05/03/2020 09:18 GMT+7

Giải quyết nước sinh hoạt cho người dân ra sao?

B.NGỌC - L.PHAN - C.QUỐC
B.NGỌC - L.PHAN - C.QUỐC

TTO - Đây là vấn đề được nhiều người dân ở các vùng hạn, mặn quan tâm.

Giải quyết nước sinh hoạt cho người dân ra sao? - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hùng (xã Bình Hành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) dựng hồ dự trữ nước bằng bạt để chuẩn bị mua nước ngọt từ xã Tân Thanh về tưới tiêu cho ruộng lúa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Nguyễn Văn Tỉnh (tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT):

Nhiều giải pháp tăng cung cấp nước ngọt

Dự kiến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn kéo dài khoảng 1-2 tháng nữa. Hiện nhiều địa phương bị nhiễm mặn nặng đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân về nước sinh hoạt và sản xuất.

Trong đó, tỉnh Bến Tre trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12/35 trạm cấp nước trong tỉnh để tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân. 

Các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước, nâng công suất nhà máy cấp nước cho các hộ dân. Số hộ thiếu nước còn lại ở Kiên Giang sẽ sử dụng cấp nước di động bằng xe bồn...

Tỉnh Bạc Liêu đang ứng vốn trước đầu tư mở rộng 36km mạng lưới đường ống và khoan bổ sung 4 giếng nước ngầm để cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tỉnh Long An hỗ trợ kinh phí mua 160 bồn trữ nước cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cần Giuộc. 

Trong khi đó, Tiền Giang lắp đặt 50 vòi nước công cộng đảm bảo khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày xâm nhập mặn lên cao.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thu thập các thông tin về dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong để phục vụ cho việc dự báo xâm nhập mặn, dự báo nguồn nước cho công trình thủy lợi vận hành.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ):

Ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân

Theo tôi, ưu tiên số 1 là tập trung cấp nước cho những vùng hạn, mặn gay gắt để người dân có nước uống, sinh hoạt, còn sản xuất phải tạm ngưng. Cách này Thái Lan đã làm. Khi có nguy cơ như vậy, họ dồn nước cho sinh hoạt, mọi hoạt động dùng nước cho sản xuất đều bị cấm.

Về giải pháp lâu dài, nên thực hiện việc đào hồ trữ nước ngọt cho mùa khô. Theo đó, Nhà nước chỉ nên làm những công trình lớn, nhưng phải dựa trên khảo sát, nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng hồ bị nhiễm mặn như ở Bến Tre. 

Hay nhất vẫn là làm hồ chứa trong dân vì Nhà nước không thể đủ nguồn lực để đầu tư hết. Nên khuyến khích nông dân tự làm hồ chứa như cách làm điện năng lượng mặt trời. Nhà nước có thể hỗ trợ bạt (tìm kiếm nguồn cung cấp loại tốt), hỗ trợ kỹ thuật, cách tưới tiêu nhỏ giọt thế nào để họ xài vừa đủ cho lượng nước được dự trữ.

Ông Trần Kim Thạch (trưởng phòng quản lý chất lượng nước Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco):

Có thể ban hành một quy chuẩn tạm thời

Hiện nay hầu như tất cả các nhà máy nước tại VN đều chủ yếu sử dụng nước mặt từ sông, sau đó xử lý lại và cung cấp cho người dân. 

Do đa số các nhà máy nước trên cả nước đều không xử lý được nước mặn nên khi độ mặn của nguồn nước tự nhiên vượt quá tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho phép (250mg/l đối với các khu vực thông thường và 300mg/l đối với các khu vực ven biển), các nhà máy sẽ ngưng lấy nước. 

Tuy nhiên trong trường hợp quá khẩn cấp, lãnh đạo địa phương có thể ban hành một quy chuẩn tạm thời (cho phép độ mặn cao hơn quy chuẩn Bộ Y tế) để đảm bảo cấp nước cho người dân.

Tại TP.HCM, mùa khô năm 2015-2016, khu vực sông Sài Gòn đã bị nhiễm mặn, ranh mặn xâm nhập vào sâu khiến các nhà máy nước bị đe dọa phải tạm ngưng lấy nước mặt để xử lý. 

Vào thời điểm này các nhà máy nước ở TP.HCM chuyển sang sử dụng nguồn nước dự trữ tại các bể chứa. Tuy nhiên do chế độ thủy triều của VN là bán nhật triều nên thời gian xâm nhập mặn cũng chỉ kéo dài khoảng 4-5 tiếng, sau đó nguồn nước mặt đã ổn định trở lại.

Về việc đầu tư các nhà máy xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt, chi phí đầu tư và vận hành khá cao. Các nhà máy nước này bình thường sẽ hoạt động như một nhà máy nước thông thường nhưng khi nguồn nước nhiễm mặn sẽ chuyển qua vận hành hệ thống xử lý nước mặn. 

Trước đây tại TP.HCM có một nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt tại huyện Cần Giờ, chất lượng nước đầu ra sau khi xử lý khá tốt nhưng nhà máy cũng chỉ hoạt động được một thời gian rồi đóng cửa vì tiền nước bán ra không thể bù lỗ cho chi phí vận hành.

Hạn mặn Hạn mặn 'lên đỉnh', 80.000ha cây ăn trái nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

TTO - Từ ngày 7 đến 15-3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ 'đạt đỉnh', xâm nhập mặn vào sâu 100-110km. Tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.


B.NGỌC - L.PHAN - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên