Giá gạo tại một sạp gạo trên đường Vườn Chuối (quận 3, TP.HCM) được chỉnh lên theo... giá xăng - Ảnh: THẢO THƯƠNG
"Đậu, đường, nước cốt dừa... cái gì cũng tăng"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại chợ Vườn Chuối (quận 3, TP.HCM), đã hơn 12h trưa nhưng hàng hóa vẫn còn đầy. Ngay ngày cuối tuần vừa qua, lối nhỏ vào chợ, hai bên đường là hàng trái cây, hàng gạo, đồ ăn thức uống đều đìu hiu.
Bà Nguyễn Thị Minh, người Quảng Ngãi, có hơn 10 năm bán chè ở chợ Vườn Chuối, cho hay:. "Chưa bao giờ chợ ế ẩm như bây giờ. Mọi khi cuối tuần thì bán 10h hơn là "cháy" xong chè. Bây giờ hơn 12h trưa vẫn còn chè treo lủng lẳng đây.
Đậu, đường, nước cốt dừa… cái gì cũng lên. Đậu đen bình thường 40.000 đồng/kg, nay lên 45.000 đồng/kg; đậu ván 32.000 đồng, mọi khi chỉ 28.000 đồng/kg; đường cũng tăng lên khoảng 3.000 đồng/kg… Giá nguyên liệu tăng nhưng tôi chưa dám tăng giá, tăng lên 12.000 đồng/bịch chè, khách hàng họ không dám mua".
Bà Minh cũng cho biết thêm, trước đây một xe chè bán lời được 350.000 đồng, nhưng vật giá tăng, lời chỉ còn 200.000 đồng. "Đứng "rục" chân cả buổi sáng, bán hết thì may đâu mới lãi được chừng đó, ế thì coi như thâm vốn. Xăng tăng giá, bán buôn "chua" lắm", bà Minh nói thêm.
Xăng tăng giá, chợ ế ẩm; vật giá tăng nhưng xe chè của bà Nguyễn Thị Minh (người Quảng Ngãi) vẫn "gồng" giá 10.000 đồng/bịch chè để giữ khách - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Ở dãy hàng gạo, chị Phạm Thị Thủy (bán sạp gạo trên đường Vườn Chuối, quận 3) cho hay 3 ngày nay, chị phải điều chỉnh giá gạo lên từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Chị chia sẻ: "Ở đây là sạp nhỏ, lấy đâu bán đó, gạo mới về phải điều chỉnh giá mới có lời. Khổ nỗi từ chỗ sợ lỗ đến chỗ ế hàng, sáng giờ có bán được 15-20kg, mà ai cũng chậc lưỡi vì thấy giá tăng".
Chạy dọc con đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Hữu Cầu (quận 1, TP.HCM), bên hông chợ Tân Định là những cửa hàng quần áo, hàng ăn uống, thực phẩm tươi sống…, nhưng tiểu thương nào cũng lắc đầu. "Xăng lên thì khách chạy trốn đâu hết", là lời đùa cợt của những người buôn bán tại đây.
Nhiều người bán đã tăng giá bán đối với cơm, bún, phở... khi giá xăng dầu ở mức cao kéo dài - Ảnh: N.TRÍ
Đa số cho rằng theo giá xăng, hàng lên thì bán giá tăng lên, nhưng lượng khách… giảm đi. "Tôi có mối ruột ngày nào cũng 4 hộp cơm sườn, mấy hôm nay không mua nữa mà tự đi chợ nấu nướng", chủ bán cơm sườn cho biết.
Doanh nghiệp, siêu thị cũng gặp áp lực lớn
Doanh nghiệp cũng chịu áp lực nặng từ khi xăng tăng giá đỉnh điểm. Như mọi năm, vào mùa xây dựng, Công ty TNHH Taika (quận 12) chuyên bán hàng về gạch ốp lát, bán rất nhanh vì chạy sản phẩm mới. Nhưng năm nay, sản phẩm, mẫu mới ra đúng lúc xăng tăng giá, nên cả tuần nay…đứng hàng.
Theo ông Hồng Thạnh Phước - giám đốc Công ty Taika, cả tuần này hàng không bán được, mẫu mới ra nhưng chào hàng với mức giá mới, khách hàng đều phân vân.
"Nếu hạ giá thì doanh nghiệp lại lỗ, trong khi đại lý cạnh tranh nhau. Công ty đang rất khổ, xăng tăng thì không biết "cư xử" như thế nào ngoài thị trường cho phải" - ông nói.
Giá nhôm xây dựng sau thời gian hạ nhiệt thì nay có dấu hiệu tăng trở lại khi giá xăng dầu lập đỉnh - Ảnh: N.TRÍ
Trong khi đó, ông Trần Văn Vũ, chủ cửa hàng nhôm kính Hoàng Vũ (Q.12), cho biết giá nhôm tháng trước vừa giảm xuống còn trên dưới 100.000 đồng/kg, nay nhấp nhổm tăng trở lại lên 110.000-115.000 đồng/kg khi giá xăng lập kỷ lục.
"Giá nhôm hiện nay đã tăng 20% so với mức của năm ngoái, nguy cơ sẽ còn tăng do phụ thuộc nguồn nhôm nhập từ Trung Quốc, thêm nữa là giá vận chuyển cũng tăng 15-20% tùy quãng đường. Do đó, nhiều thời điểm chúng tôi rất khó nhận thầu dự án do nguy cơ thua lỗ", ông Vũ than.
Trong khi đó, đại diện nhiều siêu thị như MM Mega Market, Emart, Lotte Mart... cho biết phải làm việc với nhà cung cấp thường xuyên hơn để đảm bảo giữ được giá bán bình ổn, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu. Do đó, thời điểm này, cơ bản vẫn chưa có những mặc hàng tăng giá mạnh.
Thực phẩm tươi sống đang được nhiều siêu thị duy trì nguồn cung, giá bán ổn định. Tuy nhiên, nhiều đơn vị thừa nhận không dễ giữ được giá bán tốt nếu chi phí đầu vào không hạ nhiệt - Ảnh: N.TRÍ
Đại diện một đơn vị thừa nhận, dù việc điều chỉnh giá phải theo quy trình, thời hạn, nhưng trong hợp đồng thì nhà cung cấp có quyền điều chỉnh giá bán nếu giá thành sản xuất gia tăng.
"Nếu giá thành đầu vào gia tăng, giá xăng dầu, vận tải tăng... thì không dễ để siêu thị tìm được giá tốt từ nhà cung cấp, thậm chí kể cả hàng bình ổn", đại diện một đơn vị nhận định.
Thực phẩm tươi sống giá còn tốt
Siêu thị Lotte Mart tại TP.HCM cho biết từ nay đến 24-5, nhiều mặt hàng trái cây, sữa, thịt, rau củ như việt quất, nho, kiwi, cà chua... sẽ được giảm giá phổ biến từ 5-25%.
Tương tự, Co.opmart cho biết nhờ nguồn cung dồi dào nên đơn vị đang giảm giá với một số mặt hàng trái cây như mít, ổi, táo; giá thịt heo, rau củ cũng được duy trì mức tốt, nhiều đợt khuyến mãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận