Sáng 17-8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ kỷ niệm và phát thưởng Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng - Khăn Quàng Đỏ TP.HCM năm học 2024-2025.
Ra đời từ những trăn trở
Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên tại TP.HCM và một số tỉnh, thành có học sinh đoạt giải.
Trong hội trường, ánh mắt học sinh đoạt giải lấp lánh niềm vui. Các em được xem những thước phim về những thế hệ học sinh đoạt giải Lê Quý Đôn nay đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân thành đạt.
"Em cảm thấy thật hạnh phúc khi đoạt giải Lê Quý Đôn và em cũng muốn sau này như những cô chú đã từng đoạt giải Lê Quý Đôn hôm nay được chiếu lên màn hình ở đây" - Hoàng Phương, một học sinh đoạt giải Lê Quý Đôn năm học 2023-2024, chia sẻ.
Năm 1995, Giải Lê Quý Đôn chính thức ra đời trên báo Nhi Đồng TP.HCM từ những trăn trở tâm huyết của ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và ban biên tập báo Khăn Quàng Đỏ.
Giải Lê Quý Đôn khởi đầu từ ý tưởng làm sao để các em thiếu nhi chủ động tìm hiểu, học hỏi kiến thức phong phú từ cuộc sống xung quanh, chứ không chỉ học lý thuyết từ sách vở, làm sao để các em thiếu nhi biết vui chơi giải trí lành mạnh, làm theo những điều hay lẽ phải được giới thiệu trên báo Đội.
Đề thi trên báo hằng tuần là những câu hỏi có tính gợi mở, giúp các em tập quan sát cuộc sống xung quanh, tập ứng dụng những kiến thức vừa học giải quyết những tình huống thực tế.
Chính vì thế mà nó luôn hấp dẫn, mang tới nhiều cảm hứng cho học sinh. Năm đầu tiên, ban tổ chức đã nhận được 17.000 bài dự thi, đến năm thứ hai bài dự thi tăng vọt lên 70.000. Cứ như thế, Giải Lê Quý Đôn được phát triển và mở rộng.
Đến năm 1999, trước nhu cầu đông đảo học sinh THCS, ban tổ chức đã mở rộng đối tượng dự thi, tổ chức thêm Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ.
"Học mà chơi, chơi mà học"
Nhìn lại chặng đường 30 năm, ông Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban tổ chức Giải Lê Quý Đôn - đánh giá: "Nếu được dùng một từ khóa để giải mã sự thành công của một sân chơi có sức sống mạnh mẽ như Giải Lê Quý Đôn, chúng tôi thấy rõ nhất là các từ: sáng tạo - tận tụy - tiến bộ".
Sở dĩ nói "sáng tạo" vì Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cùng báo Khăn Quàng Đỏ đã "sáng tạo" nên một hình thức "học mà chơi, chơi mà học" rất hiệu quả.
Đề thi còn cập nhật những vấn đề thời sự được thể hiện bằng hình thức mới mẻ, hấp dẫn, giúp học sinh hào hứng đối diện với những thử thách hằng tuần trên mặt báo bằng tinh thần chinh phục; hình thức tổ chức thi chung kết đa dạng, không giới hạn không gian…
Sự "tận tụy" của một giải thưởng đi suốt chiều dài 30 năm là những âm thầm cống hiến của đội ngũ thầy cô giáo tận tụy chấm thi, bền bỉ, hết lòng với mỗi bài thi…
Sự "tiến bộ" của giải thưởng này không chỉ đến từ cách tổ chức, mà hơn hết là giải thưởng góp phần khiến cuộc đời học sinh của các em tiến bộ không ngừng. Sau 30 năm với hàng ngàn học sinh ngày ấy đã đoạt giải nay thành danh là những kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân thành đạt.
Cuộc thi hữu ích, thiết thực cho học sinh, gợi mở cho giáo viên
Năm học 2023 - 2024, Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM và Khăn Quàng Đỏ nhận được bài làm của hơn 90.000 học sinh cấp THCS và cấp tiểu học đến từ TPH.CM và các tỉnh Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Trà Vinh…
Trong đó nhiều trường đã nhiệt tình và hào hứng gửi bài với số lượng vượt trội như Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12): 42.368 bài; tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12): 17.635 bài, tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 12): 16.517 bài, tiểu học Bình Trị 2 (quận Bình Tân): 32.706 bài, tiểu học An Lạc 1 (quận Bình Tân): 37.491 bài, tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp): 20.762 bài…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nói: "Cuộc thi được tổ chức một giai đoạn dài, duy trì được thành quả tốt, được nhiều thế hệ học sinh đón nhận và lan tỏa rộng khắp đã thể hiện được sự thiết thực của cuộc thi đối với đời sống của học sinh".
Ông Quốc cho biết trong những năm gần đây, đề thi Giải Lê Quý Đôn ngoài những nội dung kiến thức môn học, một nội dung quan trọng, mới lạ được đưa vào lồng ghép trong bài thi là bộ môn giáo dục địa phương.
Thông qua chủ đề những đợt thi trong năm của giải thưởng, giúp nội dung giáo dục địa phương ngày càng trở nên hấp dẫn, sâu sắc trong cảm nhận của học sinh.
Cuộc thi là sân chơi bổ ích giúp các em học sinh rèn luyện kiến thức, kỹ năng, giúp các em luyện tập làm quen với cách kiểm tra, đánh giá mới, phát triển phẩm chất kỹ năng theo chương trình phổ thông 2018.
"Cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh am hiểu hơn về cuộc sống, TP.HCM, mà từng bài thi, từng đề thi với sự đổi mới của nó còn giúp thầy cô ở nhiều trường THCS tích lũy những dạng đề học tập, kiểm tra đánh giá theo định hướng chương trình 2018", ông Quốc nhìn nhận.
Phát động Giải Lê Quý Đôn lần thứ 30
Ngày 17-8, thay mặt ban tổ chức, ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - đã phát động Giải Lê Quý Đôn trên báo Nhi Đồng TP.HCM lần thứ 30 và Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ lần thứ 26. Cuộc thi sẽ bắt đầu từ tháng 9-2024 đến tháng 5-2025, với những nội dung thi sẽ được đăng trên ấn phẩm.
Năm học 2024-2025 là một năm đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là năm kỷ niệm 30 năm Giải Lê Quý Đôn, cuộc thi sẽ có nhiều sáng tạo, đổi mới, mang dấu ấn sự phối hợp của phòng tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM, Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.
Tri ân những đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho Giải Lê Quý Đôn
Tại buổi lễ, thay mặt ban tổ chức, ông Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - điểm lại những dấu ấn hành trình 30 năm và gửi lời tri ân đến tất cả những đóng góp của các đơn vị và biết bao thế hệ cho Giải Lê Quý Đôn.
"Chúng tôi xin được tri ân tất cả thầy cô giáo, các anh chị nhà báo các thế hệ đã dành nhiều tâm huyết, xây dựng vun đắp cho Giải Lê Quý Đôn để từ một mục trên báo đã không ngừng phát triển trở thành một hoạt động xã hội có ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã tin cậy và hợp tác với báo" - ông Nguyễn Khắc Cường phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận