15/03/2018 15:23 GMT+7

Giám sát đặc biệt các cơ sở xả thải lớn

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Đó là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà nêu tại Hội nghị triển khai công tác thanh tra ngành toàn quốc diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long.

Giám sát đặc biệt các cơ sở xả thải lớn - Ảnh 1.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, đa số các cuộc thanh kiểm tra về tình trạng khai thác khoáng sản trong thời gian qua chỉ được triển khai khi báo chí phát hiện đưa tin, hoặc do Thủ tướng chính phủ chỉ đạo -Ảnh: BỬU ĐẤU

Chiều 15-3, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh, kiểm tra ngành TNMT  toàn quốc năm 2018.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và lãnh đạo các Sở TN-MT các tỉnh, thành cả nước.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TN-MT, trong năm 2017 toàn ngành đã triển khai 2.475 cuộc thanh, kiểm tra về các lĩnh vực. Trong đó, có 2.407 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành.

Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 1.813 tổ chức  tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 134 tỉ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 14 tỉ đồng…

Đáng chú ý là sau sự cố môi trường biển xảy ra tại miền Trung thì nay Bộ TN-MT cũng đã tổ chức giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với một số dự án có nguồn thải lớn, có nguy gây sự cố môi trường như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa - Hà Tĩnh, Công ty TNHH Giấy Lee&Man - Hậu Giang, Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn...

Theo ông Lê Quốc Trung, chánh Thanh tra Bộ TN-MT, một số tỉnh, thành hiện nay chưa thực hiện lập và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, hoặc đã lập quy hoạch nhưng chậm so với quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa tiến hành điều tra tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn để có biện pháp giải quyết. Ngoài ra, việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh gia tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường cũng chưa đúng quy định…

Ông Trung cũng nêu ra một vấn đề còn tồn đọng gây khó khăn trong công tác thanh tra ngành môi trường thời gian qua là sự chồng chéo giữa các đơn vị. Đặc biệt là việc theo dõi, giám sát quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức chưa chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khoáng sản…

Đa số các cuộc thanh kiểm tra đột xuất chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được báo chí phát hiện đưa tin, hoặc do Thủ tướng chính phủ chỉ đạo mới làm…

"Việc thanh tra về đất đai, khoáng sản được giao cho Bộ TN-MT nhưng Bộ Xây dựng và Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra", ông Trung nêu ra khó khăn trong công tác thanh tra.

Giám sát đặc biệt các cơ sở xả thải lớn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đề nghị giám sát đặc biệt, thanh tra tần suất cao với các cơ sở có lượng xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao- Ảnh: CHÍ HẠNH

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu tại hội nghị rằng có quá nhiều cơ quan đến thanh, kiểm tra tạo ra sự phức tạp, tạo gánh nặng lên doanh nghiệp. Công tác thanh tra phải mang tính hệ thống từ trung ương đến địa phương, phải phối hợp nhịp nhàng. Đồng thời yêu cầu trong năm 2018 chú trọng đặc biệt vào công tác thanh tra đất đai và môi trường.

"Tiến hành giám sát đặc biệt, kiểm tra với tần suất cao đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Thanh tra, kiểm tra công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, kiểm tra việc thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng, lạch tại các địa phương trên cả nước khiến môi trường ô nhiễm, sạt lở nghiêm trọng bờ sông, gây bức xúc trong dư luận", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên