Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thời điểm phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Quy định này có trong kế hoạch ứng phó với chủng mới Omicron, do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành. Trong đó yêu cầu thực hiện các quy định về kiểm dịch y tế, kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm; tăng cường rà soát hành khách nhập cảnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới.
Với hành khách đến/về từ các quốc gia đã ghi nhận ca mắc, có lây lan chủng mới Omicron, Hà Nội yêu cầu cách ly tập trung, bất kể tiền sử đã tiêm đủ mũi hay đã mắc COVID-19 trước đó.
So với quy định hiện hành của Bộ Y tế (cách ly tại nhà với người nhập cảnh đã tiêm đủ mũi, nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và đã tiêm đủ mũi không phải cách ly y tế), hướng dẫn của Hà Nội yêu cầu cao hơn.
Hiện đã có khoảng 90 quốc gia ghi nhận ca mắc chủng Omicron và từ ngày 1-1 tới Việt Nam mở lại chuyến bay quốc tế thường lệ, số người nhập cảnh sẽ gia tăng.
Trong thời gian qua, Hà Nội liên tục có nhiều quyết định gây tranh cãi, như quy định về giấy đi đường, khi cho phép F1 cách ly tại nhà thì không áp dụng với F1 ở 4 quận nội thành... Gần 10 ngày nay, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Số ca F0 ở TP.HCM giảm, tuyệt đối không chủ quan
Đánh giá về số ca nhiễm hiện nay tại TP.HCM, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cho biết phương án xét nghiệm tìm kiếm F0 trong cộng đồng tại TP vẫn không thay đổi, gồm test nhanh và RT-PCR.
Ông Tâm cho biết, những ngày vừa qua, dựa vào quy trình theo quy định của Bộ Y tế, số lượng F0 mà ngành y tế TP nắm được đang có xu hướng giảm.
Trước khi có báo cáo cụ thể lên Ban chỉ đạo, ngành y tế cũng đã xem xét toàn diện các khía cạnh khác như quan sát, so sánh số ca nhập viện với số ca tử vong… Những số liệu thống kê, so sánh đều cho thấy số ca COVID-19 trên địa bàn TP giảm.
Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là, nhất là dịp Tết dương lịch, Tết cổ truyền sắp tới và các hoạt động đang dần trở lại nhiều hơn, phải luôn tuân thủ 5K và hướng dẫn của ngành y tế.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ 27-12, hành khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ không cần kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ
Ngày 27-12, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định 2233 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch của quyết định số 1840 ngày 20-10.
Theo đó, bỏ điều kiện hành khách trên chuyến bay xuất phát từ các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Như vậy, các yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ còn cho hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Các hành khách khác chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện sau:
1. Đã có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay;
2. Có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay;
3. Có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Bên cạnh đó, hành khách khi bay phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo; và không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác…
Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
8 nhiệm vụ, giải pháp để Hà Nội ứng phó với biến chủng Omicron
- Tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài;
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp...;
- Tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron;
- Tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả;
- Triển khai đầy đủ, kip thời việc tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống phòng, chống dịch từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra;
- Tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng;
- Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như tuân thủ 5K, đảm bảo an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh sản xuất và khu vực tập trung đông người.
Có khoảng 45.000 người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi ở Đà Nẵng được tiêm phòng COVID-19 từ ngày 2 đến 5-11 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Cả nước có 7.102 ca COVID-19 nặng, số ca tử vong đã giảm. Báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết tính đến 17h ngày 27-12 cả nước ghi nhận trên 1,636 triệu ca COVID-19 tính từ đầu vụ dịch, trên 1,25 triệu người đã khỏi bệnh, chiếm tỉ lệ 76,4%.
Trong số người đang điều trị, có 230.000 người theo dõi, điều trị tại nhà; trên 112.000 người theo dõi, điều trị tại bệnh viện, bao gồm 7.102 người bệnh nặng.
So với trung bình 7 ngày trước, ngày 27-12 có số ca bệnh mới giảm 13,5%, số tử vong giảm 14,7%, số ca nặng giảm 8,4%. So với tuần trước, số ca mới tăng 8,5% nhưng số tử vong giảm 5%, số ca khỏi bệnh tăng 53,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 0,4%.
- Ngày 27-12, Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 1.948 ca dương tính mới, trong đó có 658 ca cộng đồng. Riêng quận Hoàng Mai có gần 300 ca với 117 ca cộng đồng. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (296); Đống Đa (182); Thanh Trì (136); Thanh Xuân (136); Bắc Từ Liêm (120); Cầu Giấy (117); Gia Lâm (109); Ba Đình (90); Thường Tín (90).
1.948 ca mắc mới phân bố tại 335 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 658 ca cộng đồng ghi nhận tại 210 xã phường thuộc 30/30 quận huyện. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4: 41.357 ca.
Tới hết ngày 26-12, Hà Nội có 20.154 ca bệnh đang được điều trị, trong đó tại bệnh viện là 2.460 ca, tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố là 2.429 ca, cơ sở thu dung của quận, huyện là 5.005 ca và 10.260 người đang cách ly điều trị tại nhà.
- Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến ngày 27-12, tỉnh Nam Định đã ghi nhận 3.053 ca COVID-19, trong đó có 1.099 ca cộng đồng, 1.954 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Hiện các cơ sở y tế của tỉnh đang cách ly, điều trị hơn 910 bệnh nhân COVID-19.
- Hậu Giang từ 18h ngày 25-12 đến 18h ngày 26-12 ghi nhận 413 ca mắc mới gồm: 5 ca về từ ngoài tỉnh, 7 ca là F1 được cách ly tập trung; 401 ca cộng đồng. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, tỉnh ghi nhận tổng số 14.408 ca COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người ở Hậu Giang được tiêm vắc xin là 599.136 người (trong đó: 565.076 người đã tiêm đủ 2 mũi, 34.060 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỉ lệ 98,77% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).
- Quảng Bình từ 6h ngày 26-12 đến 6h ngày 27-12 ghi nhận thêm 22 ca COVID-19, trong đó có 20 ca cộng đồng, 6 ca chưa rõ nguồn lây; trong ngày có 21 ca xuất viện. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.608; số ca điều trị khỏi là 3.161, còn 300 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 118 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
- Sáng 27-12, Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận 128 ca COVID-19, trong đó có 109 ca cộng đồng. Ngoài ra, còn có 17 ca đang cách ly tại nhà và 2 ca về từ vùng dịch. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 5.162 ca COVID-19.
- Từ 18h ngày 26-12 đến 11h ngày 27-11, Bến Tre ghi nhận 115 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 24.962 ca. Trong đó có 14.093 người kết thúc điều trị, 155 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận