10/01/2019 15:55 GMT+7

Giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh như vậy tại hội thảo khoa học 'Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp'.

Giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hội thảo do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức chiều nay 10-1, được chủ trì bởi UBND TP.HCM với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các trường đại học và đại diện doanh nghiệp.

Thất nghiệp do chưa có thị trường lao động hoàn chỉnh

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức.

"Thực tế cho thấy một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu của việc thất nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh; sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…", ông Phong nhận định.

Ông Phong cũng nêu một thực tế, vừa qua có một tờ báo quốc tế đăng một bài viết về tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp đại học, nhưng phải đi làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng.

"Điều này cũng là chính đáng, song nó cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường. Việc giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng", ông Phong nhấn mạnh.

Đào tạo phải đáp ứng tốt nhu cầu xã hội

Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu then chốt đối với hệ thống giáo dục đại học là đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

"Do đó, xây dựng và tăng cường các mối liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Vì vậy, xây dựng và tăng cường sự liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội", GS Phong nói.

Đánh giá thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nhân lực hiện nay, ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - cho biết nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện, chủ động hơn trong việc liên kết với đào tạo như hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho sinh viên.

Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn chưa được sự chú trọng, quan tâm của doanh nghiệp.

Về phía nhà trường đã chủ động trong việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Nhưng việc khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp chưa thực sự chính xác, vì vậy hiệu quả mang lại cho sự liên kết đào tạo theo yêu cầu chưa cao.

Ông Tuấn đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó nhấn mạnh: "Tăng cường mở rộng đào tạo liên kết với các doanh nghiệp, cập nhật nội dung giảng dạy sát với thực tiễn chú trọng đào tạo kỹ năng, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ giao tiếp để nâng cao năng lực đào tạo theo nhu cầu xã hội".

60% sinh viên ra trường làm trái ngành

Giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội thảo chiều 10-1 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tình trạng sinh viên ra trường không làm đúng ngành được đào tạo rất phổ biến. Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, hiện có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành.

Thậm chí nhiều sinh viên còn làm những công việc ở các khu công nghiệp như lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may và phổ biến nhất hiện nay là chạy "xe ôm công nghệ" cho các hãng như Grab, những công việc không đòi hỏi trình độ ĐH.

Theo TS Đinh Công Khải - trưởng khoa quản lý nhà nước Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp. Sự thụ động trong tìm kiếm việc làm, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc; thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch…

Bên cạnh đó, sự ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận làm từ những công việc bình thường; không biết tạo dựng mối quan hệ để trau dồi kiến thức, chia sẻ thông tin; không có kinh nghiệm làm việc thực tế là những nguyên nhân chính mà các chuyên gia đã chỉ ra.

Các chuyên gia cho rằng sinh viên hãy mạnh dạn đi làm cộng tác viên, làm bán thời gian, nộp hồ sơ đi xin thực tập tại các công ty ngay từ năm 2, năm 3 để giải quyết yêu cầu về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng.

90% người trẻ ra nghề thất bại, sinh viên khởi nghiệp quá sớm? 90% người trẻ ra nghề thất bại, sinh viên khởi nghiệp quá sớm?

TTO - Không phải ngẫu nhiên cứ 10 người trẻ khởi nghiệp thì có đến 9 người thất bại. Sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn… khiến những startup (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) dần đi vào ngõ cụt.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên