
guồn: Time - Dữ liệu: THANH BÌNH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Ngày 7-7, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan từ 25% đến 40% đối với hàng hóa nhập khẩu từ 14 quốc gia, chủ yếu tại châu Á.
Danh sách gồm các đối tác thương mại quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cùng nhiều nước khác. Đây là đợt đầu tiên trong loạt biện pháp thuế quan mà ông tuyên bố sẽ triển khai khi Washington tiếp tục đàm phán các thỏa thuận thương mại trước thời hạn 1-8.
Đòn gió?
Ông Trump đã đăng loạt bức thư gần như giống nhau lên mạng xã hội Truth Social, với các mức thuế tương tự những gì ông công bố trong "Ngày giải phóng" hồi tháng 4.
Mức thuế khởi điểm 25% áp dụng cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia, trong khi Myanmar và Lào đối mặt mức thuế cao nhất 40%. Nam Phi, Bosnia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Thái Lan và Campuchia sẽ chịu thuế từ 30 - 36%.
"Thật không may mối quan hệ của chúng ta vẫn chưa mang tính có đi có lại", ông viết trong thư và nhấn mạnh các mức thuế này chỉ là điểm khởi đầu.
"Nếu vì bất kỳ lý do gì mà các vị quyết định tăng thuế quan đối với Mỹ thì con số mà các vị tăng thêm đó sẽ được cộng vào mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên các vị", ông cảnh báo.
Những bức thư này, với cách dùng chữ in hoa bất thường và những lời khẳng định về nguyên nhân gây thâm hụt thương mại song phương, bị coi là phá vỡ các chuẩn mực ngoại giao thương mại, theo báo Washington Post.
Các nhà kinh tế, doanh nghiệp và giới chức nước ngoài đang nỗ lực giải mã ý đồ thực sự của Mỹ. Không rõ liệu chính quyền ông Trump có thực sự nghiêm túc với kế hoạch hay chỉ đang cố gắng kích hoạt lại các cuộc đàm phán bị đình trệ. Tuy nhiên, cả hai kịch bản này đều làm gia tăng bất ổn kinh tế.
"Mối đe dọa rất lớn, nhưng cứ như ông ấy không muốn "bóp cò". Ông ấy liên tục kéo dài thời hạn để các nước có thời gian thương lượng. Dù đây có là một đòn gió nữa hay không thì rõ ràng nó đang khiến mọi thứ bất ổn", ông Marcus Noland, phó chủ tịch điều hành Viện Kinh tế quốc tế Peterson, bình luận.
Hôm 6-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng những bức thư thông báo thuế quan này là cách để khuyến khích các nước đẩy nhanh đàm phán thương mại. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rất nhiều thỏa thuận đạt được rất nhanh", ông nói trên Đài CNN.
Cuộc đua với thời gian
Từ tháng 4, Washington đã tạm hoãn trong 90 ngày việc áp mức thuế từ 10 - 50% đối với hàng nhập khẩu từ hàng chục quốc gia, dự kiến kết thúc vào 9-7. Tuy nhiên, ông đã ký sắc lệnh gia hạn đến 1-8, tạo ra quả "bom hẹn giờ" đang đếm ngược.
Trong các bức thư gửi tới 14 nước, những quốc gia có mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ trở thành mục tiêu chính.
Nhật Bản dẫn đầu với thặng dư thương mại hàng hóa 68,5 tỉ USD năm 2024, tiếp theo là Hàn Quốc (66 tỉ USD), Thái Lan (45,6 tỉ USD) và Indonesia (17,9 tỉ USD) - tất cả đều nằm tại châu Á.
Hiện tại nhiều nước vẫn muốn đạt thỏa thuận với Mỹ nhưng không sẵn sàng nhượng bộ hoàn toàn. Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai phát biểu ngày 8-7 rằng Bangkok muốn có "một thỏa thuận tốt hơn".
Nhật Bản cũng không muốn hy sinh ngành nông nghiệp và quyết tâm bảo vệ ngành ô tô - trụ cột của nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu.
Chỉ còn khoảng ba tuần tới mốc 1-8, ba kịch bản chính có thể diễn ra: các nước nhượng bộ và chấp nhận thỏa thuận bất lợi; ông Trump gia hạn để tiếp tục đàm phán; không bên nào nhượng bộ và mức thuế mới chính thức có hiệu lực.
"Nếu các vị định mở cửa thị trường đang đóng kín của mình đối với Mỹ và loại bỏ các rào cản thương mại cũng như chính sách thuế quan và phi thuế quan của các vị, thì chúng tôi sẽ có thể cân nhắc điều chỉnh nội dung trong thư này", ông Trump viết.
Bà Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á và cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ, nhận định ông Trump đang quyết tâm gây sức ép với các đối tác thương mại mà ông cho rằng không hành động đủ nhanh.
"Tuy nhiên, tôi thấy thật khó hiểu khi đánh thuế cao vào hai đồng minh thân thiết như Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt khi chúng ta đang được hưởng lợi từ việc hợp tác với họ trong các lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng và sản xuất chip, cũng như khi doanh nghiệp của họ đang đầu tư nhiều vào Mỹ", bà nói.
Bà Cutler đặc biệt bất ngờ với mức thuế áp lên Hàn Quốc - quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ từ 2012.
Ông Trump từ lâu gọi đây là "thỏa thuận thương mại giết chết việc làm". Việc ông sẵn sàng nhắm vào một đối tác thương mại lâu năm, theo bà Cutler, báo hiệu sự thay đổi lớn hơn trong chính sách thương mại của Mỹ.
ASEAN bày tỏ quan ngại
Theo bản dự thảo tuyên bố chung được chia sẻ với Hãng tin AFP ngày 8-7, các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ bày tỏ "quan ngại" về các mức thuế quan của Mỹ mà họ cho là "phản tác dụng".
Cuộc chiến thương mại của ông Trump nhiều khả năng sẽ là chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Malaysia trong tuần này.
"Chúng tôi bày tỏ quan ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và những bất ổn ngày càng lớn trong bối cảnh kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hành động đơn phương liên quan đến thuế quan" - bản dự thảo tuyên bố chung có đoạn này, nhưng không nêu trực tiếp tên Mỹ.

Công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội - Ảnh: AFP
Giấy chứng nhận xuất xứ: vũ khí mới trong ngoại giao thương mại
Khi thuế quan Mỹ gia tăng, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không chỉ là giấy tờ mà trở thành tài sản chiến lược quyết định vận mệnh doanh nghiệp.
Theo Chỉ số Niềm tin kinh doanh quý 2-2025 của EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang nhận thức rõ hơn về giá trị chiến lược của C/O.
Tuy nhiên, liệu quy trình cấp C/O của Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gia tăng khi các mức thuế chính thức từ Mỹ được triển khai?
Số liệu từ EuroCham cho thấy sự phân hóa rõ rệt: các doanh nghiệp lớn nộp C/O với tần suất gấp đôi so với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), phản ánh vai trò của C/O trong việc khẳng định uy tín chuỗi cung ứng toàn cầu và tối ưu hóa thuế quan.
Về thời gian xử lý, chỉ 30% doanh nghiệp nhận C/O trong khung thời gian tiêu chuẩn 3-5 ngày làm việc, 12% gặp tình trạng chậm trễ trên một tuần có nguy cơ làm gián đoạn việc giao hàng, trong khi 5% nhận C/O trong vòng 24 giờ.
Tín hiệu tích cực đến từ việc Bộ Công Thương tiếp nhận quy trình cấp C/O từ ngày 5-5 và có kế hoạch triển khai hệ thống cấp C/O điện tử trên toàn quốc. Động thái này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý và tích hợp hiệu quả hơn với hệ thống hải quan điện tử.
Ông Bruno Jaspaert, tổng giám đốc tổ hợp Khu công nghiệp Deep C, đánh giá Việt Nam đã cho thấy tinh thần thực tế và linh hoạt đáng nể.
Ngay cả khi đối mặt với nguy cơ sụt giảm FDI trong ngắn hạn do các vấn đề thuế quan, ông vẫn nhìn thấy cơ hội để Việt Nam đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm có tay nghề chưa cao, chuẩn bị cho nhu cầu ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp ở phân khúc cao hơn.
Ông Andrew Staples - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành GeoPol Asia (Singapore), chuyên gia thương mại và địa chính trị quốc tế - khẳng định Việt Nam đang ở vị thế tốt.
Ông nhấn mạnh những lợi thế như lực lượng dân số lớn, trẻ và có học thức, sự ổn định chính trị cùng chuỗi cung ứng không thể thay đổi trong một sớm một chiều. "Xét trên tổng thể, nếu phải đặt niềm tin vào đâu lúc này, tôi sẽ chọn Việt Nam. Thị trường chứng khoán dường như đã tăng khoảng 28% kể từ ngày 2-4", ông Staples nhận định.
HỒNG PHÚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận