07/01/2013 08:30 GMT+7

Giảm bớt nợ

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Đã qua năm mới nhưng còn nhiều người làm ăn phải vật lộn với nợ nần. Không chỉ nợ ngân hàng, còn nợ đối tác, người thân...

Khi người làm ăn mãi loay hoay với nợ nần, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ vỡ nợ thì còn đâu tâm trí, sức lực để mở rộng làm ăn, tìm thị trường mới, thêm việc làm... Vì vậy chuyện ra làm ăn nhưng ít nợ là hướng đi mới đang được giới làm ăn suy tính.

“Ai ra làm ăn mà không nợ” từ lâu đã là câu nói quen thuộc của giới kinh doanh. Thậm chí đã hình thành kiểu làm ăn “tay không bắt giặc”: tất cả làm bằng vốn vay. Nó bùng phát khi kinh tế phát triển nóng và ngân hàng mạnh tay cho vay. Vốn tự có của doanh nghiệp được kê khống khi đăng ký kinh doanh nhưng chẳng ai, kể cả ngân hàng, thẩm tra.... Nếu ví sức khỏe tài chính là cái cân, một bên nợ vay, bên kia là vốn tự có thì khi gánh bên nợ quá lớn, cái cân lệch qua một bên, chẳng khác nào như cái đòn bẩy quăng doanh nghiệp, dự án lên cao rồi rơi xuống đất vỡ tan - phá sản, gây bao hệ lụy.

Có số thống kê phản ánh thực trạng không lành mạnh của nền kinh tế, đó là dư nợ quá lớn, bằng 130% GDP, cao nhất trong khu vực. Đó là chưa kể cho vay lẫn nhau giữa người dân và doanh nghiệp. Cho vay nhiều nhưng thiếu kiểm soát, vốn rót vào những doanh nghiệp muốn “tay không bắt giặc” nên không thu về được, tiền trôi nổi ngoài ngân hàng, dẫn đến lạm phát, buộc phải siết cho vay. Khi siết cho vay, môi trường kinh doanh thay đổi, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang trong cảnh nợ nhiều phải chịu những cơn sốc.

Nhưng không thể yêu cầu người làm ăn phải có nhiều vốn tự có khi mà quá trình kinh doanh của họ chưa dài, nhiều lắm cũng chỉ từ khi đất nước đổi mới, nên khả năng tích lũy vốn chưa cao. Vậy thì doanh nghiệp lấy cái gì để bỏ vào cái thúng vốn tự có của bàn cân? Đây không chỉ là câu chuyện của người làm ăn, mà có trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước...

Chúng ta đã có thị trường chứng khoán, nơi để những dự án tốt, làm ăn hiệu quả tìm vốn. Gọi được vốn từ chứng khoán, người làm ăn không lo áp lực trả lãi hằng tháng, cũng chẳng lo bị đòi lại vốn góp như khi đi vay. Tìm vốn từ chứng khoán, mọi thứ phải minh bạch, công khai, khác với cho vay chỉ doanh nghiệp và ngân hàng biết, nhờ vậy vốn chỉ được rót vào những dự án có tiềm năng hiệu quả. Thế nhưng mấy năm qua, cái máy tạo vốn này lại chạy ì ạch. Chẳng có mấy vụ phát hành chứng khoán lần đầu nào để lại dấu ấn. Doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu cũng chẳng huy động được vốn từ nhà đầu tư.

Có thể những người quản thị trường chứng khoán nói rằng do kinh tế vĩ mô không ổn định nên người đầu tư không bỏ vốn. Đó là chuyện của năm trước. Nay trời đã bớt mây đen. Lạm phát chỉ còn một chữ số. Tỉ giá VND/USD thôi nhảy múa. Nền kinh tế và ngân hàng đang được cơ cấu lại. Biện pháp quản chặt vốn của doanh nghiệp nhà nước cũng dần rõ nét...

Bộ trưởng Bộ Tài chính hứa sẽ khôi phục kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng vừa công bố sáu nhóm giải pháp hỗ trợ chứng khoán... Trước mắt, nguồn vốn mà mọi người trông đợi sẽ rót vào chứng khoán là từ nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu.

Nếu doanh nghiệp bức xúc chuyện ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao, thì xã hội cũng phải sốt ruột trước sự ì ạch của thị trường chứng khoán. Thị trường chậm khởi sắc, mọi tính toán làm ăn sẽ khó thành hiện thực. Bởi, nếu doanh nghiệp lại gõ cửa ngân hàng tìm vốn thì cái vòng xoáy cho vay nhiều, lạm phát cao lại rơi vào khó khăn còn đeo đuổi doanh nghiệp và nền kinh tế này.

Nhà nước đang dọn dẹp đống nợ nần ở các ngân hàng thì cũng phải khẩn trương khởi động lại cỗ máy huy động vốn cho doanh nghiệp qua chứng khoán. Chậm trễ, không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế phải trả giá.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên