12/11/2019 08:27 GMT+7

Giám sát dấu 'mật'

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được đưa ra Quốc hội thảo luận trong bối cảnh những tồn tại, hạn chế kéo dài về pháp luật tạo nên những "điểm nóng" tại các dự án PPP.

Từ trước tới nay, quy định chi tiết cho hoạt động PPP chỉ dừng ở nghị định và chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Chính sự sơ sài, thiếu đồng bộ "vừa yếu, vừa thiếu" khiến việc thực hiện một số dự án PPP gây bức xúc dư luận kéo dài, đầy bất ổn.

Dự thảo luật đưa ra lấy ý kiến tại Quốc hội lần này nhằm bịt những lỗ hổng, kẽ hở về đầu tư PPP. Rõ nhất là quy định cơ chế đấu thầu công khai, thay cho chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư - vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Lâu nay, dư luận bức xúc tạo nên một số "điểm nóng" tại các dự án BOT, BT là do những hợp đồng dự án PPP được đóng dấu "mật". Không chỉ chặn đứng sự giám sát của báo chí, người dân, mà ngay cả chuyên gia cũng không đủ thông tin để phân tích, đánh giá và có những khuyến cáo cần thiết về dự án.

Người dân bị đặt vào thế đã rồi phải miễn cưỡng sử dụng dịch vụ, với địa điểm đặt trạm, mức phí/giá, thời gian thu... hoàn toàn "bí mật". Những con số thu - chi, lỗ - lãi của nhà đầu tư khó biết thật - giả. Chỉ đến khi dự án "có vấn đề", cơ quan chức năng vào cuộc kết luận, dư luận mới tường tận những vi phạm trong thực hiện dự án.

Để lấp lỗ hổng trên, điều 10 của dự thảo luật quy định một số nội dung thông tin dự án phải công khai, minh bạch.

Cùng với đó, hai điều 84 và 85 dự thảo luật còn đưa ra cơ chế giám sát cộng đồng đối với các dự án PPP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định công khai từng đó thông tin sẽ không tạo ra cơ chế đủ mạnh để giám sát hiệu quả các dự án PPP thực tế triển khai đầy phức tạp.

Quyền giám sát của người dân chỉ đảm bảo khi toàn bộ thông tin tiêu chí mời thầu, các báo cáo thẩm định dự án, hợp đồng PPP và cả phụ lục (trừ những thông tin bí mật, tài sản trí tuệ), báo cáo hoạt động của dự án; sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng cần được quy định phải công khai.

Không thể coi việc đầu tư công (của Nhà nước) trong các dự án PPP là hoạt động kinh doanh thương mại nhằm "lót đường" cho các bên hưởng quy chế "bí mật kinh doanh" để "giấu" các thông tin về hợp đồng và dự án. 

Nhà đầu tư khi ký hợp đồng với Nhà nước đã hưởng được nhiều ưu đãi, ngược lại họ cũng phải chịu đặt dưới sự giám sát chặt chẽ trong các hoạt động, các khâu làm dự án.

Rồi đây, luật sẽ quy định những nội dung phải công khai trong hoạt động PPP. Nhưng người dân vẫn phải giám sát những dấu "mật" bất thường để đảm bảo tính công khai minh bạch một cách tuyệt đối. Chỉ có giám sát, phản biện mới nhận được sự đồng thuận của người dân, tránh cảnh "tiến thoái lưỡng nan" như một số chủ dự án BOT đang gánh chịu.

'Cởi trói' để thu hút tư nhân tham gia PPP

TTO - Nhu cầu đầu tư đến gần 2 triệu tỉ đồng, nhưng ngân sách lại ít. Muốn thu hút được tư nhân tham gia các dự án PPP thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, kể cả quy định vốn.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên