19/09/2014 08:55 GMT+7

​Giải quyết khiếu nại có bao che tiêu cực?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Sáng 18-9, trong phiên họp thứ 17, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có ý kiến về báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ trong năm 2014.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Ảnh: Hoàng Điệp
Ông Nguyễn Bá Thuyền - Ảnh: Hoàng Điệp
Thực tế có người dân đi mua đất với giá 20 triệu đồng/m2 nhưng khi bị giải tỏa, thu hồi thì Nhà nước đền bù 2 triệu đồng. Đền bù như thế thì ai chịu được
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền

Theo báo cáo của Chính phủ thì tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2014 đã giảm về số vụ việc, tuy nhiên khiếu nại đông người lại tăng.

Cả nước có hơn 81.000 đơn khiếu nại và 19.000 đơn tố cáo, tuy nhiên có đến 59% số đơn khiếu nại và 63% đơn tố cáo sai.

Giải quyết rốt ráo thì người dân đã không khiếu nại

Phát biểu về báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc giảm khiếu nại, tố cáo không hẳn là do Chính phủ làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn có lý do là nền kinh tế đi xuống, các dự án không thể tiếp tục thực hiện nên việc phát sinh mâu thuẫn trong đền bù giải tỏa không có và số vụ khiếu nại giảm.

Đề cập về số liệu cho rằng các đơn khiếu nại, tố cáo sai, ông Thuyền nói thực tế công tác tiếp công dân cho thấy dân đi khiếu nại không bao giờ sai cả. Họ bức xúc đủ đường nhưng do cán bộ không giải quyết, vì giải quyết cái này có hậu quả khác nên cứ đùn đẩy cho nhau dẫn đến giải quyết không thỏa đáng.

“Tôi lấy ví dụ khi làm quốc lộ 20, sau giải phóng mặt bằng cán bộ cứ động viên dân thong thả chờ nhưng cuối cùng đường làm xong không bồi thường cho ai hết. Rồi cán bộ lại bảo dân không đồng ý thì kiện ra tòa, mà tòa hành chính là tòa dân kiện quan, tâm lý đã vậy nên không ai buồn đi kiện".

"Thật ra tâm lý người dân cho ra tòa là kiện quan nên e ngại, chứ nếu dân kiện thì thế nào cũng thắng vì chính quyền sai rồi” - ông Thuyền nói.

Ông Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Thuận) cho rằng lâu nay dân làm gì sai thì xử lý đến nơi đến chốn nhưng cán bộ làm sai, cơ quan nhà nước làm sai thì không thấy xử lý gì cả. Thậm chí, ông Cương còn khẳng định rằng ngay cả việc kiểm điểm cũng không luôn.

“Theo tôi, Chính phủ cần đánh giá lại về công tác cán bộ trong giải quyết khiếu nại tố cáo thì mới nâng cao trách nhiệm được”. Theo ông Cương, nếu giải quyết rốt ráo thì người dân đã không khiếu nại lên cấp trên.

Các đại biểu cũng cho rằng việc giải quyết đơn thư khiếu nại của các cơ quan nhà nước là chưa hết trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Luật tiếp công dân quy định là người đứng đầu cơ quan nhưng thật ra lãnh đạo không giải quyết, toàn đẩy cho cán bộ cấp dưới.

Do đó vấn đề mấu chốt là hoàn thiện chính sách pháp luật cho phù hợp. Ngoài ra đội ngũ cán bộ tiếp dân cần phải có năng lực, tâm huyết chứ đưa cán bộ yếu, không làm được gì cho ra ngồi chơi xơi nước tiếp dân là không được.

Các đại biểu cũng cho rằng cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp dân khởi kiện ra tòa càng nhiều càng tốt, đã làm sai thì quan cũng phải bồi thường.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: Hoàng Điệp
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: Hoàng Điệp
Việc xử lý cán bộ có trách nhiệm liên quan là quá xa xỉ, trong khi cán bộ có vi phạm không? Chắc chắn có
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Sai do năng lực hay cố tình?

Ông Chu Sơn Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng báo cáo của Chính phủ như thế là chưa phù hợp và có vẻ như đánh giá năm nào cũng đúng.

Bà Trương Thị Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng báo cáo như thế này để năm nào cũng đúng hết.

Dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho rằng 26% đơn tố cáo và 41% đơn khiếu nại có đúng có sai, ông Cương đặt câu hỏi tại sao Chính phủ không phân tích xem đội ngũ cán bộ ở cấp nào làm sai, làm sai do năng lực kém hay do cố tình làm sai.

“Sau khi rà soát thì thấy việc giải quyết có bao che tiêu cực hay không, từ những phân tích như vậy mới đưa ra đánh giá cụ thể chứ báo cáo thế này thì rất chung chung” - ông Cương nói.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sự gia tăng các đoàn khiếu kiện đông người cũng như sự chống đối quyết liệt đối với người thi hành công vụ trong năm vừa qua là thực trạng đáng báo động, thể hiện sự phản ứng của người dân đối với hoạt động kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân trong quản lý nhà nước cũng như trong công tác khiếu nại, tố cáo.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, dẫn đến việc dễ bị kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Do đó Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ rà soát để đánh giá sát hơn thực tế tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm qua và dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, nhất là những vụ việc phức tạp, bức xúc do thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hoặc cán bộ còn thể hiện sự tham nhũng tiêu cực, từ đó có biện pháp phù hợp hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Điều tra viên nên có mặt ở tòa

Ngày 18-9, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Hoàn thiện thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm trong dự án Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp” do Viện KSND tối cao tổ chức.

Theo đó, một trong những vấn đề được các đại biểu đề cập và thảo luận sôi nổi là việc có đưa điều tra viên ra tòa không, ra tòa với tư cách gì? Bởi điều tra viên không phải người liên quan, cũng không thể là nhân chứng.

Tuy nhiên, các ý kiến trong hội thảo đều cho rằng việc sửa bộ luật cần quy định rõ ràng về việc điều tra viên có mặt tại phiên tòa để đối chất với các bị cáo là cần thiết. 

Ông Trần Văn Độ - phó chánh án TAND tối cao - cho rằng các bị cáo ra tòa đều nói bị bức cung nhục hình nhưng viện kiểm sát lại đề nghị đưa bằng chứng ra.

“Người ta lấy đâu ra bằng chứng, vậy nên đưa điều tra viên ra tòa là hợp lý” - ông Độ nói.

Còn ông Hoàng Ngọc Cẩn - Viện KSND TP Hà Nội - cho biết dù không có chuyện bức cung, nhục hình thì việc điều tra viên ra trước tòa để đối chất cũng khiến cho quyền của bị cáo được đảm bảo.

H.Đ.

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên