Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết hiện nhu cầu làm đẹp rất lớn nên TP.HCM đang là mảnh đất màu mỡ cho phẫu thuật thẩm mỹ.
Thế nhưng thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều sự cố liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí chỉ trong tháng 10 đã có 4 ca tai biến, trong đó 3 ca tử vong do nâng ngực, căng da mặt, xăm chân mày.
Chưa có bệnh viện thẩm mỹ nào đạt loại tốt
Theo bà Trâm, UBND TP đã có chỉ đạo Sở Y tế phải xử lý nghiêm và từ ngày 4-11 đến ngày 4-12, Thanh tra sở Y tế TP.HCM đã phối hợp các cơ quan chuyên môn kiểm tra đột xuất các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da, spa... không phép trên toàn địa bàn.
"Sở Y tế nhận định như thế nào về tình trạng tai biến thẩm mỹ xảy ra dồn dập vừa qua? Kết quả kiểm tra vừa qua ra sao? Số các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da, spa, dịch vụ thẩm mỹ vi phạm và việc xử lý những nơi này ra sao?
Hiện TP có bao nhiêu bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thẩm mỹ? Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện ra sao? Giải pháp sắp tới để phòng ngừa tai biến thẩm mỹ?", bà Trâm đặt hàng loạt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với đại biểu, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, sở đưa ra các tiêu chí phân loại các đơn vị thẩm mỹ. Ở TP.HCM hiện có 15 đơn vị thẩm mỹ đều được đánh giá hằng năm và đưa lên cổng thông tin của sở để người dân biết và lựa chọn nơi tin cậy.
"Trong 15 đơn vị này, chúng tôi cũng có đánh giá chỉ có 3 bệnh viện ở mức độ trung bình, 6 bệnh viện ở mức độ trung bình khá, 6 bệnh viện còn lại ở mức độ khá. Chưa có bệnh viện nào loại tốt cả. Chúng ta phải khẳng định một điều như thế. Nếu chỉ tiêu là 5 thì chúng ta mới đạt 4/5", ông Bỉnh nhấn mạnh.
Toàn quảng cáo vượt mức để lừa gạt người dân
Theo ông Bỉnh, sai sót trong phòng khám thẩm mỹ hiện nay hầu như tập trung ở khâu quảng cáo. Các cơ sở này quảng cáo vượt mức để lừa gạt người dân, thu hút bệnh nhân không chính đáng.
Đặc biệt, các cơ sở đóng ở những chung cư cao cấp rất khó quản lý. Muốn lên chung cư phải có thẻ nên hiện ngành y tế rất khó khăn để tiếp cận kiểm tra, xử phạt những trường hợp quảng cáo không đúng quy định.
"Vừa rồi chúng tôi phối hợp Sở Thông tin - truyền thông gỡ hai bảng quảng cáo rất lớn. Còn một số trường hợp quảng cáo phức tạp chúng tôi cũng phối hợp với công an để có những chuyên án, sắp tới đây họ sẽ có những báo cáo".
Ông Bỉnh cho biết thêm lâu nay với các cơ sở spa, phun xăm, thêu da, Bộ Y tế chỉ quy định đăng ký kinh doanh tại phòng kinh tế, y tế của quận, huyện, sau đó báo cáo lên Sở Y tế.
Hiện trong 2.000 cơ sở tại TP.HCM có 99 trường hợp liên quan đến phun xăm, tập trung một số quận Bình Thạnh, 6, 10, 11, tuy nhiên việc quản lý không chặt. Do vậy, ngành y tế đã kiến nghị Bộ Y tế quy định thêm để quản lý chặt hơn những cơ sở phun xăm có sử dụng thuốc tê, kháng sinh...
Ngoài ra, sở sẽ kết hợp Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề. Các đơn vị kinh doanh loại hình thẩm mỹ nên cử nhân viên đi học để có hiểu biết cơ bản về vệ sinh, tránh nhiễm trùng cũng như kỹ năng sơ cứu...", ông Bỉnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận