Gặp Đỗ Duy Vị mới đây tại Đại sứ quán Cộng hòa Czech ở Việt Nam, trong một sự kiện đấu giá bộ sưu tập thời trang để gây quỹ cho Tổ chức Blue Dragon (Rồng Xanh) mà Vị làm giám đốc điều hành, nếu không được giới thiệu, không ai nghĩ vị giám đốc điều hành trẻ tuổi này từng là trẻ lang thang đánh giày còi cọc, đen đúa.
Vị mặc áo dài ngũ thân, đội khăn xếp, sắc vóc khỏe mạnh, nói tiếng Anh "như gió" và nụ cười tỏa rạng thường trực của một người hạnh phúc.
Khi một đứa trẻ đánh giày được trao cơ hội
Sinh ra trong một gia đình đông con ở vùng quê Nam Định, Vị từng lớn lên với nhiều nỗi cơ cực của một đứa trẻ nông thôn nghèo khó. Vị sớm bỏ học lên thành phố kiếm sống.
Năm 2003, khi mới 15 tuổi, Vị lên Hà Nội gia nhập đội quân những đứa trẻ đường phố. Ngày ngày Vị đi đánh giày xung quanh khu vực Chương Dương, Bờ Hồ kiếm sống và gửi tiền về quê hỗ trợ gia đình. Nhưng niềm vui của đứa trẻ sớm biết kiếm tiền khá ngắn ngủi. Những cơ cực của đời mưu sinh đường phố khiến Vị nhận ra cậu không muốn phải chịu đựng thế này mãi.
Rồi một ngày đi ngang qua một ngôi trường trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) đúng lúc giờ tan học, Vị trào nước mắt tủi cực. Từ phía cổng trường, các bạn cùng trang lứa mặc quần áo đẹp ùa ra, leo lên xe của cha mẹ. Còn Vị tay đang ôm hộp đồ nghề đánh giày, bơ vơ, đói khát. Ngày hôm đó Vị chẳng có một vị khách nào. "Sao các bạn được hạnh phúc như vậy mà mình lại thế này?" - câu hỏi nhói lên trong tim.
Vận may như phép màu đã đến với Vị. Một lần đi đánh giày, Vị gặp một "anh Tây" tên Michael Brosowski. Vị khách này không chỉ trả tiền công cho Vị mà còn cho Vị chiếc bánh rất ngon. Anh còn mời Vị nếu muốn học tiếng Anh thì chủ nhật có thể đến quán cà phê này anh dạy tiếng Anh miễn phí cho một số trẻ đường phố.
Tâm lý của một đứa trẻ lang thang với quá nhiều cạm bẫy gặp phải hằng ngày khiến Vị sợ bị lừa, nhưng ham muốn được học và tìm kiếm các cơ hội đã đưa đôi chân của Vị đến với lớp học tiếng Anh của Michael Brosowski.
Tuy nhiên, lớp học ngày càng đông trẻ lang thang đến học khiến quán cà phê không thể tiếp tục hoạt động. Michael Brosowski quyết định nghỉ công việc giảng dạy tại một trường đại học, trở về quê hương Úc bán một số tài sản để quay lại Việt Nam, thành lập Blue Dragon để hỗ trợ trẻ em đường phố và nạn nhân mua bán người. Vị là một trong những đứa trẻ đầu tiên được giúp đỡ.
Vị được cung cấp chỗ ăn ở, được đi học nghề nhà hàng khách sạn. Hơn hai năm sau, Vị không còn phải cần đến sự hỗ trợ của Blue Dragon. Nhờ ham học hỏi, chỉ vài năm Vị đã được trao vị trí giám sát quầy bar của một khách sạn năm sao tại Hà Nội.
Lòng tốt đáp đền lòng tốt
Trong thời gian làm việc ở khách sạn, Vị thuê căn nhà gần khu vực chợ Long Biên. Một ngày anh gặp hai đứa trẻ lang thang, y hệt hình ảnh của mình trước đó. Vị muốn giúp đỡ các em, như mình đã được giúp đỡ, được trao cơ hội. Vị đưa các em về nhà sống cùng, uốn nắn, hỗ trợ - một công việc không hề dễ dàng khi những đứa trẻ bỏ nhà đi bụi thường có quá nhiều vấn đề cá nhân, khó giải quyết.
Michael Brosowski biết câu chuyện của Vị, hỏi Vị có muốn về làm việc cho Blue Dragon chứ không chỉ là tình nguyện viên thỉnh thoảng hỗ trợ. Vị từ chối, chỉ muốn làm tình nguyện trong sáu tháng, trước khi bắt đầu hành trình mới trong công việc anh yêu thích đem lại thu nhập tốt.
Nhưng sáu tháng trôi qua, với những công việc khó khăn, nguy hiểm như tối tối đến các gầm cầu, bến xe, công viên... để tìm kiếm trẻ lang thang mà tìm cách giúp đỡ, Vị vẫn chưa nghỉ việc.
Những năm ấy, ma túy vẫn là vấn đề nổi cộm, rồi chuyện lạm dụng tình dục trẻ em đường phố khiến công việc tiếp cận trẻ lang thang nhiều lần đặt Vị vào tình huống dựng tóc gáy và cả... trầm cảm.
Đó là thời điểm Vị khóc, không giao tiếp xã hội vì chứng kiến những đứa trẻ bị tổn thương nặng nề đến mức tìm kiếm tới những giải pháp tiêu cực. Đặc biệt, khi phải chứng kiến những đứa trẻ mình gắn bó thời gian dài mà phải bất lực không thể giúp, Vị càng khổ sở.
Vị đã không rời bỏ Blue Dragon như dự định ban đầu. Ý nghĩ những đứa trẻ đường phố, những nạn nhân cũng giống mình khi xưa rất cần ai đó lôi ra khỏi cuộc sống khắc nghiệt mà các em đang phải đối mặt, đã níu Vị ở lại.
"Mình đã may mắn như vậy tại sao mình không làm gì đấy để trả lại những gì mình đã được nhận" - nghĩ vậy, Vị quyết định gắn bó với công việc hỗ trợ trẻ em đường phố và nạn nhân mua bán người ở Blue Dragon.
Đầu năm 2022, sau hơn 10 năm làm việc cho Blue Dragon và tự học rất nhiều, Đỗ Duy Vị được bổ nhiệm vào vị trí đồng giám đốc điều hành của Blue Dragon.
Triết lý của anh giám đốc ở trọ
Đỗ Duy Vị cho biết tại Blue Dragon (hiện có mặt tại bảy tỉnh thành Việt Nam), trẻ được hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh, nhu cầu và được hỗ trợ giải quyết vấn đề tận gốc.
Tới nay, sau 20 năm hoạt động, hàng ngàn đứa trẻ đường phố đã được hỗ trợ và trao cơ hội. Không hiếm những trường hợp khá thành đạt, có cả những người trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho trẻ đường phố nói riêng và các bạn trẻ nói chung như Đỗ Duy Vị.
Khi đã làm giám đốc một tổ chức với hơn 100 nhân viên hoạt động trên bảy tỉnh thành cả nước, Đỗ Duy Vị vẫn ở nhà thuê. Nhưng anh tự nhận mình là một người hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ luôn thường trực của anh cũng chứng minh điều đó. Vị nhận mình là người giàu có, bởi tài sản của anh không chỉ tính bằng tài chính mà cân bằng giữa các yếu tố sức khỏe, gia đình, các mối quan hệ, kiến thức... bên cạnh tiền bạc.
Và với anh một người hạnh phúc là một người có nhiều mối quan hệ lành mạnh, biết nuôi dưỡng lòng biết ơn trong mình, chứ không phải có nhiều tiền.
Nhưng Vị vẫn còn nuôi ước mơ lớn là Blue Dragon càng ngày càng lớn mạnh lên để thêm những đứa trẻ bơ vơ khốn khó được giúp đỡ.
Blue Dragon tuyển nhân viên không dễ. Các nhân viên ở đây phải kiên trì, chấp nhận những đứa trẻ đang bất mãn, bị bạo hành, mất niềm tin; phải đặt niềm tin vào các em thì mới có thể đi cùng hành trình quá gian khó để thay đổi số phận một con người.
Họ phải là những người thực sự muốn giúp đỡ người khác, có lòng trắc ẩn, tình thương rất lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận