nhà khoảng 3km, sau đó mới vòng lại để đến cơ quan làm việc cũng khá xa nơi ở.

Tính ra, mỗi ngày hai lượt đưa đón con và đi làm như vậy, hai chiếc xe máy của vợ chồng anh T. di chuyển gần 60km trong nội thành và mất thời gian khoảng hai giờ rưỡi đi trên đường (nếu bị kẹt xe thì mất thời gian nhiều hơn nữa).

Anh T. than thở: “Nếu có đủ trường học ngay tại khu đô thị thì vợ chồng mình chỉ cần đi chung một xe máy đến cơ quan và chỉ mất khoảng 15 phút đi đường, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm nhiều chi phí. Cả khu đô thị này có khoảng 1.000 căn hộ thì đại đa số đều chịu cảnh khổ như vậy”.

Chắc chắn đây không chỉ là chuyện của riêng gia đình anh T. và cả ngàn hộ dân khu đô thị nói trên, mà còn là chuyện của hàng triệu gia đình đang sinh sống tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Mấy năm qua ở hai thành phố này nổi lên ba vấn đề “nóng” trong quản lý đô thị, đó là vấn nạn kẹt xe, “chợ cóc” lấn chiếm lòng lề đường và tình trạng thiếu trường học ở khu dân cư, các dự án nhà ở...

Ăn, học tại chỗ

Theo tôi, có thể giải quyết ba vấn đề nóng kể trên bằng cách buộc chủ đầu tư phải xây dựng trường học, tổ chức các điểm bán thực phẩm, tạp hóa ngay tại các khu chung cư, khu công nghiệp đông người để người dân thuận tiện cho việc đưa con đi học và mua sắm thực phẩm hằng ngày.

Thực tế thì đã có quy định xây dựng khu dân cư hay chung cư mới phải dành đất mở trường, xây chợ, tuy nhiên việc thực hiện thường không được giám sát.

Nhà nước cần nghiên cứu ban hành quy định bắt buộc các khu dân cư có từ 100 hộ dân trở lên phải bố trí lớp học mầm non tại vị trí thuận lợi để các gia đình gửi trẻ; khu đô thị có 300 hộ trở lên phải bố trí thêm khu bán thực phẩm và tạp hóa; từ 1.000 hộ trở lên phải có trường tiểu học, trung học cơ sở.

Chi phí xây dựng phòng học mầm non và khu vực bán thực phẩm, tạp hóa này có thể do Nhà nước hỗ trợ một phần.

Ngành giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo, tuyển dụng, phân công, trả lương giáo viên và quản lý theo ngành dọc; cơ sở vật chất đảm bảo cho dạy học và vui chơi của các cháu thì thực hiện xã hội hóa theo phương châm Nhà nước, nhân dân và đơn vị tổ chức cùng lo...

Quy định này cần sớm được ban hành và triển khai thực hiện ngay với những chung cư, khu đô thị, doanh nghiệp, khu và cụm công nghiệp xây mới, coi đây là điều kiện bắt buộc từ khi xây dựng và phê duyệt dự án, quy hoạch (khi đã xây dựng và đủ điều kiện hoạt động thì mới được đưa dân vào ở).

Đồng thời tổ chức rà soát những dự án đã hoạt động, nếu nơi nào còn đủ điều kiện, có thể sắp xếp bố trí thêm phòng học, khu vực bán thực phẩm và tạp hóa thì triển khai làm.

Nếu Nhà nước có ngay chế tài bắt buộc thì tôi nghĩ sẽ góp phần giảm đáng kể thời gian chạy ngoài đường cho người dân ở Hà Nội và TP.HCM.

CÁT HUY QUANG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên