Số ca COVID-19 ở Hà Nội tăng nhanh thời gian gần đây, dự báo sẽ lên tới 3.000 ca nhiễm/ngày - Ảnh: NAM TRẦN
Tối 27-12, Hà Nội thông báo có gần 2.000 ca COVID-19 trong vòng 24 giờ. Đây là số ca COVID-19 cao nhất tại thủ đô từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại TP này. Trước đó, Hà Nội cũng liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc mới ghi nhận trong ngày.
"Ca COVID-19 tăng đã nằm trong kịch bản"
Bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Ảnh: HĐND TP Hà Nội
Bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết số ca mắc tăng cao trong cộng đồng những ngày gần đây đã nằm trong kịch bản được lường trước, TP đã có kịch bản ứng phó.
"Hà Nội đang thực hiện chủ trương sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Với ca mắc tăng cao, việc cần làm ngay là giảm tỉ lệ tử vong, chuyển tầng điều trị bệnh nhân nặng. Rõ ràng chúng ta phải chấp nhận việc lây lan, ghi nhận F0 trong cộng đồng", bà Hà nói.
Trong bối cảnh hiện tại, ngành y tế TP đang nỗ lực để bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, giảm tỉ lệ tử vong ở những trường hợp này. Hà Nội cũng triển khai các tổ y tế lưu động tiêm ngay tại nhà cho những người yếu thế, người có bệnh lý nền, những người không thể đến cơ sở y tế để tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Hiện nay việc F0 thể nhẹ được điều trị tại nhà cũng sẽ giảm tải rất lớn cho các bệnh viện tầng 2, tầng 3.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, có tình trạng bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà tỉ lệ chuyển nặng tăng, cần có thông tin liên hệ sớm. Đặc biệt, y tế cơ sở phải chăm sóc F0 thật tốt, cho thuốc điều trị sớm để tránh quá tải tuyến trên; rất cần sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở để theo dõi, quản lý tại nhà, tránh việc đi lại, giao lưu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời gian tới có thể Hà Nội sẽ ghi nhận 3.000 ca COVID-19 trong một ngày. Để đáp ứng được yêu cầu điều trị khi số ca bệnh tăng nóng, Hà Nội sẽ phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế.
Hà Nội hiện đạt tỉ lệ rất cao và đang tiếp tục tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân, tiêm mũi nhắc lại cho người suy giảm miễn dịch.
Số ca bệnh nặng vào viện ngày càng gia tăng
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội - cho biết thời gian gần đây, số bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện ngày càng gia tăng.
"Để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân nhẹ vào viện, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có thử nghiệm ứng dụng theo dõi F0 điều trị tại nhà. Những F0 vào viện hiện nay đa số phải được thở máy và đặt ống nội khí quản, hỗ trợ lọc máu. Đa số chưa được tiêm vắc xin, có bệnh nền, đặc biệt là có những ca bệnh còn rất trẻ", ông Hải thông tin.
Về tình hình dịch bệnh chung tại Hà Nội, ông Hải đánh giá đa phần các ca nhiễm hiện nay đều không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
"TP nên cho những người này điều trị ở nhà. Ca bệnh có bệnh nền có nguy cơ cao thì TP nên cho vào các bệnh viện tầng 2 để theo dõi; dành số giường tại các bệnh viện tầng 3 cho các bệnh nhân nặng và rất nặng, để các bác sĩ tập trung theo dõi. Như vậy, tôi tin rằng TP Hà Nội vẫn sẽ kiểm soát được dịch bệnh", PGS.TS Hoàng Bùi Hải nhận định.
Trước câu hỏi Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội có tình trạng từ chối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng không, ông Hải khẳng định không có sự việc này.
"Chúng tôi không từ chối bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, các tuyến dưới muốn đưa bệnh nhân lên tầng 3 để điều trị thì phải thông báo trước để cơ sở tiếp nhận chuẩn bị giường và máy thở, để bệnh nhân không phải chờ đợi", ông Hải lưu ý.
Ông cũng yêu cầu các tuyến dưới phải trung thực, hạn chế tình trạng chuyển lên tuyến trên bệnh nhân chưa trở nặng, gây quá tải cho bệnh viện và ảnh hưởng tới công tác chuyên môn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận