Một người dân tộc thiểu số Hupda ở Brazil được tiêm vắc xin phòng COVID-19 do công ty Trung Quốc Sinovac sản xuất ngày 3-3-2021 - Ảnh: REUTERS
Còn vài ngày nữa là tròn một năm WHO tuyên bố tình trạng đại dịch với bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên theo ông Tedros, các nước trên thế giới cần sẵn sàng tư thế trong tình trạng thời chiến vì dịch bệnh vẫn đe dọa cuộc sống bình thường của tất cả mọi người.
Trong bài viết riêng cho báo The Guardian, ông Tedros ủng hộ việc tạm bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các vắc xin COVID-19 để cho phép các nước trên thế giới có thể sản xuất và bán vắc xin phòng COVID-19 với giá rẻ.
“Chúng ta đang sống qua một thời điểm bất thường của lịch sử và phải vượt qua thử thách này. Các quy tắc kinh doanh vẫn có sự linh hoạt trong những trường hợp khẩn cấp, và chắc chắn đại dịch COVID-19 xứng đáng với một ngoại lệ", giám đốc WHO viết.
Vào ngày 8 và 9-3, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ thảo luận về đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng sáng chế vắc xin do Nam Phi và Ấn Độ đề nghị nhân danh các nước không có vắc xin.
Nhưng chính phủ các nước thành viên đang có sự chia rẽ về vấn đề này. Cụ thể, khoảng 100 nước có thu nhập thấp và trung bình ủng hộ kêu gọi này trong khi các nước giàu phản đối.
Ông Tedros cho rằng các nhà sản xuất vẫn sẽ nhận được một khoản tiền bồi hoàn. Tạm bỏ quyền sở hữu trí tuệ không có nghĩa là những sáng chế này sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hồi vốn và có lợi nhuận, mà các công ty sẽ nhận được tiền bản quyền cho các sản phẩm được sản xuất.
Tuy nhiên, các công ty dược và chính phủ các nước Mỹ, Anh và ở khối châu Âu vẫn phản đối mạnh mẽ ý tưởng này ngay cả trong trường hợp các công ty được tiền bồi hoàn. Liên minh các hiệp hội và nhà sản xuất thuốc quốc tế, trụ sở tại Thụy Sĩ, cho rằng cắt giảm lợi nhuận của các công ty không khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Các chuyên gia vận động nhận định đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin hay nhưng là "không tưởng". Bác sĩ Mohga Kamal-Yanni, cố vấn của Liên minh vắc xin vì con người, không mấy lạc quan: "Đây là lời kêu gọi từ phía các nhóm xã hội dân sự, sẽ không có công ty nào tham gia".
Hi vọng lớn nhất để có vắc xin với phần lớn các nước hiện nay là thông qua cơ chế COVAX, sáng kiến được Liên Hiệp Quốc ủng hộ nhằm mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vào cuối năm nay.
Ở thời điểm hiện tại, đại đa số vắc xin vẫn nằm trong tay một số ít các nước giàu và những nước sản xuất được vắc xin.
Theo ông Tedros, không chia sẻ vắc xin mang đến những lợi ích chính trị ngắn hạn nhưng sẽ dẫn đến sự phục hồi kéo dài lâu, ngành thương mại và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, càng kéo dài thời gian càng có khả năng xuất hiện các biến thể mới ít nhạy cảm hơn với vắc xin và dễ lây lan hơn, làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Ông Tedros ca ngợi AstraZeneca vì đã cho phép vắc xin của họ được sản xuất trên khắp thế giới, như tại Viện Serum Ấn Độ, nhưng hiện cơ chế này vẫn còn thiếu minh bạch.
Bà Anna Marriott, chuyên gia của Tổ chức Oxfam, một người ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19, cho biết cuộc họp trực tuyến của WTO vào các ngày 8 và 9-3 rất được mong chờ là một thời điểm lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận